/ 600
996

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 465

Chủ giảng: Pháp Sư Tịnh Không

Chuyển ngữ: Nguyên Thanh

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 23.6.2011

Địa Điểm: Cao Hùng -Đài Loan


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 585, hàng thứ năm từ dưới đếm lên, bắt đầu xem từ câu thứ hai.

“Hoặc nghi: Phật xả nhục thân, hà hữu nhục nhãn”? Hoặc có người hoài nghi, nêu ra vấn đề: Phật đã xả bỏ nhục thân, thì đâu còn nhục nhãn nữa? Dưới đây nêu lên những lời trong Đại Trí Độ luận. “Trí Độ luận viết: huệ nhãn, pháp nhãn, Phật nhãn tuy thắng”. Thắng là thù thắng, thắng qua nhục nhãn và thiên nhãn. “Phi kiến chúng sanh pháp. Dục kiến chúng sanh, duy dĩ nhục nhãn”. Pháp thân Bồ Tát, Diệu Giác Như Lai trú Thường Tịch Quang, cũng có nghĩa là hồi quy tự tánh. Tự tánh trong triết học hiện đại nói là bản thể, bản thể của vũ trụ vạn hữu. Muôn vật trong vũ trụ đều từ nó mà sanh, triết học truy cầu điều này, nhưng chưa bao giờ có người thấy được. Cho nên bản thể của triết học mãi đến bây giờ cũng chưa có định luận, người nói rất nhiều, nhưng không thể làm cho con người ta tâm phục khẩu phục.

Trong giáo lý đại thừa nói bản thể này là tự tánh, tự tánh thanh tịnh viên minh thể, trong Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán của quốc sư Hiền Thủ nói như vậy. Khi đại sư Huệ Năng kiến tánh Ngài nói rằng: “đâu ngờ tự tánh năng sanh vạn pháp”, đây là thật sự chứng đắc bản thể, chứng đắc tánh thể, ở trong Phật pháp mới gọi là thành Phật, chưa kiến tánh thì chưa gọi là thành Phật.

Pháp thân Bồ Tát đều đã kiến tánh, chỉ là chưa đoạn hết tập khí vô thỉ vô minh, cho nên có 41 cấp bậc sai khác. Từ thập trú, thập hạnh, thập hồi hướng, thập địa đến đẳng giác, 41 địa vị. Trong kinh điển đại thừa cũng thường nói, 41 vị pháp thân đại sĩ ở cõi Thật Báo, tức là cõi Thật Báo Trang Nghiêm, những vị này là Phật thật, không phải Phật giả. Cư sĩ Giang Vị Nông trong Kim Cang Kinh Giảng Nghĩa nói rất rõ, rất thấu triệt. Nói về chư Phật trong kinh Kim Cang, ông đều đem 41 pháp thân đại sĩ để giải thích, đây chính là trong kinh Bát Nhã nói ý nghĩa của chư Phật, trên đẳng giác là diệu giác, đó là quả Phật rốt ráo, vị Phật này không phải ở cõi Thật Báo, mà ở Thường Tịch Quang, gọi là rốt ráo viên mãn Phật, cũng là nói họ đã đoạn hết tập khí vô thỉ vô minh, không còn nữa. Những vị này, mặc dù là pháp thân Bồ Tát, nhưng họ có năng lực, có trí huệ và cũng có lòng từ bi. Chúng sanh trong biến pháp giới hư không giới có cảm thì họ có ứng. Như phẩm Phổ Môn nói “cần hiện thân gì để độ thoát thì họ hiện thân đó để độ thoát”. Chú ý chữ “ứng” ở trong này, Phật Bồ Tát không có thân tướng, năng ứng, chúng sanh trong mười pháp giới có cảm, ứng này là phản ứng, phản ứng tự nhiên. Cho nên 32 ứng thân là vì cảm của chúng sanh mà ứng.

Phật có khởi tâm động niệm không? Không có, Phật và pháp thân Bồ Tát chắc chắn không có khởi tâm động niệm, nếu họ khởi tâm động niệm, thì họ đọa lạc, họ là phàm phu, họ không phải là Bồ Tát. Chúng ta nghĩ xem, khi Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, thị hiện cho chúng ta bát tướng thành đạo, giảng kinh thuyết pháp 49 năm, thử hỏi ngài có khởi tâm động niệm hay không? Nên biết rằng Ngài không khởi tâm động niệm, cảnh giới này rất sâu.

Cho nên trong kinh thường nói, pháp thân đại sĩ là cảnh giới không thể nghĩ bàn. Câu nói này rất thiết thực, chúng ta không thể tưởng tượng được. Đạo lý là gì? Trong bộ kinh này nói rất rõ ràng, ở trước chúng ta đã học qua, đó là vô lượng kiếp đến nay, mỗi vị pháp thân đại sĩ đều tu hành vô lượng kiếp, vô lượng kiếp tích lũy công đức, cộng thêm nguyện lực của họ, cộng thêm sự tu hành của họ, công đức thành tựu. Hiện tại sự thành tựu này, giới khoa học cũng đã dần dần phát hiện ra rồi, đây là một việc tốt. Khoa học ngày nay đạt được một khái niệm, nền tảng của tất cả hiện tượng ở thế gian này đều là ý niệm, ngày nay chúng ta gọi là ý nghĩ. Ý niệm từ đâu mà có? Hiện nay họ chưa biết, họ chỉ phát hiện là từ không sanh ra có. Câu từ không sanh ra có này, chúng ta có thể lý giải, quả thực là từ không sanh ra có, nhưng không này thuộc về tự tánh, các nhà khoa học chưa thấy tánh. Trong tự tánh vốn đầy đủ, nhưng tự tánh không có hiện tượng, chẳng những không có vật chất, không có tinh thần, ngay cả hiện tượng tự nhiên cũng không có, cho nên dùng tâm ý thức không đạt được. Công cụ khoa học có cao đến đâu đi nữa thì cũng không theo dõi được, không thể thăm dò được nó, chẳng nơi nào nó không có, chẳng lúc nào nó không hiện hữu. Đức Phật dạy: “chỉ có chứng mới biết được”, sự việc này quý vị phải chứng đắc. Phương pháp chứng như thế nào? Quý vị buông bỏ được khởi tâm động niệm, phân biệt chấp trước, thì quý vị chứng đắc. Người nào buông bỏ được thì người đó chứng đắc. Người chứng đắc này gọi là thành Phật. Cho nên trong kinh điển đại thừa nói: “tất cả chúng sanh vốn là Phật”, chúng ta phải tin tưởng, không hoài nghi. Vì sao nói quý vị vốn là Phật? Quý vị buông bỏ được, thì quý vị là Phật. Quý vị không buông bỏ được thì quý vị là phàm phu, chỉ cần buông bỏ là được.

/ 600