/ 600
483

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 473

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 28.06.2011

Địa điểm: Cao Hùng_Đài Loan

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 597, bắt đầu xem từ câu sau cùng trong hàng thứ ba. “Chí ư Ngụy Dịch tác tuệ do tâm xuất”, bắt đầu xem từ đây.

Tịnh Ảnh Sớ chú giải rất đơn giản, Tịnh Ảnh Sớ chú thích rằng: “Chân giải phát trung, danh tuệ tâm xuất”. Trí tuệ do tâm sanh ra, mới có thể thật sự lãnh hội được, chính là “chân giải phát trung”. Chân giải xuất phát từ trong tâm, nó không ở bên ngoài, đây gọi là “tuệ tâm xuất”.

Cái gọi là hiểu ngộ chân thật, phát xuất từ tâm, gọi là tuệ do tâm sanh. Đây là nói rõ cho chúng ta, trí tuệ chân thật không phải có được từ bên ngoài. Phàm những gì đến từ bên ngoài, người bây giờ gọi là tri thức, đúng nó không phải là trí tuệ. Trí tuệ nhất định phát xuất từ nội tâm, bên ngoài có thể trợ duyên, chứ bên ngoài không thể giúp chúng ta sanh trí tuệ, nhất định phải hiểu đạo lý này. Nếu bên ngoài có thể giúp chúng ta sanh trí tuệ, thì chúng ta đã không cần phiền phức như vậy.

Chư Phật Bồ Tát đại từ đại bi, có thể giúp chúng ta sanh trí tuệ chăng? Chư Phật Bồ Tát ở bên ngoài, không ở bên trong nên họ không thể, không phải Phật Bồ Tát không từ bi. Chúng ta sanh đến thế giới Cực Lạc, chúng ta có thể hưởng phước báo của Phật A Di Đà, chúng ta hưởng phước của ngài. Nhưng trí tuệ của ngài không cách nào cho chúng ta được, tự thân chúng ta phải cần cầu. Tự mình hướng đến đâu để cầu? Hướng nội cầu, không phải hướng ngoại cầu.

Chư Phật Như Lai giảng kinh thuyết pháp, không ngoài mục đích nói ra thật tướng các pháp. Cách thuyết pháp này, chúng ta hiểu chân tướng tất cả pháp, tự nhiên có thể buông bỏ ngoại duyên. Chỉ cần buông bỏ ngoại duyên, tự tâm liền khởi tác dụng, vì sao vậy? Vì tự tâm không có chướng ngại. Chướng ngại có vô lượng vô biên, Đức Phật phân nó thành hai loại lớn: Thứ nhất là phiền não chướng, thứ hai là sở tri chướng. Loại thứ nhất do chúng ta tham ái vật dục mà có, phiền não chướng do đây mà có. Loại thứ hai là do chúng ta khát cầu tri thức tạo nên, gọi là sở tri chướng, chính là dục vọng đối với tri thức.

Thứ nhất là dục vọng đối với cuộc sống vật chất, thứ hai là dục vọng đối với việc khát cầu tri thức, cầu tri dục. Nói tóm lại, tất cả phiền não đều sanh ra từ dục vọng, phải chăng dục vọng là thật? Không phải thật, là giả, vì sao? Vì tự tánh thanh tịnh tâm không có dục vọng, dục vọng sanh từ A lạ da, A lại da là vọng tâm. Vọng tâm mới có những thứ này, chân tâm không có, chân tâm không có gì cả, nhưng chân tâm của mình vốn đầy đủ vô lượng trí tuệ, vô lượng đức năng, vô lượng tướng hảo. Là tự tánh vốn có, không phải từ bên ngoài vào. Khi ngài Huệ Năng kiến tánh từng nói: “đâu ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ”, không thiếu điều gì, nên phải cầu tự nội tâm, đây là chánh pháp. Cầu từ bên ngoài là tà pháp, không phải chánh pháp.

Trong Kinh điển đại thừa nói rất rõ ràng: “Ngoài tâm không có pháp”, ở đây nói rõ biết bao. Tất cả các pháp đều là tâm hiện, thức biến, nên ngoài pháp không có tâm, tâm ở đâu? Tâm ở nơi vạn pháp, nó đã biến thành pháp tướng, tướng này khởi tác dụng, đây là chân tâm. Trong đó có tà tư tà niệm, tà tri tà kiến, nên nó biến chất, biến thành phiền não, biến thành vọng tưởng, biến thành phân biệt. Phàm những gì ở trong cảnh giới, giống như Kinh Bát Nhã nói: “tất cả pháp vô sở hữu, tất cánh không, bất khả đắc”. Ở trước phần chú giải này chúng ta đọc được một câu rất hay của các bậc cổ đức: “Bất đoạn chi vô”, ở trước chúng ta đã học qua. Đích thực là vô, nhưng cái vô này nó không gián đoạn, ý niệm này nối tiếp ý niệm kia, khiến chúng ta sanh ra ngộ nhận rất lớn, tưởng rằng nó có. Không biết nó là vô, không biết nó là không, chúng ta không thể không nắm rõ vấn đề này.

Lại Vô Lượng Thọ Kinh Sớ của ngài Vọng Tây viết: “Nghi võng ký đoạn, thật lý hốt chứng, bỉ năng chứng tri, bất do tha sanh, tất do tâm xuất”. Lời này nói rất hay, nghi là phiền não, tham sân si mạn nghi, phiền não phân thành năm loại lớn. Lưới nghi đã đoạn tận, năm loại phiền não lớn này, nghi là sau cùng, nếu đoạn tận nghi, tất cả ở trước đều đoạn tận. Ở trước chưa đoạn, nghi chắc không đoạn được. Thế nên Đức Thế Tôn giáo hóa, tông chỉ là nhằm vào vấn đề này, giúp tất cả chúng sanh phá mê sanh tín, chuyển mê thành ngộ, đều hạ công phu vào chữ nghi này. Không nghi, quý vị sẽ tin, tin này gọi là chân tín, hiện tại niềm tin của chúng ta không thật, vì sao không thật? Biết, nhưng không làm được, không phải làm không được, mà do có nghi. Nếu không có chút nghi ngờ nào, chắc chắn làm được 100%. Đây cũng là một tiêu chuẩn để kiểm nghiệm công phu tu hành của bản thân, nếu chúng ta không làm được 100%, phải tin rằng căn bản nghi của mình chưa nhổ sạch. Nên trong cuộc sống hằng ngày thường xuất hiện nhiều điều không như pháp, chính là nói việc không tương ưng với tánh được, tham sân si cũng đều là tiêu chuẩn.

/ 600