/ 600
645

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 449

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Minh Tuệ

Biên tập: Nguyên Tâm

Thời gian: 11.06.2011

Địa điểm: Cương Sơn Tịnh Tông Học Hội_Nhật Bản

 

Chư vị Pháp sư, quí vị Phật tử, mời ngồi.

Xin xem câu cuối, hàng thứ năm, trang 569 trong Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh giải:

“Tấn ngôn chi, như Pháp Tạng chi Tâm Kinh Lược Sớ viết: Ư sự lý vô ngại chi cảnh, quán đạt tự tại, cố lập thử danh_ Quán Tự Tại. Hựu quán cơ vãng cứu, tự tại vô thất, cố dĩ danh vi_Quán Thế Âm. Tiền thích tựu trí, hựu thích tựu bi”

Đây là cách giải thích danh hiệu Bồ Tát trong Tâm Kinh Lược Sớ, sự là sự tướng, lí là lí thể. Cảnh giới lý sự vô ngại, quán đạt tự tại, đây chính là lí sự vô ngại, sự sự vô ngại. Đi vào cảnh giới như thế mới được gọi Bồ Tát Quán Tự tại.

“Hựu quán cơ vãng cứu”, đây là cảm ứng đạo giao với chúng sinh, chúng sinh có cảm, Bồ Tát liền ứng, cảm ứng đạo giao là không thể nghĩ bàn. Chỉ cần đem tâm chân thành để mong cầu thì chắc chắn Bồ Tát sẽ đến, cốt yếu là phải chân tâm. Chân tâm chính là tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh là không có tạp niệm.

Đương nhiên con người khi gặp thiên tai, chắc chắn phải có lí do, đó là sự chiêu cảm của nghiệp bất thiện. Nghiệp bất thiện có thể được tạo ra trong quá khứ, cũng có thể do tạo ra trong hiện tại, có điều, bất luận được tạo quá khứ hay hiện tại đều có thể sám hối. Nếu không sám hối mà cứ cầu Bồ Tát đến cứu mình thì Bồ Tát cũng không có cách nào để đến. Phải thực tâm sám hối, từ nay về sau không tái phạm thì lúc đó việc cầu mới linh nghiệm, chúng ta chắc chắc phải hiểu sâu sắc vấn đề này.

Những nghiệp tạo ra trong quá khứ được sám hối rồi thì việc cảm ứng càng rõ ràng hơn, những tội nghiệp nặng nề được tạo trong hiện tại, nếu chí tâm sám hối cũng sẽ được tiêu trừ. Từ xưa đến nay những trường hợp như thế này cũng thường xảy ra, bởi lòng từ bi vô hạn của Bồ Tát.

Ngạn ngữ Trung Quốc có câu: “Không gì quí giá bằng lãng tử hồi đầu”, cho dù tội nặng như ngũ nghịch, thập ác đi nữa thì chỉ sợ quý vị không chịu phản tỉnh, quay đầu là bờ, quay đầu là được cứu. Quan trọng là ở chỗ tâm thành mới có thể cảm ứng đạo giao với chư Phật, Bồ Tát. Đại sư Ấn Quang thường nói: “Thành kính một phần thì được một phần lợi ích, thành kính mười phần thì được mười phần lợi ích, trăm phần thành kính thì được trăm phần lợi ích, nghìn phần thành kính thì được nghìn phần lợi ích”.

Phần trước chúng ta đã nói đến sự đối xử cực kì cung kính với ngũ tổ Hoằng Nhẫn, của đại sư Huệ Năng đời nhà Đường. Khi nghe ngài Hoằng Nhẫn giảng kinh, chúng ta dự tính khoảng hơn hai giờ đồng hồ. Ngài là người mù chữ, xưa nay chưa bao giờ nghe kinh, chưa bao giờ nghe pháp. Suốt thời gian tám tháng tại Hoàng Mai, ngài chưa từng đến giảng đường, cũng chưa từng đến thiền đường, lão hoà thượng chỉ chia cho Ngài việc chẻ củi và giã gạo ở nhà bếp, ngày nay chúng ta gọi việc này là làm công quả. Làm những công việc nặng nhọc suốt tám tháng như thế, nhưng khi nghe giảng kinh hai tiếng đồng hồ Ngài thành Phật ngay, phàm phu thành Phật, đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, ngài nhờ vào những gì?

Chúng tôi phân tích giúp quí vị nhé, ngài thành kính vạn phần nên được vạn phần lợi ích, Ngài đạt đến sự viên mãn, mấu chốt vẫn là sự thành kính. Chúng ta cầu khai ngộ, muốn nhất tâm, cầu sanh Tịnh Độ, nhưng không có tâm thành kính thì làm sao được. Chí thành cung kính là bí quyết thành công của tất cả những người tu hành từ quá khứ, hiện tại, cho đến vị lai.

Ngày nay Phật pháp đang suy đồi, một phần lí do cũng bởi quá ít người thực sự có lòng thành kính, phần nhiều đều là phù phiếm, xốc nổi, vì thế trở ngại là điều khó tránh. Giống như chúng ta đây, chúng ta có thể nuôi dưỡng tâm thành kính không? Được, chỉ cần bạn quyết tâm. Đầu tiên là cắt hết những thứ gây trở ngại tâm thành kính, lúc đó tâm thành kính mới lộ diện được

Những thứ gây trở ngại tâm thành kính đó là giả tạo, việc dụng tâm ngày nay của chúng ta, nói thật toàn là tâm giả dối, không chân thật, thay đổi chóng vánh, đó là thứ phổ biến nhất trong xã hội ngày nay. Bởi thế không ai tin tưởng ai, tự mình cũng không tin chính mình. Sự đổi thay quá nhanh chóng, thấy khác là muốn thay đổi, không tìm thấy một chút thành kính trong đó. Đây là một chướng ngại cực lớn trong sự nghiệp học tập của chúng ta. Vậy nên ta phải đào thải tất cả những thứ giả tạo đó, buông bỏ, đừng ngó ngàng đến nó nữa. Lòng thành là thứ vốn có trong tự tánh, đó là tánh đức nên chỉ cần buông bỏ chướng ngại là tâm thành kính có mặt ngay.

/ 600