Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 462
Chủ giảng: Pháp Sư Tịnh Không
Chuyển ngữ: Nguyên Thanh
Biên tập: Minh Tâm
Thời gian: 21.6.2011
Địa Điểm: Cao Hùng -Đài Loan
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải trang 582, chúng ta bắt đầu xem từ hàng thứ 5:
Lục, chánh tinh tấn giả, dĩ vô lậu trí, ưng cần hành tinh tấn, xu niết bàn đạo cố. Bát chánh đạo, lấy chữ chánh làm tiêu chuẩn, mục tiêu cuối cùng của nó là gì? Cũng là Đại Bát Niết Bàn. Tức là nói, cầu được quả đức viên mãn, tông môn nói là minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật.
Tiết trước chúng ta học đến: chánh mạng, dĩ vô lậu trí, thông trừ tam nghiệp trung ngũ chủng tà mạng cố. Ba nghiệp là thân khẩu ý, nói một cách tổng quát, nên buông bỏ tất cả thiên tà bất chánh. Có những chỗ nhỏ nhặt, chúng ta thường sơ suất không chú ý, kỳ thật trong kinh Phật nói rất rõ ràng. Chúng ta từ vô lượng kiếp đến nay tập khí phiền não quá nặng, quá nhiều, hữu ý hay vô ý tạo thành tội nghiệt.
Tiết trước chúng ta nói đến câu chuyện của đại sư An Thế Cao, câu chuyện này có ghi chép ở trong Cao Tăng truyện, đại sư An Thế Cao cũng là Bồ Tát tái sanh. Ngài là vương tử của nước An Tức, nước An Tức bây giờ là Iran, triều đại nhà Hán gọi là An Tức, triều nhà Đường gọi là Ba Tư. Sau khi phụ thân của Ngài qua đời, Ngài làm Hoàng đế được nửa năm, sau đó đem vương vị nhường cho chú của Ngài rồi xuất gia tu đạo. Sau khi tu thành Ngài có duyên rất sâu với Trung Quốc, Ngài đến hoằng pháp ở Trung Quốc và vãng sanh tại Trung Quốc. Là một vị phiên dịch kinh điển nổi tiếng nhất trong thời Phật giáo sơ kỳ của Trung Quốc, Ngài dịch kinh rất hay, dùng ý dịch giống như ngài Cưu Ma La Thập vậy, người Trung Quốc đặc biệt thích kinh điển Ngài dịch. Ngài có dịch kinh Vô Lượng Thọ, nhưng rất tiếc là đã thất truyền.
Trong trí tưởng tượng của chúng ta, thời đại Đông Tấn, cách triều đại nhà Hán không xa, sơ tổ Tịnh Độ tông của chúng ta là đại sư Huệ Viễn, lúc bấy giờ Ngài kiến lập niệm Phật đường ở Lô Sơn, 123 người cùng chung chí hướng, ở một nơi tu niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, họ đều đã vãng sanh, điều này vô cùng thù thắng. Trong truyện ký của đại sư Huệ Viễn chép rằng, lúc bấy giờ kinh điển y cứ của Tịnh Tông là một bộ kinh Vô Lượng Thọ, rất có thể là bản dịch của ngài An Thế Cao. Lúc đó kinh A Di Đà, kinh Quán Vô Lượng Thọ đều chưa dịch ra, cho nên Tịnh Độ tông chỉ có một bộ kinh. Đây là thời đại sư Huệ Viễn, đã hoàn toàn thành tựu, cảm ứng không thể nghĩ bàn.
Trong truyện ký của ngài Huệ Viễn, Ngài đã từng ba lần ở trong định nhìn thấy thế giới Tây Phương Cực Lạc. Nhưng người xưa quả thực có tu dưỡng, chưa bao giờ Ngài nói với ai điều này, nên không ai biết, Ngài không nói. Cuối cùng khi vãng sanh cảnh giới này lại hiện ra, Ngài mới nói với mọi người: trước đây mình đã thấy được ba lần, bây giờ thế giới Cực Lạc lại hiện tiền, Ngài sắp vãng sanh rồi. Trước khi vãng sanh mới nói với mọi người. Những vị đồng học hỏi ngài về tình hình của thế giới Cực Lạc, Ngài nói nó giống như trong kinh đã nói. Điều này chứng minh rằng, những lời Phật nói trong kinh là thật không phải giả, thực sự Như Lai chân ngữ, thật ngữ, như ngữ. Như ngữ nghĩa là sự thật như thế nào thì Ngài nói như thế đó, không thêm không bớt, giữ chữ tín với mọi người, giữ chữ tín với đời sau.
An Thế Cao ở Trung Quốc, sau khi công tác phiên dịch kết thúc một giai đoạn, Ngài liền đến Nam phương -bây giờ là Giang Tây để độ bạn của Ngài- Long vương ở hồ Cung Đình. Long vương là bạn học với Ngài trong kiếp quá khứ, cũng rất chăm chỉ, minh kinh hiếu thí, thật khó có một vị pháp sư giỏi như vậy, thông đạt kinh giáo, lại thích bố thí. Chỉ vì một chút tập khí mà đọa vào đường súc sanh, đạo nghiệp này chưa thành tựu. Tập khí đó là khi đi phân vệ, phân vệ nghĩa là ra bên ngoài khất thực. Cổ Ấn Độ lúc bấy giờ, khi Phật còn tại thế, hình thức cuộc sống của người xuất gia là khất thực, mỗi ngày ra ngoài khất thực. Khất thực được thức ăn ngon thì ông rất hoan hỷ, thức ăn không ngon, không hợp khẩu vị thì trong lòng ông rất buồn, là một chút khuyết điểm như vậy, đã chướng ngại đạo nghiệp của ông. Sau khi chết đọa vào súc sanh, làm thân rắn, đọa vào trong đường rắn, rắn này tu thành Long vương. Bởi vì ông ta hiểu kinh, có trí huệ, cho nên thần này rất linh, thật sự là hữu cầu tất ứng, ông ta lại hoan hỷ bố thí, cho nên phước báo rất lớn. Trong truyện ký ghi lại, chu vi miếu của Long vương này 1000 dặm, rất lớn, quần chúng ở trong 1000 dặm đó đều lễ bái Long vương này, khói hương nghi ngút, Long vương linh nghiệm, hữu cầu tất ứng. Nhất là ngày xưa, giao thông dễ dàng nhất là đi thuyền, là dễ dàng nhất, đi thuyền đường thủy lạy Long vương, tập tục như vậy. Quý vị lạy ông ta, cúng dường ông ta, thì quí vị đi đường sẽ thuận buồm xuôi gió. Ông bảo vệ quí vị, ông ta rất linh. Nếu quí vị không lạy ông, không cúng ông thì ông ta sẽ làm phiền quí vị, khiến cho quý vị không được bình an. Tập khí này, tập khí của vị thần này là như vậy!