414

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 461

Chủ giảng: Pháp Sư Tịnh Không

Chuyển ngữ: Nguyên Thanh

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 21.6.2011

Địa Điểm: Cao Hùng -Đài Loan

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 582 hàng thứ nhất, chúng ta bắt đầu xem từ câu Di Đà Sớ Sao.

Di Đà Sớ Sao viết: nhất, chánh kiến giả, Tạp Tập vân: thường giác chi thời, sở đắc chân giác, dĩ huệ an lập, đế lý phân minh, vô hữu thố mậu cố.

Nội dung của bát chánh đạo có thể nói là bao gồm toàn bộ Phật pháp trong đó, cũng là 8 đề mục học tập Phật pháp. Điều thứ nhất là chánh kiến, hôm qua chúng ta học đến điều này. Nói một cách đơn giản, phải đoạn hết 88 phẩm kiến hoặc trong tam giới mới gọi là chánh kiến. Chữ “chánh” này, 8 điều đều là chánh, đạt được chữ chánh này thật không dễ, nó đòi hỏi tiêu chuẩn quá cao. Thông thường mà nói, ít nhất là tiểu thừa sơ quả trở lên, đây kể là 37 phẩm trợ đạo của tiểu thừa, tiêu chuẩn của đại thừa càng cao hơn, trình độ cao hơn. Trong kiến hoặc điều thứ nhất là thân kiến, chúng ta nghĩ xem, chúng sanh trong lục đạo luân hồi có người nào không xem thân này là của mình? Chỉ cần có nhận thức sai lầm này, thì đằng sau hoàn toàn sai, đây là kiến thứ nhất, không dễ đoạn!

Kinh Kim Cang, người Trung Quốc rất quen thuộc, rất nhiều người đọc kinh nay, nửa quyển trước đức Phật dạy chúng ta phá bốn tướng, thật sự buông bỏ ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng. Tất cả hiện tượng đều bao gồm trong bốn tướng này. Ngã tướng chấp trước có ngã, không biết ngã là giả, ngã là bất khả đắc; chấp trước có nhân tướng, ngoài ngã là nhân; chúng sanh tướng là nói về tất cả hiện tượng trong vũ trụ; thọ giả tướng là nói về thời gian. Chúng sanh tướng cũng bao gồm ở trong không gian, tất cả hiện tượng trong thời gian không gian. Các nhà khoa học bây giờ đem nó chia làm ba loại: hiện tượng vật chất, hiện tượng tinh thần, hiện tượng tự nhiên. Kinh Kim Cang bao gồm bốn tướng, buông bỏ được bốn tướng này, mới gọi là chánh kiến. Vì sao vậy? Trong kinh Kim Cang có câu: “phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng”. Vì sao vậy? Bởi tướng có tánh không, sự có lý không. Kiến giải này không sai, nhưng đa số chúng ta không thể lý giải được.

Khi chúng tôi mới học Phật, đọc đến những kinh điển này, thấy lời chú giải của chủ vị tổ sư, có thể hội được không? Thật sự mà nói, căn bản là không thể hội được. Vì sao vậy? Lý do rất đơn giản, các vị giáo sư chưa nhập cảnh giới này thì làm sao họ nói ra được? Những điều họ nói đều là lời chú giải của chư vị tổ sư, cho nên cứ nói theo sách, đọc theo sách vậy thôi, thực tế họ chưa khế nhập được, đây là chỗ khó. Những gì hôm nay chúng ta thể hội được, tôi cảm thấy mạnh hơn người xưa một chút, không phải chúng ta chứng đắc, chúng ta cũng chưa chứng đắc, chúng ta chỉ được các nhà khoa học báo cáo. Những nhà vật lý học nổi tiếng trên thế giới này, thông qua báo cáo của họ, chúng ta đem so sánh với kinh điển, với chú giải của các vị tổ sư thì phát hiện, phát hiện điều gì? Phát hiện ra kinh điển và chú giải của các vị tổ sư đã được các nhà khoa học hiện đại chứng minh, đó không phải là giả. “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, chúng ta không biết tất cả cảnh giới trước mắt là hư vọng, đều cho là chân thật, nhận thức này là sai lầm rồi, không thấy được chân tướng.

Từ trong Bồ Tát Xứ Thai Kinh chúng ta thấy được cuộc đối thoại của đức Thế Tôn và Bồ Tát Di Lặc, cuộc đối thoại này vô cùng quan trọng. Phật hỏi Bồ Tát Di Lặc: “tâm hữu sở niệm”. Đây là nói về người phàm phu chúng ta, trong tâm khởi lên ý niệm. Người phàm phu chúng ta khởi ý niệm là khởi ý niệm, ai mà đi truy cứu trong một ý niệm này có mấy niệm, có mấy tướng, có mấy thức? Có mấy niệm đây là hiện tượng tự nhiên, có mấy tướng đây là hiện tượng vật chất, có mấy thức đó là hiện tượng tinh thần. Nếu Phật không hỏi, thì phàm phu lục đạo vĩnh viễn không khởi lên nghi hoặc này, không biết hỏi vấn đề này, vấn đề này cũng chỉ có Phật mới hỏi được.

Chúng ta biết Bồ Tát Di Lặc là chuyên gia duy thức trong đại thừa, nếu dùng phân khoa trong nhà trường bây giờ, Ngài là một người chuyên môn nghiên cứu tâm lý học, có thể nói là chuyên gia tâm lý học trong Phật môn. Bồ Tát Di Lặc đáp lời Thế Tôn, “nhất đàn chỉ”, một khảy móng tay là nói về thời gian ngắn ngủi. Một khảy móng tay có bao nhiêu niệm? 32 ức trăm ngàn niệm. 100 ngàn là đơn vị, 100 ngàn là 10 vạn. 32 ức x 10 vạn = 320 triệu, một khảy móng tay này có 320 triệu ý niệm sanh khởi, đây là thuộc về hiện tượng tự nhiên. “Niệm niệm hữu hình”, mỗi ý niệm đều có xuất hiện hiện tượng vật chất, đều có vật chất trong đó, tức là quý vị có thể nhìn thấy hiện tượng vật chất. “Hình giai hữu thức”, trong mỗi hiện tượng vật chất đều có hiện tượng tinh thần. Hiện tượng tinh thần là gì? là thọ tưởng hành thức. Thọ là cảm thọ, tưởng là phân biệt, hành là tương tục bất đoạn, thức bao gồm ký ức. Khoa học bây giờ dùng thẻ nhớ. Nó có thể nhớ được quá khứ, nó có thể hoang tưởng tương lai, đây là thọ tưởng hành thức. Ở trước là sắc, sắc thọ tưởng hành thức, đó là gì? Trong Phật pháp nói là ngũ uẩn. Hiện tượng ngũ uẩn này, trong ngũ uẩn có đủ ba hiện tượng, tức là hiện tượng tự nhiên, hiện tượng tinh thần và hiện tượng vật chất. Nó có đủ hiện tượng vật chất ở trong một niệm đó.