/ 600
740

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 468

Chủ giảng: Pháp Sư Tịnh Không

Chuyển ngữ: Nguyên Thanh

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 25.6.2011

Địa Điểm: Cao Hùng -Đài Loan


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 589, hàng thứ 2, bắt đầu xem từ câu Thắng Man Bảo Quật.

“Thắng Man Bảo Quật viết: Phật năng dĩ chánh pháp thọ dữ chúng sanh”. Chánh pháp là gì? “Chánh pháp giả, chân chánh chi đạo pháp. Như thị chánh pháp, vô tướng vô vi, vô phược vô thuyết, vô chư phân biệt, viễn ly điên đảo”. Đây là lược nói về tướng trạng của chánh pháp, 16 chữ này là tiêu chuẩn của chánh pháp. Dưới đây chú giải rằng, “vô tướng giả”- vô tướng là gì? Tịnh Ảnh viết: chư pháp tất không, danh vi vô minh”. Như trong kinh Đại Bát Nhã nói: “nhất thiết pháp, tất cánh không, bất khả đắc”. Đây là chánh pháp, đây là đạo pháp chân chánh. Chư Phật Như Lai, pháp thân Bồ Tát thấy được, chúng sanh trong mười pháp giới không thấy được. Chúng sanh trong mười pháp giới cho rằng, cảnh giới mà 6 căn tiếp xúc được là thật, không phải giả, điều này là thấy sai hoàn toàn. Giống như những đứa nhỏ xem phim, nó tưởng rằng những hình ảnh trên màn hình đều là thật, không biết đó là giả, ví dụ này rất giống.

Chúng ta đọc đến Bồ Tát Xứ Thai kinh, thấy cuộc đối thoại của đức Thế Tôn với Bồ Tát Di Lặc mới hoàn toàn hiểu rõ. Hiểu rồi chúng ta khẳng định trong Bát Nhã kinh nói có lý, tất cả pháp quả thực là vô sở hữu, tất cánh không, bất khả đắc, đây là nhìn thấu. Nhìn thấu rồi, chúng ta đối với những chấp trước, những phân biệt, những vọng tưởng về tất cả pháp, đều có thể buông bỏ hết. Vì sao vậy? Vì nhờ đây mới biết được chúng ta khởi tâm động niệm là sai, vốn không có tất cả pháp. Cho nên thuận cảnh thiện duyên không sanh khởi tham luyến, nghịch cảnh ác duyên không sanh sân nhuế, có thể vĩnh viễn duy trì tâm thanh tịnh bình đẳng giác, đó là chánh pháp, đạo pháp thật sự.

Nhưng chư pháp tất không, không có trí huệ chân thật thì không thấy được, không biết nó là không, đây gọi là vô tướng. Tướng tức vô tướng, tất cả hiện tượng đặt ngay trước mắt, biết được tướng này là huyễn tướng, là tướng sát na sanh diệt, là tướng liễu bất khả đắc, cho nên gọi nó là vô tướng.

“Hựu Niết Bàn kinh vân: niết bàn danh vi vô tướng”. Niết bàn là tiếng Phạn, cũng có thể giải thích là vô tướng. “Dĩ hà nhân duyên, danh vi vô tướng”. Nhân duyên là gì? Dưới đây giải thích rằng: “thiện nam tử, vô thập tướng cố”. Thập là 10 loại lớn, hàm nghĩa là vô lượng vô biên, tức là tất cả hiện tượng đều không ngoài 10 loại lớn này.

10 loại lớn này, “sở vị sắc tướng”, thứ nhất là sắc tướng, mắt thấy gọi là sắc tướng, tai nghe gọi là thanh tướng, mũi ngửi gọi là hương tướng, lưỡi nếm gọi là vị tướng, thân thể của chúng ta tiếp xúc gọi là xúc tướng, ngoài ra sanh là ra đời, trụ là sau khi ra đời trụ một đoạn thời gian, đến cuối cùng thì nó hoại, rồi diệt, cho nên sanh tướng, trụ tướng, hoại tướng, nam tướng, nữ tướng, Ở trong động vật thực vật, là tướng đực, tướng cái, đây gọi là thập tướng. “Vô như thị tướng, cố danh vô tướng”. Vô như thị tướng, nghĩa là trong tất cả hiện tượng không tìm ra 10 tướng. Vì sao vậy? Vì 10 tướng này là giả, không phải thật, đích thực là sát na sanh diệt, liễu bất khả đắc. Trong kinh điển đại thừa thường nói: “đương thể tức không, liễu bất khả đắc”. Đương thể tức không là hiện tượng, bất luận là lý hay sự, bất luận là tánh hay tướng, bất luận là nhân hay quả, chẳng có gì không phải là đương thể tức không, liễu bất khả đắc.

Người mê mất tự tánh, nhìn những thứ này cho rằng là thật, cho rằng thật sự tồn tại, cho nên 6 căn tiếp xúc những hiện tượng này thì họ khởi phân biệt. Sắc thanh hương vị xúc sanh trụ hoại này đều gọi là phân biệt. A La Hán, Bích Chi Phật vẫn có phân biệt, nhưng không còn chấp trước; phàm phu lục đạo có phân biệt, có chấp trước, phiền phức là ở chỗ này. Có phân biệt, sẽ không ra khỏi 10 pháp giới; có chấp trước, sẽ không ra khỏi lục đạo luân hồi. Nhưng chúng ta nên biết, luân hồi từ đâu mà có? Từ chấp trước mà có, quý vị không chấp trước vào các pháp, sẽ không có luân hồi. Luân hồi là giả, không phải thật. Quý vị có phân biệt sẽ có mười pháp giới, cũng là nói có pháp giới tứ Thánh, không còn phân biệt thì pháp giới tứ Thánh cũng không còn. Tuy pháp giới Tứ Thánh không còn, nhưng quý vị cũng chưa vượt thoát. Lúc nào mới vượt thoát được? Không khởi tâm, không động niệm là vượt thoát, không còn mười pháp giới. Đây là thật tướng của các pháp, tức là chân tướng. Thật tướng vô tướng, chân tướng vô nhất thiết tướng, ở đoạn này nói là vô tướng.

/ 600