Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn nghĩa
Tập 454
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Bình Minh
Thời gian: 14.06.2011
Địa điểm: Cang Sơn Tịnh Tông Học Hội_Nhật Bản
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 576, bắt đầu xem từ hàng thứ nhất.
Sở dĩ thế giới Cực Lạc có thể trở thành độc tôn thù thắng nhất như vậy, đều do Phật ở đây khi còn ở nhân địa phát đại nguyện, và công đức tích lũy từ vô lượng kiếp đã tạo nên như thế. Mấy câu này ở trước chúng ta đã học, nhưng cần phải bổ sung. Đức Thế Tôn giới thiệu thế giới Cực Lạc cho chúng ta, Phật A Di Đà khi còn ở nhân địa, là một vị quốc vương, nhưng đã bỏ ngôi vị quốc vương để xuất gia tu hành, điều này người thường không làm được. Chúng ta có lý do tin tưởng sâu sắc rằng, Thế Nhiêu Vương- danh hiệu của quốc vương này, chắc chắn là Bồ Tát tái sinh, tuyệt đối không phải phàm phu, mà là Bồ Tát tái sinh. Nhất định là Bồ Tát đã khai ngộ của đại thừa thị hiện như thế, nếu không thì không thể.
Từ trên kinh này xem, càng tin rằng ngài là Bồ Tát tái sinh, vì sao vậy? Vì trong kinh này nói: Vô lượng kiếp tích lũy công đức. Vô lượng kiếp tức không phải năm kiếp. Cho thấy không phải Như Lai tái sinh, cũng là pháp thân Bồ Tát vì nguyện lực mà tái sinh, nên mới thành tựu được như thế, ngài mới có được quả báo thù thắng trang nghiêm như vậy.
Đồng thời, sau khi thế giới Cực Lạc thành tựu, chúng sanh trong mười phương, đến thế giới Cực Lạc tu hành, nhất định có nhân duyên rất thù thắng với Phật. Trong giáo lý đại thừa thường nói: Phật không độ người không có duyên. Có thể tin, có thể phát nguyện vãng sanh thế giới Cực Lạc, đều có nhân duyên rất thâm sâu với Phật A Di Đà, với thế giới Cực Lạc, họ nghe danh hiệu này mới có thể sanh tâm hoan hỷ. Vậy nên thế gian không có chuyện ngẫu nhiên, nói chuyện ngẫu phát là điều không thể, bất cứ việc gì đều có tiền nhân hậu quả. Đồng thời chúng ta nghĩ đến nhiều người vãng sanh như vậy, đến thế giới Cực Lạc đều có thể tinh tấn tu hành, công đức này ngày càng lớn. Năm kiếp tu hành của Phật A Di Đà, sau khi thế giới Cực Lạc thành tựu đến nay, trong kinh Phật nói là mười kiếp. Tức là trong khoảng thời gian này là mười lăm kiếp, thế giới Cực Lạc kiến lập đến nay đã mười lăm kiếp. Trong mười kiếp này, bao nhiêu chúng sanh thành Phật ở thế giới Cực Lạc, công đức này không vi diệu sao? Tích lũy nhiều công đức như vậy, Phật Di Đà mới có “tối vi độc thắng”, mới đạt được danh hiệu tốt đẹp này, mới thật sự có sức mạnh nhiếp thọ tất cả chúng sanh khổ nạn, cũng có thể hóa giải tất cả thiên tai. Ngày nay chúng ta không có gì cả, chỉ phát hư nguyện mà có thể thành tựu, làm gì có đạo lý này? Điều này chắc chắn không thể nói được.
Thế nên, Phật A Di Đà phát một lời nguyện, nói một câu nói. Từ trong kinh này chúng ta thấy, có 15 kiếp tu hành tích lũy công đức, trong việc tự hành hóa tha, ngài đã làm được điều này. Chúng ta hiểu được đạo lý này, ngày nay bất luận chúng ta làm việc nhỏ hay việc lớn, nếu không tích lũy công đức làm sao thành tựu được? Hôm nay tôi phát tâm muốn làm một việc gì đó, liền có thể thành tựu, không có đạo lý này. Nhất định cần phải giống như Phật vậy, Phật là làm đại sự, việc lớn nhất trong thế xuất thế gian, nên đã tích lũy công đức vô lượng kiếp. Từ phát nguyện đến thành tựu thế giới Cực Lạc, cho đến ngày nay là công đức 15 kiếp. 15 kiếp này là chuyên môn tu Tịnh độ, chuyên môn thành tựu thế giới Cực Lạc. Trong mười kiếp, tiếp dẫn không biết bao nhiêu người, thành tựu không biết bao nhiêu chúng sanh, công đức này vĩ đại biết bao! Chúng ta hiểu rõ ràng minh bạch vấn đề này, lòng tin sẽ dõng mãnh không bị thoái chuyển, thông thường chúng ta không nhận thức được điều này.
Tuy đọc đến những đoạn kinh văn này, nhưng không hiểu được ý nghĩa trong đó, chỉ hiểu được chút ý nghĩa bên ngoài, còn không lãnh hội được thâm ý trong đó. Thế nên không đoạn được nghi hoặc, tín tâm không kiên cố. Học được năm ba năm thì liền thoái tâm, dao động. Thậm chí có người học mười hai, mười ba năm cũng thoái chuyển, năm sáu mươi năm cũng thoái tâm. Có, không phải không có, không phải chuyện lạ. Chúng ta hiểu, trong kinh nói rất rõ, nhưng họ không lãnh hội được. Câu vô lượng kiếp tích lũy công đức, không phải đã nói rất rõ ràng minh bạch rồi sao?