/ 600
411

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn nghĩa

Tập 455

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 17.06.2011

Địa điểm: Cao Hùng_Đài Loan

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 578, “Bồ Tát tu trì phẩm thứ 30”. Ở trước là khai thị của Hoàng Niệm Tổ. Phẩm thứ 28 đến phẩm thứ 32 trong kinh “giai minh Cực Lạc quốc trung Bồ Tát chi diệu đức. Ư bổn phẩm trung, thiên trọng Bồ Tát tự giác giác tha chi diệu hạnh, độ chư chúng sanh, diễn thuyết chánh pháp, dĩ vô ngại tuệ, giải pháp như như. Ư tam giới trung, bình đẳng khuyên tu, cứu cánh nhất thừa. Chí ư bỉ ngạn đẳng đẳng thắng hành”. Chúng ta đọc đến đây. Đây là một phân đoạn lớn, Hoàng Niệm Tổ giới thiệu cho chúng ta từ phẩm 28 đến phẩm 32. Đều là nói rõ chư vị Bồ Tát ở thế giới Cực Lạc, tất cả các vị Bồ Tát này đều là trong cõi nước chư Phật mười phương cầu nguyện vãng sanh.

Diệu đức của họ, đức vì sao xưng là diệu? Diệu là không chấp trướng. Tuy không chấp tướng, họ tu rất tinh tấn, đây là diệu. Gọi là không chấp trước không hữu nhị biên, vì chúng ta mà hiển thị đệ nhất nghĩa đế của trung đạo, diệu chính là ở chỗ này. Trong phẩm kinh này, Bồ Tát tu trì, đương nhiên Bồ Tát nghiêng về diệu hạnh tự giác giác tha. Chúng ta tu Tịnh độ niệm Phật, thật sự muốn cầu vãng sanh, Bồ tát tại đây làm mẫu cho chúng ta, nói với chúng ta nên tu như thế nào mới tương ưng với Phật A Di Đà. Điểm này vô cùng quan trọng, nhất định không được sơ suất.

Tuy Thiện Đạo đại sư từng nói: Pháp môn Tịnh độ, vạn người tu là vạn người vãng sanh, không sót bất kỳ ai. Nhưng cho đến thời khắc này, người niệm Phật đông, người thật sự vãng sanh lại rất ít. 50 năm trước, lúc ở Đài Trung thầy Lý cũng thường nói. Ông lấy Liên Xã Đài Trung làm ví dụ, các Liên hữu theo ông học Phật, tiếp nhận giáo huấn của ông. Ông nói trong một vạn người niệm Phật, thật sự vãng sanh chỉ có năm ba người, nguyên nhân do đâu? Chúng ta quan sát tỉ mỉ, phản tỉnh sâu sắc xem, trong khi chúng ta học Phật có làm gì sai lầm chăng? Nếu có sai lầm, không thể vãng sanh, quý vị không thể trách Phật Bồ Tát, không thể trách kinh điển, cũng không thể trách người khác, tất cả đều là tự làm tự chịu. Đạo lý này không thể không biết.

Bồ Tát tự giác giác tha, có thể sanh đến thế giới Cực Lạc đều là tự giác, không tự giác không thể vãng sanh. Sanh đến thế giới Cực Lạc, vẫn y giáo phụng hành, làm tấm gương tốt cho chúng sanh trong mười pháp giới, đây chính là lợi tha. Những việc lợi tha này, chỉ cần chính mình làm tốt, Chư Phật Như Lai tuyên dương giúp quý vị, không cần tự mình nói. Họ diễn nói chánh pháp, để độ tất cả chúng sanh. Hai câu này rất quan trọng, độ tất cả chúng sanh là câu thứ nhất trong tứ hoằng thệ nguyện: “Chúng sanh vô biên thề nguyện độ”. Độ bằng cách nào? Diễn thuyết chánh pháp, chính là phương pháp độ chúng sanh. Diễn nghĩa là gì? Diễn là làm ra như vậy. Những gì chúng ta học được trong kinh điển, nhất định phải thực hành trong đời sống, thực hành trong công việc, thực hành trong xử sự đối nhân tiếp vật, biểu diễn mọi lúc mọi nơi.

Biển diễn điều gì? Biểu diễn giáo huấn của Đức Phật, đặc biệt là giáo huấn của Phật A Di Đà. Ngày nay Phật pháp suy yếu, không thể vạn người tu vạn người vãng sanh, tức là người thật sự hiểu quá sức ít. Người theo bên cạnh tôi mấy mươi năm đều chưa học được, tất cả đều học sai, học thiên lệch, học tà ngụy, hạng người này quá nhiều. Không chỉ riêng bên cạnh tôi, chúng ta quay đầu nhìn lại, khi thầy Lý còn tại thế, bao nhiêu người theo thầy học. Có bao nhiêu người học bị lệch lạc, có bao nhiêu người học theo tà ngụy. Quý vị phải quan sát tường tận, và bình tâm để phản tỉnh lại, sẽ minh bạch và có thể phát giác được.

Đức Như Lai thị hiện ở thế gian, bát tướng thành đạo, trong đó diễn thuyết chánh pháp suốt 49 năm. Ngày ngày biểu diễn cho chúng ta thấy, nhưng chúng ta không hiểu. Thế nên ngày nay triển khai kinh điển ra, chúng ta cũng xem không hiểu, cũng không lãnh hội được, nguyên nhân gì? Mấy câu bên dưới quá xa lạ với chúng ta.

“Dĩ vô ngại tuệ, giải pháp như như”. Chúng ta không có trí tuệ này, chúng ta chấp trước tất cả là có thật, nên chấp chặt vào tất cả pháp, không buông bỏ được. Không buông bỏ được chính là sở tri chướng, nếu không thấu hiểu pháp, chính là phiền não chướng. Hai loại chướng ngại này, làm chướng ngại đạo nhãn của chúng ta, chướng ngại tâm nhãn của chúng ta. Chúng ta không thấy được Phật pháp, không nghe được Phật pháp, cũng không tiếp xúc được Phật pháp. Chư vị đồng học phải đặc biệt lưu ý lời tôi, tôi nói không phải để người ngoài nghe. Chính mình học Phật, quy y, thọ giới đã mấy mươi năm, vẫn không tin Phật pháp, đây là thật, không phải giả.

/ 600