/ 600
336

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn nghĩa

Tập 457

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 18.06.2011

Địa điểm: Cao Hùng_Đài Loan

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 580, bắt đầu xem từ hàng thứ tư, câu thứ hai. Chánh tuệ, trí tuệ chơn chánh, bắt đầu xem từ đây.

Chân là chân thật, chánh là không tà ngụy, xa lìa điên đảo là chánh, khế nhập chân thật là chánh. Nên xa rời hư vọng phân biệt, soi rõ trí tuệ của chân tâm, gọi là trí tuệ chơn chánh. Chánh tuệ rất quan trọng đối với người tu học chúng ta, sở cầu của đại thừa chính là trí tuệ chân thật. Trong kinh này Đức Phật dạy cho chúng ta về ba loại chân thật.

Chân thật rốt ráo là nói về bản thể, trong Kinh Hoa Nghiêm gọi là thể tướng dụng_Chân thật rốt ráo là nói về thể. Thứ hai là trí tuệ chân thật, thứ ba là lợi ích chân thật. Ba thứ này đều nói đến cứu cánh viên mãn, vô cùng hy hữu, chúng ta cần phải biết. Ba thứ này đều là tánh đức vốn có trong tự tánh, không phải từ bên ngoài đến, tất cả chúng sanh vốn đã có, chỉ là lục đạo chúng sanh mê mà không giác, như ở trước nói. Mấy câu văn này đều là giải thích trí tuệ chân thật, ở nơi đề kinh này: Thanh tịnh bình đẳng đại giác sở sanh, đều gọi là trí tuệ chân thật. Do đó trí tuệ chân thật có sâu cạn rộng hẹp khác nhau, điểm này cần phải nhận thức rõ ràng. Học được từ bên ngoài đều là tri thức, từ nội tâm phát xuất ra là chân thật trí tuệ, nên cái đầu tiên chính là tâm thanh tịnh.

Hạng người nào tâm thanh tịnh? A la hán đã thanh tịnh, vì sao vậy? Vì đã đoạn tận kiến tư phiền não, tâm thanh tịnh mới hiện tiền. Do đây mà biết, thân tâm chúng ta không thanh tịnh chính là vì có kiến tư phiền não. Trong kiến tư phiền não, Phật dạy rằng, chúng ta có thân kiến, chấp trước thân này là ta, không buông được. Có biên kiến, biên kiến có thể nói chính là thiên kiến, thiên lệch một bên, kiến giải này không đúng. Nó trở ngại chúng ta tu hành, trở ngại chúng ta sanh thiện căn, trở ngại chúng ta được định, chướng ngại chúng ta khai trí tuệ. Ngoài ra chính là kiến thủ kiến và giới thủ kiến, hai loại này chúng ta thường hợp nó thành một, đều gọi nó là thành kiến, thành kiến người nào đó rất sâu. Thành kiến là gì? Tự cho mình đúng, nhưng chưa chắc đúng thật, tự cho mình đúng. Trên mặt nhân, thành kiến gọi là giới thủ kiến, trên mặt quả, thành kiến gọi là kiến thủ kiến. Ngoài bốn loại này ra, còn một loại nữa là tri kiến sai lầm, cũng chính là nói quý vị thấy sai đối với người- sự- vật, đó gọi là tà kiến. Đây là năm loại kiến phiền não.

Tư phiền não, chính là quý vị khởi tâm động niệm đều nghĩ sai, trên mặt tư tưởng sản sanh sai lầm gọi là tư hoặc. Cũng có năm loại lớn, là tham sân si mạn nghi, đây là năm độc! Nếu tham sân si mạn nghi nghiêm trọng, gây thương tổn cho mình chính là bệnh khổ tai họa, đối với hoàn cảnh cư trú gây nên ảnh hưởng. Người bây giờ gọi nó là tai hại tự nhiên, thật ra không phải tự nhiên, mà do tư phiền não chiêu cảm mà ra. Thật sự minh bạch, giống như Phật Bồ Tát nói, không có gì không phải là tự làm tự chịu. Nói nó là tai hại tự nhiên, là oan uổng cho đại tự nhiên, đại tự nhiên là tốt đẹp, đại tự nhiên là lành mạnh. Trong Phật pháp nói, đại tự nhiên trang nghiêm vô cùng, làm sao nó có tai hại được? Không có đạo lý này!

Rất nhiều nơi trong kinh điển đại thừa, giải thích tự nhiên thành bản tánh, rất có đạo lý, vì tự tánh có thể sanh vạn pháp. Tự tánh là năng sanh năng hiện, vạn pháp là sở sanh sở hiện, năng sở là một không phải hai. Từ những khai thị này, người lợi căn có thể lập tức kiến tánh, kiến tánh thành Phật. Nên trí tuệ là gì, tri thức là gì, chúng ta phải phân biệt rõ ràng, không thể nói một cách hỗn hợp. Trí tuệ chân thật sinh ra từ tâm thanh tịnh, sanh ra từ tâm bình đẳng, sanh ra từ tâm đại giác. Chữ giác trên đề kinh là nói đại trí đại giác, là những gì Như Lai chứng được. Tâm này đã buông bỏ triệt để_tâm Phật, tâm thanh tịnh là tâm nhị thừa_Thanh văn, Duyên giác. Tâm bình đẳng là tâm Bồ tát, đại triệt đại ngộ là tâm Phật, đều sanh trí tuệ chân thật. Chân là chân thật, chánh là không tà, cách nói này dễ hiểu.

Bên dưới giải thích rằng: Xa lìa điên đảo là chánh. Tam đồ, lục đạo, mười pháp giới có thể nói đều là điên đảo. Tứ thánh pháp giới cũng điên đảo chăng? Đúng. Về mặt sự, tứ thánh pháp giới hình như không có điên đảo, nhìn về mặt lý nó điên đảo, vì sao vậy? Vì không có bình đẳng giác, cùng lắm họ chỉ đạt được thanh tịnh, bình đẳng chưa đạt được, chưa đạt được chánh giác, nên họ không thể chuyển thức thành trí. Vẫn dùng A lại da, nhưng dùng rất chánh. Bởi Phật pháp học được, họ đều có thể thực hành trong cuộc sống hằng ngày. Cũng chính là nói khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác, tương ưng với tánh đức. Từ truyền thống văn hóa mà nói, họ tương ưng với luân lý, đạo đức, không trái với nhân quả, tương ưng với giáo huấn của Thế Tôn, nên họ dùng chánh đáng. Đoạn được kiến tư, nhưng trần sa và vô minh vẫn còn, cũng được coi là trí tuệ chân thật.

/ 600