/ 600
1.046

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 450

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Minh Tuệ

Biên tập: Nguyên Tâm

Thời gian: 12.06.2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Hội Cương Sơn_Nhật Bản

 

Chư vị Pháp sư, quí vị đồng học, mời ngồi. Xin xem trang 570, hàng thứ bảy, câu cuối cùng, Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải.

Kinh Bi hoa viết: “Do con nguyện lấy thế giới Đại thiên nên danh hiệu của con là Đại thế chí”, đây là nội dung một đoạn nguyên văn kinh Bi Hoa. “Do con”, con ở đây chỉ Bồ tát Đại Thế Chí, ngài nguyện lấy thế giới Đại thiên, ý nghĩa chữ “lấy” là yểm trợ, giúp đỡ tất cả chúng sinh trong thế giới Đại thiên. Bởi thế Phật mới đặt cho Bồ tát pháp danh là Đại thế chí.

“Lại Kinh Tư Ích nói: Nơi ta nhấn ngón chân”_Ta ở đây là Đại thế chí tự xưng, “chấn động thế giới tam thiên đại thiên và cung điện của ma nên có tên là Đại thế chí”. “Nơi Bồ tát nhấn ngón chân”, ý nghĩa này chính là nói: Nơi ngài ở, đạo tràng giáo hoá chúng sinh, dạy học sẽ phát ra thứ năng lượng có oai đức rất lớn. Ngày nay người ta gọi là từ trường, từ trường này có thể làm rung chuyển thế giới tam thiên đại thiên, có thể chấn động cung điện của ma, bởi thế Bồ Tát mới có danh hiệu Đại Thế Chí.

“Quán Kinh lại nói: Vị Bồ tát này”, chính là Bồ Tát Đại Thế Chí, “khi hành đạo”, hành ở đây là hành đạo, hành đạo có nghĩa dạy học. Ngài ở đây, giảng kinh thuyết pháp cho những chúng sinh nơi đó, bất kể thời gian ngắn hay dài, việc giáo hoá này bao gồm: Thời gian ngắn, ước độ hai, ba hôm, thời gian dài, có thể lên đến rất nhiều năm, không cố định, đây gọi là thời gian hành đạo. Khi hành đạo, hành đạo đồng nghĩa với dạy học, giảng đạo, giáo hoá chúng sinh.

“Tất cả mười phương thế giới đều chấn động”, ở đây chúng ta phải để ý đến hai chữ “tất cả”. Bồ tát giáo hoá chúng sinh là cảm, chúng sinh phản ứng khi nghe, một số chúng sinh khai ngộ, đại triệt đại ngộ, một số khác giác ngộ ít hơn, số khác được định, được tam muội, số khác thấy rõ những việc làm sai trái của mình nên đã cải tà qui chánh, bỏ ác làm lành, tất cả đều là phản ứng, đấy gọi là chấn động. Nếu không bị lay chuyển bởi tiếng pháp làm sao họ có thể cải hối và làm mới chính mình? Làm sao có thể bỏ ác làm lành? Tất cả đều do tiếng pháp làm thay đổi.

“Khi vùng đất đó chấn động, có năm trăm ức hoa báu”, vùng đất ở đó rung động. Những lời Như lai nói ra, những lời Bồ tát nói có nghĩa là những lời Như lai nói. Pháp thân đại sĩ đều phát xuất từ tự tánh, nên cây cỏ hoa lá, núi sông rừng bể đều rung động. Chân tướng sự thực vấn đề này ngày nay chúng ta có thể hiểu được, không có gì phải hồ nghi cả, giới khoa học đã chứng minh điều này cho Phật. Đó là hiện tượng, hiện tượng vật chất và hiện tượng tinh thần là hai mặt của một vấn đề, không thể chia tách, đó chính là điều Bồ Tát Di Lặc đã nói: “Mỗi niệm biến thành vật chất, vật chất sẽ mang thức trong mình”, câu nói trên là bằng chứng rõ ràng nhất.

Hiện tượng vật chất từ đâu mà có? Hình chính là hiện tượng vật chất, hình sắc đó là hiện tượng vật chất. Hiện tượng vật chất bắt nguồn từ ý niệm, “mỗi niệm thành hình, mỗi đơn vị vật chất đều có thức trong nó”, mỗi hiện tượng vật chất đều có hiện tượng tinh thần. Thức ở đây là sắc thọ tưởng hành thức, khi kết hợp lại với nhau sẽ thành ngũ uẩn, sắc thọ tưởng hành thức. Từ đâu mà có sắc thọ tưởng hành thức? Từ ý niệm, vấn đề này rất quan trọng, đây là thật tướng của các pháp. Nếu thực sự ngộ nhập thì vấn đề sẽ được giải quyết, nếu chưa ngộ nhập thì vấn đề của vẫn chưa thể giải quyết được.

Chưa giải quyết được vấn đề gì? Chúng ta thấy mình vẫn còn tạp niệm, trong ý niệm đó có tự tư, trong ý niệm đó có phân biệt, chấp trước, phiền não, tập khí, muốn đoạn cũng không đoạn được. Điều này theo cách nói của Phật giáo gọi là ngu si, ngu si là vô minh phiền não, vô minh là gì? Không hiểu rõ chân tướng, không nhận ra chân tướng, gọi là vô minh. Nếu nhận rõ chân tướng, thấy rõ chân tướng thì vấn đề đã được giải quyết, không những không còn khổ lạc mà nhiễm tịnh cũng không còn, khổ lạc, nhiễm tịnh đều do một niệm giác sai lầm tạo nên, giác sai đó là tà tư. Thấy rõ ràng gọi là chánh kiến, chánh tri chánh kiến, khác nhau của tà chánh là ở chỗ đó.

Ngày nay chúng ta đang hành tà đạo hay đang hành chánh đạo? Nói thật, rất nhiều người đang hành tà đạo, không được bao nhiêu người đang hành chánh đạo. Lấy một thí dụ đơn giản, tự tư tự lợi là hành tà đạo, không tự tư tự lợi, đại công vô tư mới là chánh đạo, quý vị thử tìm xem có ai không tự tư tự lợi? Không cần nói pháp thế gian, cứ tìm trong những người tu hành Phật pháp, có ai không tự tư tự lợi chăng? Có ai không phân biệt chấp trước chăng? Vẫn còn tự tư tự lợi, vẫn còn bóng dáng của sự phân biệt chấp trước, người đó đang hành tà đạo, không phải đệ tử Phật.

/ 600