/ 600
710

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 466

Chủ giảng: Pháp Sư Tịnh Không

Chuyển ngữ: Nguyên Thanh

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 24.6.2011

Địa Điểm: Cao Hùng -Đài Loan

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 586, hàng thứ 3 từ dưới đếm lên, bắt đầu xem từ câu đầu.

“Hữu đoạn kinh văn trung, vô bất viên mãn dĩ tiền thị tổng tán, thử hạ minh nhất thiết viên mãn chi nhân, thủ tại cứu cánh minh liễu Phật chi mật tạng. Cố như tham thủy đắc nguyên, tầm chi đắc bổn. Đắc kỳ căn bổn, bất sầu chi mạt. Cố vân đắc kỳ nhất, vạn sự tất dã”.

Người xưa nói lời này, rất nhiều chỗ là nói “thức đắc nhất”, thức là nhận thức “thức đắc nhất, vạn sự tất” và ở đây “đắc kỳ nhất, vạn sự tất” ý nghĩa tương đồng.

“Nhược năng liễu liễu thường tri Phật chi bổn thể, tự nhiên điều phục chư căn, như thủ ác kim cương vương bảo kiếm, lai giả câu trảm, tự diệc bất tồn, kiếm diệc phi kiếm. Cố thiện điều phục, thân tâm hòa thuận, thâm nhập chánh huệ, thân tâm câu điều, chánh huệ minh liễu, cố phiền não dư tập bất đoạn nhi đoạn”.

Đến đây là một đoạn. Ở trước trong kinh văn sau cùng là “vô bất viên mãn”, trước “vô bất viên mãn” này là tổng tán, sau “vô bất viên mãn” nói về nhân của tất cả viên mãn. Nhân là gì? Nhân là mật tạng rốt ráo minh liễu của Phật, điều này trước đây chúng ta đã dùng thời gian rất dài để học tập.

Mật trong Như Lai mật tạng này không phải là bí mật, mà là thâm mật. Nói cách khác, tri thức không thể đạt được, tri thức không thể lý giải được, nên nó trở thành mật. Cái gì có thể lý giải được nó? Trí huệ.

Trí huệ và tri thức là hai việc, không tương đồng. Trí huệ là vốn có trong tự tánh, không phải từ bên ngoài vào, đó là thật không phải giả. Tri thức không phải là thật, tri thức là từ bên ngoài mà có, gọi là do học và nhớ mà có, quý vị xem nhiều, nghe nhiều, nhớ nhiều đều thuộc về tri thức. Tri thức có tính giới hạn, nó không phải là tính phổ biến, nó có chướng ngại, nó không phải là vô ngại. Trí huệ thì khác, trí huệ vốn có trong tự tánh, nó không có tính giới hạn, nó không có chướng ngại, nó có thể giải quyết tất cả vấn đề mà không để lại di chứng nào về sau. Cho nên học thuật Đông phương lấy việc cầu trí huệ làm chủ yếu, không giống như Tây phương. Tây phương 200 năm gần đây là thuần túy tri thức, không tìm cầu trí năng nữa, hoàn toàn dùng tư duy, dùng tưởng tượng cầu được tri thức. Người Đông phương bây giờ cũng học theo người Tây phương rồi, đã lơ là truyền thống của mình, truyền thống là cầu trí huệ. Trí huệ từ đâu mà có? Phật giáo truyền đến Trung Quốc, có ảnh hưởng rất lớn đối với văn hóa nước này. Phật pháp nắm vững cương lĩnh này, nói rất rõ ràng. Ba môn học- giới, định, huệ, nhân giới sanh định, nhân định phát huệ, trí huệ từ đây mà có. Giới là gì? Là quy củ, quy luật. Giữ gìn quy củ thì tâm được định, định lâu ngày trí huệ tự nhiên khai mở. Đại thừa chủ trương giới định huệ, tiểu thừa cũng không rời giới định huệ. Khi truyền đến trung quốc, nho giáo sử dụng, đạo giáo cũng sử dụng. Đều giữ gìn tam học giới định huệ, thành tựu trí huệ chân thật. Ba môn học- giới định huệ là thật học, vì sao vậy? Vì đều là vốn có trong tự tánh, dùng tự tánh vốn có để khai quật trí huệ, đức năng, tướng hảo của tự tánh, điều này chắc chắn sẽ thành tựu. Cho nên tri thức vĩnh viễn không thể nào khai quật được trí huệ đức tướng của tự tánh, điều này chúng ta phải biết.

Mật tạng là gì? Mật tạng là tự tánh, đây là từ lý mà nói; từ sự mà nói thì mật tạng là A lại da. Nhưng A lại da hiện nay đã được các nhà khoa học phát hiện rồi, tuy phát hiện ra, biết được có việc này, nhưng không biết lý của nó. Ba tướng tế của A lại da được các nhà khoa học chứng minh, đích thực là có. Danh từ của khoa học là năng lượng, tin tức và vật chất, đây là ba tướng tế của A lại da. Năng lượng là nghiệp tướng của A lại da, tin tức là chuyển tướng của A lại da, vật chất là cảnh giới tướng của A lại da. Danh từ không giống nhau, nhưng sự việc hoàn toàn tương đồng. A lại da từ đâu mà có, nguyên nhân gì mà có, thì khoa học không biết, triết học cũng không biết. Trong giáo lý đại thừa nói rằng: “chỉ có chứng mới biết được”, quý vị chứng đắc quả vị Như Lai thì quý vị sẽ biết.

/ 600