/ 600
539

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn nghĩa

Tập 453

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 13.06.2011

Địa điểm: Cang Sơn Tịnh Tông Học Hội_Nhật Bản

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 574, bắt đầu xem kinh văn hàng thứ tư.

“Bỉ Phật quốc độ, thường như nhất pháp, bất vi tăng đa, sở dĩ giả hà. Do như đại hải, vi thủy trung vương, chư thủy lưu hành, đô nhập hải trung, thị đại hải thủy, ninh vi tăng giảm”. Chư Phật thuyết pháp đều nương vào nhị đế, thứ nhất là chân đế: Chư Phật Như Lai tự thân chứng được, đó là thật tướng các pháp, chúng ta rất khó lý giải. Đích thực nó rất thâm sâu, rất kỳ diệu, không thể nghĩ bàn, không sao tưởng tượng được.

Thứ hai là nương vào tục đế, chính là thường thức của chúng ta, phần này chúng ta rất dễ hiểu, vì sao vậy? Vì chúng ta thấy được, nghe được và tiếp xúc được, nên không hoài nghi. Do đó, hiện nay có không ít người sanh ra hoài nghi. Những gì Phật nói, chúng ta lý giải được nên thừa nhận, còn nếu quá thâm sâu, quá huyền diệu, thì nói đó là mê tín, điều đó không thể tin. Cũng may, hiện nay có một số nhà khoa học, căn cứ nghiên cứu của họ đã chứng minh được. Chẳng hạn như Phật pháp nói: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, câu này rất khó hiểu. Thế nào là hư vọng? Rõ ràng là có đây mà. Các nhà lượng tử học cận đại, cũng chỉ 30 năm gần đây, họ nghiên cứu phát hiện, hiện tượng vật chất là giả, hiện tượng tinh thần cũng là giả. Họ đã thấu triệt những đạo lý thâm sâu trong kinh Phật nói như: “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”. Hiện tượng vật chất là gì? Là huyễn tướng tích lũy được sanh ra từ ý niệm, chứ không phải thật, là ý niệm cũng không phải thật. Vấn đề này trong đại thừa Phật pháp nói đến A lại da, chính là nguồn gốc của các pháp. Ngày nay gọi là nguyên khởi của vũ trụ, nguyên khởi của vạn vật. Phật nói chung chung gọi là chư pháp, vũ trụ cũng là chư pháp, những pháp này từ đâu mà có? Phát sinh ra sao? Diễn biến như thế nào? Rốt cuộc trở về đâu? Đây đều là vấn đề lớn trong triết học và khoa học. Mãi đến nay vẫn chưa có đáp án. Đời này qua đời khác đang nghiên cứu, đến thời cận đại mới có nhà khoa học phát biểu luận văn, nói rõ hiện tượng vật chất không phải thật. Cơ sở của vật chất là tinh thần, tinh thần từ đâu mà có? Họ nói từ không sinh ra có. Nếu ta truy cứu tiếp, không sao có thể sinh ra có? Đây là một dấu chấm hỏi. Đã biết hiện tượng vật chất là do hiện tượng tinh thần biến hiện ra, vậy hiện tượng tinh thần từ đâu mà có? Câu nói từ không sinh ra có, người học Phật có thể tiếp nhận, nhưng nó không rốt ráo, không làm sao sanh ra có được? Hiện nay trong hư không, không có thể sanh ra có chăng? Vấn đề này trong Phật pháp nói, trong kinh nói: “một niệm bất giác mà có vô minh”. Hiện tượng vô minh chính là A lại da, pháp tướng tông gọi là A lại da.

Tam tế tướng của A lại da, thứ nhất là nhất niệm bất giác, các nhà khoa học gọi là năng lượng. Do năng lượng sinh ra tin tức, do tin tức sinh ra vật chất, tin tức là hiện tượng tinh thần. Trong Phật pháp gọi là kiến văn giác tri, trong tự tánh cũng gọi là kiến văn giác tri. Khi mê mất tự tánh, kiến văn giác tri biến thành thọ tưởng hành thức, Phật pháp nói đã xuất hiện ngũ uẩn- sắc thọ tưởng hành thức. Thọ tưởng hành thức là hiện tượng tinh thần, sắc là hiện tượng vật chất. Hiện tượng vật chất sinh ra từ trong thọ tưởng hành thức. Điều này các nhà khoa học hiện đại đã chứng minh, điều mà các nhà khoa học chưa chứng minh được, chúng ta còn đợi chứng minh, đợi họ chứng minh.

Nhưng những điều trong kinh Phật nói, vì khoa học và triết học có giới hạn, nghĩa là nó có biên tế, không thể đột phá, nguyên nhân do đâu? Vì họ chưa chặt đứt phiền não, tức là nói họ vẫn khởi tâm động niệm, phân biệt chấp trước. Không buông bỏ những điều này, đây là vọng tâm, chính là tâm tâm sở của A lại da, là vọng tâm. Tâm tâm sở của A lại da, năng lực mạnh nhất chính là đệ lục ý thức, đệ lục ý thức ngày nay chúng ta gọi là tư tưởng. Đối với bên ngoài, năng lực của lục thức có thể duyên đến hư không pháp giới, bên trong có thể duyên được A lại da, nhưng không duyên được tự tánh, vì nó là vọng tâm. Vọng tâm chỉ duyên được vọng cảnh, không duyên được cái chân thật.

/ 600