/ 600
402

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 469

Chủ giảng: Pháp Sư Tịnh Không

Chuyển ngữ: Nguyên Thanh

Biên tập: Bình Minh

Giảng ngày: 25.6.2011

Địa Điểm: Cao Hùng -Đài Loan

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 590, hàng thứ 6 từ dưới đếm lên: “Nhị, tùng ư sở thọ dụng chí bất hy cầu tưởng”, bắt đầu xem từ đoạn này.

Đây là đoạn nhỏ thứ hai trong đoạn kinh văn này. “Tùng ư sở thọ dụng chí bất hy cầu tưởng”- đoạn kinh văn này. “Biểu bỉ độ Bồ Tát bình đẳng du ư thập phương Phật sát, ư sở thọ dụng giai bất trước thủ, du ư Tịnh quốc diệc vô ái nhạo, ư chư uế độ diệc bất yếm khí”.

Đây là nói về các vị Bồ Tát ở thế giới Cực Lạc, tứ độ tam bối cửu phẩm, từ địa vị thấp nhất là hạ hạ phẩm vãng sanh ở cõi Phàm Thánh Đồng Cư, cho đến đẳng giác Bồ Tát ở cõi Thật Báo. “Bình đẳng du ư thập phương Phật sát”. Hai chữ bình đẳng này rất quan trọng, thông thường mà nói, địa vị này là không bình đẳng. Bồ Tát trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư là phàm phu, chưa kiến tánh, Bồ Tát trong cõi Phương Tiện là tiểu thừa, là quyền giáo, cũng chưa minh tâm kiến tánh, nhưng họ đều đạt được oai thần bổn nguyện của Phật A Di Đà gia trì, đều làm Bồ Tát A Duy Việt Trí. Điều này trong quốc độ của mười phương chư Phật đều không có, chỉ có ở thế giới Cực Lạc mà thôi. Đây là lý do vì sao chư Phật trong mười phương tán thán Phật A Di Đà là “quang trung cực tôn, Phật trung chi vương”, đạo lý là như vậy.

Học trò của Phật A Di Đà, hạ hạ phẩm vãng sanh ở cõi Phàm Thánh Đồng Cư, trên thực tế ngay cả quả vị tiểu thừa họ cũng chưa chứng đắc, Bồ Tát Thập tín trong giáo lý đại thừa, họ chưa đạt được Sơ tín vị. Thập tín vị trong đại thừa giống như tiểu học, sơ tín vị giống như lớp một, tư cách của lớp một cũng không có. Nếu chứng đắc sơ tín vị, cũng là sơ quả của tiểu thừa, thì họ ở cõi Phương Tiện. Trong cõi Phương Tiện, dùng lời bây giờ mà nói, Sơ quả của tiểu thừa cho đến Bồ Tát, Phật quả trong mười pháp giới, những người này sanh đến thế giới Cực Lạc đều ở cõi Phương Tiện. Minh tâm kiến tánh rồi mới được sanh đến cõi Thật Báo. Chưa đạt được sơ quả trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư, nhưng họ với những Bồ Tát Đẳng Giác dạo đi trong mười phương Phật độ, đây là cảnh giới không thể nghĩ bàn. Cho nên Tịnh Độ gọi là pháp khó tin, đạo lý là ở điểm này.

Phật A Di Đà làm sao gia trì được? Trước chúng ta đã học qua, thật có đạo lý này. Nhân địa của Phật A Di Đà, tích lũy công đức trong thời gian vô lượng kiếp, thời gian này rất lâu, nói lên rằng gốc rễ của Ngài rất sâu dày. Ở 15 kiếp trước đó Ngài là quốc vương, gặp được Thế Gian Tự Tại Vương Phật, ngài bỏ vương vị xuất gia tu hành. Phật Tự Tại vương đặt pháp hiệu cho Ngài là Pháp Tạng Tỳ kheo. Lúc bấy giờ Ngài phát 48 lời nguyện, phát nguyện rồi phải thực hành nguyện đó, mỗi nguyện đều phải làm được. Dùng thời gian năm kiếp, trong kinh không nói trung kiếp tiểu kiếp, vậy khẳng định đó là đại kiếp. Một đại kiếp là thế giới này một lần thành trụ hoại không, đây gọi là một đại kiếp, quý vị nghĩ xem thời gian dài như vậy, thế giới này năm lần thành trụ hoại không mới được 5 đại kiếp. Thời gian này mỗi nguyện mỗi nguyện Ngài đều thực hành viên mãn. Quả đức của viên mãn là thành tựu thế giới Cực Lạc. Cho nên thế giới Cực Lạc nhất định không phải do người thiết kế, cũng không phải con người kiến trúc, nó tự nhiên hình thành. Đạo lý này rất sâu, ở trước chúng tôi đã nói rõ.

Tình hình ở thế giới Cực Lạc này và thế gian của chúng ta, rất giống tầng trời thứ năm và tầng trời thứ 6 ở dục giới. Tầng trời thứ 5 là Hóa Lạc Thiên, tầng trời thứ 6 là Tha Hóa Tự Tại Thiên, chúng ta thường dùng hai tầng trời này để ví dụ, xem người vãng sanh thế giới Cực Lạc có cuộc sống như thế nào. Tất cả thọ dụng ở thế giới Cực Lạc đều do Phật A Di Đà biến hiện ra, “tất cả pháp từ tâm tưởng sanh” ở thế giới Cực Lạc hoàn toàn đúng như vậy, “tưởng y y chí, tưởng thực thực lai”, nghĩ đến cái gì thì có cái đó. Đạo lý này khoa học biết được, nhưng họ không làm được, thế giới Cực Lạc thật hiện, nguyên lý của nó là “tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”. Hiện nay câu nói này của Phật được khoa học chứng minh, nói rất rõ ràng, có câu nói này, chúng ta nghe hiểu được.

/ 600