/ 600
361

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn nghĩa

Tập 456

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 17.06.2011

Địa điểm: Cao Hùng_Đài Loan

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 579, hàng thứ sáu từ dưới đếm lên. Xem từ câu “mật tạng giả”.

“Nhị Giáo Luận Thượng vân: Pháp Phật đàm hoa, vị chi mật tạng, ngôn mật áo thật thuyết, chi chân thật hoa, vị chi mật tạng”. Ý nghĩa này rất thâm sâu, ba thân của Như Lai: Pháp thân, báo thân, ứng hóa thân. Pháp thân là thể, triết học gọi là bản thể, cũng chính là chân như tự tánh. Khi ngài Huệ Năng khai ngộ nói: “đâu ngờ tự tánh năng sanh vạn pháp”. Tất cả pháp trong vũ trụ, đều là pháp thân sở sanh sở hiện, nên gọi nó là pháp thân. Pháp thân không có hình tướng, nhưng có thể hiện tất cả tướng. Pháp thân ở đâu? Bất cứ chỗ nào và bất cứ lúc nào cũng có, chúng ta không nhìn thấy nó.

Hiện nay khoa học và triết học đều không cách nào phát hiện được nó. Các nhà khoa học thăm dò vũ trụ, cần phải có đối tượng họ mới quan sát được. Hiện tượng quy nạp lại không ngoài ba loại lớn: thứ nhất là hiện tượng vật chất, vật lý là lấy vật chất làm đối tượng. Loại thứ hai là hiện tượng tâm lý, tâm lý học nghiên cứu đều ở trong phạm vi này. Thứ ba là hiện tượng tự nhiên. Nhưng tự tánh, ở đây nói pháp thân Như Lai, nó không có hiện tượng. Nó không phải hiện tượng vật chất, cũng không phải hiện tượng tinh thần, thậm chí nó cũng không thuộc về hiện tượng tự nhiên, thế nên chúng ta không nhìn thấy được. Do đó khoa học và triết học muốn tìm ra căn nguyên của vũ trụ, rốt cuộc tất cả vạn vật này từ đâu xuất hiện, nhất định không tìm ra.

Các nhà khoa học hiện nay chúng ta không thể không khâm phục họ, họ đã tìm ra nguồn gốc của hiện tượng vật chất. Tiến sĩ Phổ Lãng Khắc người Đức, thầy của Ái Nhân Tư Thản, suốt đời chuyên nghiên cứu vật lý, nghiên cứu nguyên tử. Tôi cảm thấy cống hiến lớn nhất của ông là đã giải quyết được vấn đề cái gì gọi là vật chất. Ông nói căn cứ nghiên cứu của mình, trên thế gian này căn bản không có thứ gì gọi là vật chất, rốt cuộc vật chất là gì? Vật chất là huyễn tướng sanh ra từ ý niệm. Thế nên ông ta nói cơ sở của vật chất là ý niệm, chính là ý niệm, ý niệm từ đâu đến? Ý niệm thuộc về hiện tượng tinh thần.

Các nhà khoa học nói, hiện tượng tinh thần là từ không sinh ra có, cách nói này chúng ta hiểu được. Thật ra, từ không sinh ra có là nói một cách rất hàm hồ, rất chung chung, không nói rốt ráo như Phật giáo. Giới khoa học phát biểu, giữa vũ trụ có ba yếu tố, thực tế mà nói vũ trụ có ba thứ: Vật chất, tin tức, năng lượng. Phát hiện này, căn cứ những gì kinh điển đại thừa nói hầu như hoàn toàn tương đồng. Đây là gì? Là A lại da, tam tế tướng của A lại da. Chính là vật chất, tướng phần của A lại da là vật chất. Kiến phần của A lại da là tinh thần. Nghiệp tướng của A lại da là năng lượng. Đây là đều vô cùng khó và cũng rất đáng quý.

Những điều Đức Như Lai nói trong 3000 năm trước, ngày nay các nhà khoa học đã chứng minh, nhưng A lại da từ đâu mà có? Hiện nay chưa biết, đây là từ trong không sinh ra có. Phật pháp biết, đó là một niệm bất giác, trong tự tánh xuất hiện A lại da. Tự tánh là chân tâm, A lại da là vọng tâm, tức là vọng niệm. Vọng sinh ra từ chân, rời chân thì không có vọng, quan hệ giữa chân và vọng vĩnh viễn không tách rời được, trong chân có vọng, trong vọng có chân, vì nó là nhất thể. Chân là giác, vọng là mê, mê ngộ nhất thể. Thế nên Phật pháp không những là triết học cao cấp, đồng thời cũng là khoa học cao cấp. Có cách nào chứng được pháp thân lý thể chăng? Khoa học không có cách, triết học cũng không có cách, nhưng Phật có cách. Đức Phật dạy rằng, nếu buông bỏ tất cả khởi tâm động niệm, phân biệt chấp trước, chúng ta sẽ chứng được, mỗi người đều có thể chứng được. Khi chứng được tức là đã thành Phật, trong Phật pháp nói quý vị liền thành Phật. Thế nên trong đại thừa giáo Đức Thế Tôn thường nói: “Tất cả chúng sanh vốn là Phật”, lời này là thật không phải giả. Vì trong tự tánh không có khởi tâm động niệm, phân biệt chấp trước, toàn là hư vọng. Vì sao khoa học và triết học không cách nào chứng được pháp thân? Chính là họ không buông bỏ vọng tưởng phân biệt chấp trước. Vọng tưởng tức là khởi tâm động niệm, họ chưa buông bỏ điều này nên không thể chứng được, buông bỏ liền chứng được.

/ 600