/ 600
477

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 472

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Liên Hải

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 27.06.2011

Địa điểm: Cao Hùng – Đài Loan

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 596, bắt đầu xem từ hàng thứ tư, đọc từ đoạn này.

“Dĩ phương tiện trí, phương tiện trí hựu danh quyền trí, nãi đạt ư phương tiện pháp chi trí. Hựu vi hành phương tiện chi trí. Quyền trí dữ thật trí tương đối. Đạt chư pháp chi thật tướng, danh vi Như Lai chi thật trí. Liễu đạt ư chư chủng chi sai biệt, vi Như Lai chi quyền trí.”

Trước hết chúng ta giải thích đơn giản về “phương tiện trí”, phương tiện trí cũng gọi là quyền trí. “Quyền” là đối với với “thật” mà nói, điều này dưới đây nói rất rõ, trong Phật Pháp thường nói là phương tiện thiện xảo, phương tiện thiện xảo chính là phương tiện trí, cũng là trí tuệ hành phương tiện, không có phương tiện thì không có cách gì chứng đắc chân thật. Không có huệ chân thật, phương tiện sẽ không thể kiến lập. Phương tiện nhất định phải nương vào chân thật để kiến lập. Nói cách khác, “thật trí” là thể, “phương tiện trí” là dụng. Có thể ứng dụng vào bản thân giúp đỡ bản thân nâng cao, dụng nơi giáo hóa chúng sanh, đều là phương tiện trí. Nhưng không có thật trí, những phương tiện này, ngày nay chúng ta gọi nó là tri thức. Nếu như họ có trí tuệ, thì tri thức này đều biến thành phương tiện trí. Vì sao vậy? Vì họ sẽ không dùng sai. Có tri thức không có trí tuệ, tri thức thường thường bị dùng sai. Dùng sai rồi, không những không có lợi ích, mà có thể sinh tai hại.

Ngày nay, trong thời đại chúng ta xã hội động loạn, trái đất này thiên tai bất thường, chưa hết tháng sáu, hôm qua một vị đồng học đưa cho tôi xem mục lục về thiên tai trong tháng này, nghĩa là những tiêu đề trên tin tức báo chí. Đã có hơn 170 lần, vậy còn chưa nguy sao! Tháng này vẫn còn mấy ngày, như vậy xem ra trong một tháng, toàn thế giới xảy ra những thiên tai nghiêm trọng sẽ đạt đến 200 lần trở lên. Đây là điều chưa từng thấy trong lịch sử ngày xưa của Trung Quốc hay nước ngoài. Làm sao mà thiên tai dày đặc và nghiêm trọng như vậy? Phải có trí tuệ chân thật, phải có phương tiện thiện xảo, mới có thể thực sự giúp đỡ chúng ta giải quyết vấn đề. Ở đây đều từ Như Lai sở chứng đắc mà nói, thật tướng thông đạt đối với các pháp, rõ ràng đối với chân tướng tất cả các pháp, đây gọi là thật trí, đây là trí tuệ chân thật. Liễu đạt tướng sai biệt của tất cả các pháp, đây là quyền trí của Như Lai. Một cái là biết được bản thể của nó. Quyền trí là biết được hiện tượng của nó, biết được tác dụng của nó.

Như Đại Thừa Nghĩa Chương Thập Cửu, có một giải thích đơn giản. Biết pháp nhất thừa chân thật, gọi là thật trí, liễu tri pháp tam thừa quyền hóa gọi là phương tiện trí. Giải thích này rất hay.

Pháp nhất thừa chân thật, trong Kinh Pháp Hoa nói: “duy có nhất thừa pháp, không hai cũng không ba, trừ Phật phương tiện nói.” Đức Thế Tôn 49 năm dạy học, không những nói về Bồ Tát, Thanh văn, Duyên giác, cũng nói không ít điều liên quan đến trời người. Cho nên ngày xưa chư vị cổ đức đem các thời giáo một đời của Thế Tôn chia thành ngũ thừa.

Ngũ thừa nói như thế nào? Nhân thừa. Cũng chính là trong sáu cõi, cõi người đến như thế nào, phải như thế nào để làm người cho tốt. Đây thuộc về nhân thừa Phật Pháp. Chúng ta học Phật phải bắt đầu học từ đây, Phật hướng dẫn chúng ta thập thiện, tam quy, ngũ giới, đây đều thuộc về nhân thừa. Một người bắt buộc phải tuân thủ, nếu như không tuân thủ, sau khi mất thân người, thì không thể được thân người nữa. Dạng nhân quả này, liên quan mật thiết, chúng ta không thể không biết. Trong đời này được sanh ở cõi người, hi vọng đời sau tại cõi người có thể sống tốt hơn, càng ngày càng thù thắng, vậy thì phải tu hành. Hành là tư tưởng, hành vi của chúng ta. Tư tưởng, hành vi sai trái rồi, đem nó sửa đổi lại gọi là tu hành. Tu hành danh từ này phải hiểu cho rõ ràng, phải thấu hiểu nó. Không thể sinh sai trái, cho nên thế gian Thánh hiền định tiêu chuẩn cho chúng ta luân lý đạo đức.

Lão tổ tông của chúng ta, chúng ta có lý do để tin tưởng, hơn một vạn năm trước, đã hiểu được giáo dục luân lý đạo đức. Khổng tử cách chúng ta hiện nay 2500 năm, Trung Quốc có văn tự là thời Hoàng đế phát minh ra. Hoàng đế đến nay 4500 năm, trước 4500 năm trước chưa có văn tự, có truyền thuyết đời đời kiếp kiếp, lão tổ tông giáo huấn đời này qua đời khác. Chúng ta tin rằng tổ tông truyền lại, nhất định sẽ không sai lầm. Bởi vì lời lẽ chí lý, vô cùng đơn giản rõ ràng, nó không phức tạp. Giáo dục luân lý, giáo dục đạo đức, tuyệt đối không phải bắt đầu từ Khổng Tử. Khổng Tử trở về trước khoảng 2000 năm, thời đại Hoàng đế, Hoàng đế bắt đầu dạy rồi. Chính là dạy ngũ luân, ngũ thường, tứ duy, bát đức. Chúng ta tin rằng trước Hoàng đế lão tổ tông đời đời kiếp kiếp cũng đã dạy. Chẳng qua vào thời đó, chưa có văn tự, chỉ có truyền miệng.

/ 600