/ 600
532

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 476

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 03.07.2011

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 601, bắt đầu xem từ hàng thứ tư: “Như tịnh liên hoa”.

Hoa sen mọc lên từ bùn mà không nhiễm mùi bùn, hoa sen sanh ra ra trong bùn, tượng trưng không từ bỏ chúng sanh. Hoa nở khỏi mặt nước, là ví như Bồ Tát ly cấu thanh tịnh, nên gọi là xa lìa nhiễm ô. Đây là giải thích câu “như tịnh liên hoa”.

Hoa sen trong đại thừa dùng biểu pháp rất nhiều, tượng trưng mọc lên từ bùn mà không nhiễm mùi bùn. Hoa sen mọc trong bùn lầy, đất bùn tượng trưng lục đạo, lục đạo là nhiễm ô. Cành của nó sinh trưởng trong nước, hoa nở trên mặt nước. Cành mọc trong nước tượng trưng cho thanh tịnh, hoa nở trên mặt nước tượng trưng nhiễm tịnh nhị biên đều không nhiễm. Bùn, đáy bùn tượng trưng cho lục đạo. Nước tượng trưng tứ thánh pháp giới: Thanh văn, Duyên giác, Bồ Tát, Phật, đây là tứ thánh. Nó tượng trưng mười pháp giới, hoa của nó nở trong mười pháp giới, nhiễm tịnh nhị biên đều không nhiễm, nó tượng trưng ý này.

Ở đây nói cũng rất hay, hoa sen mọc trong bùn, tượng trưng không từ bỏ chúng sanh, chúng sanh đau khổ trong lục đạo. Hoa nở khỏi mặt nước, tượng trưng Bồ Tát ly cấu thanh tịnh. Không những xa rời bùn đất, mà cũng đã xa rời nước, nó nở trên mặt nước, nên nói xa rời nhiễm ô. Những điều này chúng ta đều nên học tập.

Trong cuộc sống hằng ngày phải học buông bỏ cả nhiễm lẫn tịnh. Buông bỏ được lục đạo, ví như hoa sen không nở trong bùn đất, nó cũng không nở trong nước. Nước tượng trưng thanh tịnh, nhiễm tịnh đều phải xả. Trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, người bất thiện ví như ở trong bùn. Người lương thiện, người tu học Phật đạo, giống như trong nước, thân tâm thanh tịnh. Chúng ta phải dùng tâm như thế nào để ứng đối? Giống như hoa sen không thân không sơ. Nếu hoa sen rời xa bùn, hoa sẽ không còn, nhưng cũng không lấy nước và bùn để trong lòng, thiện ác nhị biên đều buông bỏ.

Người tu hành chân chánh tuyệt đối không xả ly cảnh giới, vì sao? Cảnh giới đang rèn luyện một người, thành tựu hay không đều xem quý vị có chịu tiếp nhận rèn luyện hay không. Tiếp nhận rèn luyện chẳng ai không thành công.

Đức Thế Tôn khi làm nhẫn nhục Tiên Nhân, đã thể hiện ra cho chúng ta một điển hình tốt nhất. Vua Ca Lợi đi săn, rất mệt, nghỉ một chốc đã ngủ quên. Có người phát hiện gần đó có một hang động, có một người đang tu hành trong đó, mọi người hiếu kì đi xem. Tiên nhân thấy rất nhiều người đến, đều là người có nhân duyên, liền giảng Phật pháp cho họ nghe. Vua Ca Lợi tỉnh lại tìm không thấy ai, thấy cung nữ của mình quây quần bên một người tu hành vừa cười vừa nói, trong lòng rất giận dữ. Ông là người tu hành, sao lại mê hoặc cung nữ của tôi? Liền muốn giết tiên nhân, hỏi tiên nhân tu gì? Ngài tu nhẫn nhục ba la mật, tu nhẫn, xem ông nhẫn được chăng, liền dùng dao lăng trì cho đến chết. Không phải dùng một dao giết chết ngài, mà dùng dao cắt từng miếng thịt một, dùng cách đó để xử tử ngài.

Vua lại hỏi: Ông có thể nhẫn chăng? Có thể nhẫn. Ông có tâm oán hận chăng? Không có. Trước khi chết ngài còn nói với Vua Ca Lợi: Sau khi tôi thành Phật người đầu tiên tôi độ là ông, vì sao? Ông đã thành tựu hạnh nhẫn nhục ba la mật cho tôi, công đức viên mãn. Thuận cảnh sanh khởi tham luyến sẽ hủy hết, nghịch cảnh có một chút oán hận cũng bị phá hoại hoàn toàn. Thế nên Phật giảng kinh thuyết pháp cho chúng ta, công phu thật sự được dùng lúc nào? Ngay trong cuộc sống, mà trong cuộc sống quan trọng nhất là hoàn cảnh nhân sự.

Thế nên trong kinh thường nói: “Bồ Tát sở tại chi xứ, linh nhất thiết chúng sanh sanh hoan hỷ tâm”. Thiện nhân sanh tâm hoan hỷ, ác nhân cũng sanh tâm hoan hỷ, đây gọi là công phu thành tựu. Bồ Tát làm mô phạm cho chúng ta, người này thích, nhìn thấy chúng ta liền hoan hỷ. Chúng ta tiếp xúc nhiều với họ, giảng kinh thuyết pháp cho họ. Nếu người này không thích khi thấy chúng ta, chúng ta nên tránh họ. Không nên để họ tránh mình, mình nên tránh họ, khiến họ từ từ cảm ngộ, quay đầu, lấy đức cảm hóa người. Lấy đức hạnh thành tựu vô lượng công đức của chúng ta. Công đức này giúp chúng ta liễu sanh tử, xuất tam giới, chứng bồ đề.

/ 600