/ 600
494

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 463

Chủ giảng: Pháp Sư Tịnh Không

Chuyển ngữ: Nguyên Thanh

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 22.6.2011

Địa Điểm: Cao Hùng -Đài Loan


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 582, chúng ta bắt đầu xem từ câu cuối cùng của hàng thứ 6

Bát, chánh định giả, dĩ vô lậu trí tương ưng, chánh trú ư lý, quyết định bất di cố. Điều cuối cùng trong bát chánh đạo là chánh định, cũng là dùng trí vô lậu. Thất giác chi, bát chánh đạo đều dùng trí vô lậu là thể, không có trí huệ chân thật thì không làm được. “Chánh trú ư lý”, lý này là gì? Tức là chân như lý thể, chư pháp thật tướng, thông đạt chư pháp thật tướng gọi là “trú”. Thật tướng vô tướng, thật tướng vô bất tướng, nói thật tướng vô tướng là từ thể mà nói, về lý mà nói, nói nó vô bất tướng là từ trên tác dụng của nó mà nói. Đại sư Huệ Năng gọi là “năng sanh vạn pháp”, năng sanh vạn pháp là vô bất tướng. Tuy sanh vạn pháp, nhưng vạn pháp không phải là thật, nó là đương thể tức không, liễu bất khả đắc, đây gọi là trú thật tướng. “Quyết định bất di”, ở trong hiện tượng này quyết định không khởi tâm, không động niệm, đó gọi là bất di; khởi tâm động niệm còn không có, đương nhiên không có phân biệt chấp trước rồi. Đây gọi là chánh định.

Ở trước chúng ta đã học qua, phàm là người vãng sanh đến thế giới Tây phương Cực Lạc, bất luận trước khi vãng sanh họ có thân thế như thế nào, là Bồ Tát, là Thanh Văn, là Duyên Giác, là nhân thiên, thậm chí tam đồ ác đạo cũng có, nhưng đến thế giới Cực Lạc họ đều nhập chánh định tụ. Câu này quan trọng lắm! Chánh định tụ là gì? Là pháp thân Bồ Tát, không phải pháp thân Bồ Tát thì không đến được cảnh giới này. Do đây chúng ta mới biết được thế giới Tây phương thù thắng vô cùng, chỉ cần được hạ hạ phẩm vãng sanh, vào cõi Phàm Thánh Đồng Cư, đến thế giới Cực Lạc thì quý vị được bổn nguyện oai thần của Phật Di Đà gia trì, nhập chánh định tụ. Điều này là trong nguyện thứ hai nói “giai tác A Duy Việt Chí Bồ Tát”, A Duy Việt Chí Bồ Tát là pháp thân bồ tát, viên chứng tam bất thoái Bồ Tát.

Tuy chúng ta chưa chứng đắc cảnh giới này, nhưng đối với sự này, lý này hiểu được bao nhiêu phần. Nếu thật sự hiểu rồi thì nó khởi tác dụng, khởi tác dụng như thế nào? Nghĩa là ở trong cuộc sống hàng ngày đối nhân xử thế, cổ đức nói rằng: quý vị đã xem nhẹ rồi. Đối với tất cả sự vật không chấp trước, không phân biệt, thì phạm vi khởi tâm động niệm cũng giảm nhẹ, đây là từ chỗ giải ngộ dần dần có xu hướng tu chứng. Nếu đối với sự việc này không hiểu rõ ràng minh bạch, thì phiền não tập khí không dễ buông bỏ. Thật sự hiểu rõ ràng minh bạch rồi, sẽ tự nhiên buông bỏ được. Cho nên, nghĩa kinh rất sâu, có hiểu rõ ràng minh bạch hay không, từ khởi tâm động niệm của quý vị, trong ngôn ngữ tạo tác quý vị có thể biểu hiện ra ngoài, có phải là thật sự hiểu rõ rồi hay không, hiểu rõ rồi quý vị nhất định sẽ làm được. Đây cũng gọi là biết thì khó làm thì dễ, làm không khó, biết thì rất khó. Phàm những gì chúng ta không làm được, đều do biết không thấu triệt, nên học tập kinh giáo vô cùng quan trọng.

Người xưa thiện căn phước đức sâu dày, hình thức sâu dày này là gì? Là chân thật, nghe lời và thực hành. Họ không cần học nhiều kinh giáo, vì sao vậy? Vì họ nghe lời, họ thực hiện, cho nên rất nhiều người thành tựu. Hiện đại, đặc biệt là những phần tử tri thức, khó độ! Vì sao vậy? Vì nếu họ không hiểu rõ ràng minh bạch, họ không thể tiếp nhận, không tin tưởng. Thường thường vì lý do này nên gặp được đại thừa nhưng họ lại bỏ qua cơ hội trước mặt, thật đáng tiếc! Cho nên trước đây Phật Bồ Tát độ chúng sanh rất dễ, ngày nay độ chúng sanh thì khó rồi, quá khó quá khó. Nguyên nhân khó là do chúng ta bỏ Thánh giáo quá lâu, ở Trung Quốc một số người thường nói ít nhất là 200 năm. 200 năm là bao nhiêu đời? Ít nhất là 8 đời. Bổn kinh nói là “tiên nhân bất thiện”, tám đời trên đều lơ là, “bất thức đạo đức, vô hữu ngữ giả, thù vô quái dã”. Người thời nay vô tri, không tin tưởng, không thể tiếp nhận, nhưng chúng ta không thể trách họ. Thánh Hiền dạy dỗ, Phật Bồ Tát dạy dỗ đã bị nhiều đời lơ là như vậy, sao có thể trách người thời nay được chứ? Cho nên ngày nay chúng ta tự tu hành, giúp đỡ người khác, đều phải có công phu, có trí huệ, mới có phương tiện thiện xảo. Giúp người khác sanh khởi tín tâm đối với lời dạy của Thánh Hiền, đối với lời dạy của Phật Bồ Tát, đây là điều kiện đầu tiên; có tín tâm rồi thì giúp họ cầu giải, cầu chánh giải; thật sự đạt được chánh giải thì tự nhiên tu hành, tự nhiên họ sẽ tu, họ sẽ biết được tốt xấu. Đây là sự khó khăn của việc hoằng dương Phật pháp và Thánh giáo hiện nay, chúng ta chẳng thể không biết.

/ 600