503

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 467

Chủ giảng: Pháp Sư Tịnh Không

Chuyển ngữ: Nguyên Thanh

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 24.6.2011

Địa Điểm: Cao Hùng -Đài Loan

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 588, hàng thứ 7 từ dưới đếm lên, bắt đầu xem từ câu thứ hai.

“Bồ Tát năng như thị đắc tứ vô ngại: pháp vô ngại, nghĩa vô ngại, từ vô ngại, nhạo thuyết vô ngại”. Tứ vô ngại biện này chúng ta thường thấy trong kinh, cũng gọi là tứ vô ngại trí, cũng gọi là tứ vô ngại giải, ý nghĩa giống nhau. Đoạn này ở trước cũng đã giải thích.

Thứ nhất là pháp vô ngại. Pháp là tất cả pháp thế gian và xuất thế gian, đức Thế Tôn dạy học dùng chữ pháp làm tổng đại danh từ, nói chữ pháp này là tất cả pháp thế xuất thế gian đều bao hàm trong đó. Pháp vô ngại, là thông đạt minh liễu tất cả pháp, đều có thể nói được danh từ của nó, đây cũng không phải là một việc dễ. Bao gồm những nghĩa lý, hiện tượng, tác dụng của nó, họ đều biết cả, cho nên nói tứ vô ngại là “vô sở bất tri”. Trong kinh Bát Nhã nói “bát nhã vô tri, vô sở bất tri”, vô tri là thể, tức là mật tạng mà ở trước nói, mật tạng là vô tri, nhưng khi khởi tác dụng thì nó vô sở bất tri, đạo lý này rất sâu. Vì sao vô tri mà khi khởi tác dụng lại vô sở bất tri? Vì vô tri là một người thật sự buông bỏ triệt để khởi tâm động niệm, phân biệt chấp trước, trong tâm không nhiễm chút bụi trần, cảnh giới này là chân tâm, là chân như, tiếng Phạn gọi nó là Đại Bát Niết Bàn. Trong kinh điển có khi nói là tổng trì, ở đây nói là “biện tài tổng trì”, tổng tất cả pháp, trì tất cả nghĩa, ý nghĩa của tổng trì là như vậy. Cũng gọi nó là đà la ni, đà là ni cũng có nghĩa là tổng trì. Đây là tánh đức của tự tánh.

Tự tánh, đại sư Huệ Năng nói rất hay, khi nó chưa khởi tác dụng thì không thể nói là không, vì nó vốn tự đầy đủ. Câu thứ ba ngài nói khi kiến tánh: “đâu ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ”. Ý nghĩa của câu này đồng nghĩa với câu Thế Tôn nói kinh Hoa Nghiêm: “tất cả chúng sanh đều có đủ trí huệ đức tướng của Như Lai”. Nói cách khác, đây là bản năng của tự tánh, không phải học mà có được, nó vốn đã có sẵn, nhưng nó không có hiện tượng. Trí huệ, đức năng, tướng hảo, dùng lời bây giờ mà nói, thì giống như một loại năng lượng, là tự nhiên, lấy không hết, dùng không cạn; nó lại là bất sanh bất diệt, nó không đến không đi. Khi khởi tác dụng, đều là đương xứ xuất sanh, tùy xứ diệt tận. Trong kinh điển đại thừa thường dùng bốn chữ để hình dung đó là: “không thể nghĩ bàn”. Quý vị không thể tưởng tượng được, cũng không thể đem nó nói rõ ràng minh bạch được, đều không thể. Gặp duyên nó liền hiện tướng, hiện tượng gì nó cũng hiện được, tùy duyên hiện tướng. A lại da tùy duyên khởi biến hóa, A lại da là vọng tâm, mật tạng là chân tâm. Người xưa nói, chỉ cần quý vị minh tâm kiến tánh, thì quý vị hoàn toàn đạt được tất cả pháp thế xuất thế gian, tất cả là tự tánh biến hiện ra. Đã là tự tánh biến hiện, sao họ không biết được chứ? Cho nên nói là pháp vô ngại.

“Nghĩa” là nghĩa lý. Pháp từ đâu mà có, vì sao có, nó có tác dụng như thế nào, trong các pháp có quan hệ như thế nào, có ảnh hưởng gì, họ hoàn toàn biết được, chẳng có gì không biết. Nghĩa là từ lý luận mà có, pháp là từ hiện tượng mà có. Trong kinh Hoa Nghiêm đem tất cả pháp quy nạp ở ba bộ phận: lý thể, hiện tượng và tác dụng, nói đơn giản là thể- tướng- dụng. Trong đề kinh cũng đã hàm chứa ý nghĩa này rồi. “Đại” là thể tán thán, không thể hình dung, dùng chữ đại để tán thán. “Phương” là nói về hiện tượng. “Quảng” là tán thán tác dụng của nó. Cho nên Đại Phương Quảng là ý nghĩa của thể- tướng- dụng.

Dưới đây nói “từ”, từ là ngôn từ, “từ vô ngại”, từ vô ngại là vô sở bất tri. “Nghĩa vô ngại” có thể nói là vô tri, nhưng khởi tác dụng thì vô sở bất tri, ý nghĩa thông đạt minh liễu, không có chướng ngại. Ngôn từ, lấy đại cầu của chúng ta để nói, ngôn ngữ riêng của mỗi địa phương rất phức tạp, bất đồng tầng không gian. Con người có ngôn ngữ, vậy động vật có ngôn ngữ hay không? Có, động vật cũng có ngôn ngữ, người được tâm thanh tịnh có thể nghe được ngôn ngữ của động vật.