/ 600
887

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 470

Chủ giảng: Pháp Sư Tịnh Không

Chuyển ngữ: Nguyên Thanh

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 26.6.2011

Địa Điểm: Cao Hùng -Đài Loan

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuối. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 591, hàng thứ 6, bắt đầu xem từ câu: dĩ hạ số cú kinh văn.

“Dĩ hạ số cú kinh văn, trùng minh tự tha nhị lợi dữ bình đẳng thuyết pháp chi đức hạnh, nhân du sát độ sanh bất ly thuyết pháp dã. Đản thuyết pháp bất ly tự giác, cố hạ vân: xả ly nhất thiết chấp trước, thành tựu vô lượng công đức, dĩ vô ngại huệ, giải pháp như như. Trùng minh tự lợi chi hành viên mãn. Thử tứ cú dĩ xả ly chấp trước vi thủ giả, nhân thử thật vi nhập đạo chi quan kiện”.

Hôm qua chúng ta học đến đây. Ý nghĩa này rất sâu, và cũng rất quan trọng, thật sự muốn nhập môn, muốn khế nhập cảnh giới của Phật, đây là một điểm then chốt, điểm then chốt hiện hữu chúng ta không thể không biết, tức là xả ly vọng tưởng chấp trước. Kinh văn nói phần trước, nói phần sau, ở giữa thì tỉnh lược, nhất định bao hàm trong đó, nếu nói một cách cụ thể là xả ly vọng tưởng, phân biệt, chấp trước.

Kinh Hoa Nghiêm nói cho chúng ta ba việc, tất cả đều là xả ly, “ngay đây là đức tướng trí huệ của Như Lai”. Đây là lời đức Thế Tôn nói trong kinh Hoa Nghiêm: “tất cả chúng sanh đều có đức tướng trí huệ của Như Lai”. Đều đã chứng đắc, câu nói này là đại viên mãn, đã hoàn toàn nói ra cho chúng ta. Vọng tưởng là vô thỉ vô minh phiền não. Phân biệt là trần sa phiền não, trần sa là ví dụ, tức là rất nhiều phiền não, phân biệt đem đến cho quý vị rất nhiều phiền não, giống như trần sa vậy, đếm không hết được. Tiếp đến là kiến tư phiền não, kinh Hoa Nghiêm gọi là chấp trước. Cho nên chấp trước tức là phiền não kiến tư, phân biệt là trần sa phiền não, vọng tưởng là vô thỉ vô minh phiền não. Những thứ phiền não này phải buông bỏ, nếu không buông bỏ ba loại này thì không thể chứng đắc. Muốn chứng đắc quý vị nhất định phải buông bỏ, chỉ cần buông bỏ, ngay đây là trí huệ đức tướng của Như Lai. Là như thế nào? Là đã thành Phật, Phật quả rốt ráo viên mãn. “Cố kinh tục vân”, trong kinh nói tiếp, “thành tựu vô lượng công đức”, chỉ có Như Lai quả địa mới thật sự thành tựu vô lượng công đức.

Từ ý nghĩa này chúng ta có thể lãnh hội được, niệm Phật rất quan trọng, quan trọng ở đâu? Câu danh hiệu Phật này vốn là vô lượng công đức mà chư Phật Như Lai trong vô lượng kiếp đã thành tựu, đem công đức này gia trì cho chúng ta. Quý vị niệm một câu A Di Đà Phật thì Ngài gia trì một lần, niệm hai câu, gia trì hai lần. Quý vị tư duy quan sát kỹ mà xem, có phải như vậy không? Nếu đúng như vậy, nếu là thật, thì chúng ta không còn hoài nghi nữa. Đây là chân thật, chẳng những chân thật, mà là chân thật trong chân thật, nhất định không hư vọng. Để chúng ta liên tưởng đến bộ kinh này, chú giải của bộ kinh này, với ý nghĩa công đức danh hiệu Phật là bằng nhau. Đức Thế Tôn giới thiệu cho chúng ta rằng: đây là Phật A Di Đà vô lượng kiếp tu tập thành tựu công đức. Chúng ta đọc kinh này một lần, là được sự thành tựu công đức trong vô lượng kiếp của Phật A Di Đà gia trì. Chúng ta khởi một ý niệm, muốn vãng sanh về thế giới Cực Lạc cũng như vậy. Cho nên trong kinh này đức Phật thường nói: “công đức không thể nghĩ bàn”, nhất định không phải là giả.

“Vô ngại huệ giả, chỉ viên dung thông đạt chi Phật huệ”. Chúng ta phải đặc biệt chú trọng đến hai chữ “viên dung” này, vì sao? Đích thực chúng ta khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác, sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần tức là không viên dung, cho nên có quan hệ không tốt với cảnh giới sáu trần, nếu như có quan hệ tốt thì thiên tai làm sao có được? Quan hệ tốt không thể phát sanh thiên tai, phát sanh thiên tai nhất định phải biết, quan hệ của chúng ta chưa tốt. Sự xung đột, mâu thuẫn giữa người và người, có sự hiểu lầm, nguyên nhân tại sao? Vì không quan hệ tốt, không biết viên dung, không thông đạt. Phải như thế nào mới thông đạt? Đương nhiên tốt nhất là buông bỏ tất cả vọng tưởng phân biệt và chấp trước, như vậy thì chẳng có gì không viên dung, chẳng có gì không thông đạt. Không buông bỏ phiền não tập khí, quý vị phải tu nhẫn nhục ba la mật, quý vị phải học tập khai mở tâm lượng, khai tâm lượng bắt buộc phải tu, vì sao? Người xưa thường nói: “lượng lớn phước lớn”, nếu không khai mở tâm lượng, phước báo của quý vị có hạn, quý vị không có phước báo lớn. Phước báo lớn điều kiện thứ nhất là tâm lượng lớn. Phước báo của Phật rất lớn không ai sánh bằng, nguyên nhân vì sao? Vì tâm của Ngài bao thái hư, lượng của Ngài châu sa giới. Chúng ta nghe vậy, tự than thở mình không bằng, không có tâm lượng lớn như Ngài, quý vị sẽ không có phước báo bằng Ngài. Nếu muốn có phước báo lớn, thì tâm lượng này chẳng thể không khai mở.

/ 600