Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 452
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Trung Tấn
Biên tập: Nguyên Tâm
Thời gian: 13.06.2011
Địa điểm: Cang Sơn Tịnh Tông Học Hội_Nhật Bổn
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi.
Mời xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 572, nguyện lực hoằng thâm thứ 29. Niệm Lão vì chúng ta mà giới thiệu sơ lược:
“Bổn phẩm hiển bỉ quốc, sở hữu Bồ Tát, quân nguyện lực hoằng thâm, quyết định nhất sanh bổ Phật”. Gợi ý này rất hay, bảo với chúng ta người tu học đại thừa, nhất định phải có thệ nguyện kiên định, biết được phương hướng và mục đích của mình, vĩnh viễn sẽ không lệch lạc.
Kiên định ý chí, một phương hướng, một mục tiêu chắc chắn sẽ thành tựu, thành tựu này chính là nhất sanh bổ xứ. Nhất sanh bổ xứ là đẳng giác Bồ Tát, ở vị trí cao nhất của Bồ Tát, cũng chính là cư trú ở cõi thật báo trang nghiêm, họ là đỉnh cao nhất. Lên cao hơn nữa, chính là diệu giác quả Phật cứu cánh viên mãn, là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, quả báo bồ đề viên mãn. Đây là người hành đại thừa, cho nên mọi thứ họ đều buông xả được.
41 vị thứ trong cõi thật báo, mười vị thứ trước là thập tín, thập tín ở đâu? Thập tín ở mười pháp giới, thập tín Bồ Tát không rời bỏ mười pháp giới. Nên thông thường nói pháp thân Bồ Tát là không nói đến thập tín, tính từ thập trú sơ trú là 41 vị pháp thân đại sĩ. 41 vị này chính là thập trú, thập hạnh, thập hồi hướng, thập địa, đây là 40 vị, thêm Đẳng giác là 41 vị. Họ ở cõi báo, thập tín Bồ Tát ở cõi phương tiện hữu dư, phàm phu lục đạo ở cõi phàm thánh đồng cư, chính là lục đạo luân hồi.
Sau khi chúng ta học Phật mới thực sự nhận thức rõ ràng, thấu triệt điều này. Luân hồi cần phải rời xa, cõi phương tiện giống như trạm dừng chân giữa đường, tuy không tệ, nhưng cũng không nên sống lâu dài.
Phật dạy chúng ta rằng: nhất định phải quay trở về cõi thật báo, cõi thật báo cũng gọi là nhất chân pháp giới, đây là đối với mười pháp giới mà nói. Mười pháp giới là biến hóa trong từng sát na, kinh giáo thường gọi là vô thường. Mười pháp giới không có pháp nào thường trụ bất biến, không tìm thấy. Hư không thì sao? Hư không cũng đang biến hóa, chỉ là hư không biến hóa chúng ta không dễ cảm nhận được, vì sao vậy? Nó thật sự là tướng tương tục. Hư không ở trước và hư không ở sau khác nhau, không như vật có hình tướng, sắc tướng có hình tướng, bất luận là tinh thần hay vật chất. Chúng ta nói sắc tướng, trong sắc có tinh thần, tướng chính là vật chất, nó có thay đổi. Thay đổi của nó chắc chắn không có một tướng nào giống nhau, cũng chắc chắn không có một niệm nào tương đồng, nên gọi là vô thường.
Cõi thật báo trang nghiêm nó không có thay đổi, nên tướng tương tục đó thực sự gọi là tương tục. Trong mười pháp giới là tương tục của tương tợ, vì không thể có hai tướng nào giống nhau. Điều này từ trong hiện tượng dao động chúng ta có thể lĩnh hội được, không thể có hai hiện tượng dao đông hoàn toàn giống nhau, đều là tương tợ tương tục.
Sau khi hiểu được chân tướng sự thật thì chúng ta không còn mê hoặc, nhất định phải quay trở về bản vị, bổn vị tức quý vị vốn dĩ là Phật, phải quay về bổn vị. Nếu đã định vị được phương hướng mục tiêu, thật sự đi theo mục tiêu và phương hướng này, đây gọi là phát bồ đề tâm, chân thật phát bồ đề tâm. Bồ đề tâm chính là thanh tịnh bình đẳng giác, bồ đề tâm mới thật sự khẳn định thừa nhận, hết thảy các pháp trong biến pháp giới hư không giới là chính mình, với chính mình chắc chắn không hai không khác, cho nên tâm từ bi trong tự tánh liền sanh khởi.
Từ là đem niềm vui đến cho mọi người, bi là bạt trừ tất cả khổ đau. Đơn giản mà nói, đối với hết thảy chúng sanh, giúp họ ly khổ đắc lạc một cách vô điều kiện. Giúp họ bỏ khổ là bi tâm, giúp họ được lạc là từ tâm, hợp lại gọi là từ bi, từ bi là tánh đức, trong tự tánh vốn có. Giác ngộ rồi, từ bi tự nhiên từ trong tự tánh hiển lộ, đó là từ bi chân thật, chúng ta bây giờ chưa giác ngộ nên từ bi là giả. Trong kinh Phật đem từ bi chia thành bốn loại, gọi là bốn duyên từ bi, bốn loại từ bi không giống nhau. Từ bi chính là tâm bạt trừ đau khổ đem đến niềm an vui, giúp họ ly khổ đắc lạc.
Phật dạy chúng ta: hạng người đầu tiên trong thế gian là ái duyên từ bi, chúng ta yêu họ, thích họ, họ có khổ chúng ta giúp họ bỏ khổ, giúp họ được lạc. Đây là người thế gian, tâm lượng rất nhỏ, một số phàm phu thông thường đều có tâm này.