/ 600
448

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 443

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Minh Tuệ

Biên tập: Liên Hải

Thời gian: 08.06.2011

Địa điểm: Tịnh Tông Cương Sơn, Nhật Bản

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống.

Mời quý vị xem “Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải”, trang 557, bắt đầu xem từ hàng thứ 7, xem từ “Kinh Viên Giác” vân, “Kinh Viên Giác” nói: Bổn nguyên thanh tịnh đại viên cảnh, nghĩa là bổn nguyên thanh tịnh như tấm gương lớn. Trong tác phẩm “Viên Giác Lược Sớ Tự”, Bùi Hưu viết: “Là nguồn cội của chúng sinh nên gọi là tâm địa, lại bổn là bổn cực, lí thể của pháp tánh, là nơi tận cùng căn bản của pháp nên gọi là bản cực”. Đây là những gì Niệm Lão dẫn chứng “Kinh Viên Giác”, là một đoạn trong chú giải. “Bản nguyên thanh tịnh đại viên cảnh”, đây là kinh văn, là một câu kinh văn, ý nói là bản nguyên thanh tịnh, bản nguyên là tự tánh, tự tánh là thanh tịnh. Đại sư Huệ Năng năm xưa lúc kiến tánh, nêu ra một câu báo cáo: “Đâu ngờ tự tánh, vốn tự thanh tịnh”, thực sự kiến tánh.

Tự tánh là chân tâm, là tâm thanh tịnh, vốn không nhiễm mảy may bụi trần. Hiện tại chúng ta có bị nhiễm ô không? Không có. Dù có tạo tội ngũ nghịch, thập ác, đọa vào địa ngục Vô gián thì chân tâm vẫn không nhiễm ô, vì thế nó gọi là chân.

Nhiễm ô là gì? Ô nhiễm là vọng tâm, không phải chân tâm, vọng tâm được gọi là A lại da. A lại da ô nhiễm còn chân tâm thì không, nhưng chúng sinh trong thập pháp giới quên mất chân tâm, có chân tâm nhưng bị mê mất vì thế nó không phát huy tác dụng. Cái khởi tác dụng là vọng tâm, đây gọi là phàm phu. Nếu chân tâm phát huy tác dụng đó gọi là Bồ Tát, vấn đề này chúng ta phải nhận thức rõ ràng. Chân tâm khởi tác dụng là Bồ Tát, A La Hán, Bích Chi Phật. Trong Kinh giáo gọi đây là Quyền giáo Bồ Tát. Thậm chí Phật trong thập pháp giới đều còn dùng vọng tâm, không phải chân tâm. Làm việc bằng chân tâm, thì không thấy thập pháp giới nữa, tức không có nữa, như mộng huyễn, bọt nước. Vì thế thực sự dùng chân tâm, khi nào làm việc bằng chân tâm thì bản thân quí vị biết được, khi đã vượt khỏi thập pháp giới thì biết mình đang dùng chân tâm, nhưng ở pháp giới tứ thánh vọng tâm được dùng đúng đắn, hoàn toàn phụng hành lời dạy của chư Phật, Bồ Tát, không vi phạm. Đây là cách dùng đúng đắn ở pháp giới Tứ thánh. Vì vậy cảnh giới đó cũng rất thanh tịnh, chúng ta gọi nó là Tịnh độ.

Tịnh độ là danh xưng đối lập với Lục đạo. Lục đạo ô nhiễm, không thanh tịnh; pháp giới Tứ thánh thanh tịnh không ô nhiễm. Nhưng cả hai đều dùng vọng tâm, dùng 51 tâm sở của bát thức. Những người lục đạo phàm phu chúng ta không nghe lời, nghe rồi không chịu làm, gọi là trước vâng lời nhưng sau không làm. Vẻ bên ngoài, giả bộ giống như một người đệ tử Phật, bên trong vẫn khởi tâm, động niệm, hoàn toàn trái ngược với lời dạy của Phật, vẫn còn tự tư, tự lợi, theo danh văn, lợi dưỡng, vẫn cứ tham, sân, si, mạn, nghi, chưa chuyển đổi trở lại, đây là Lục đạo chúng sinh. Tuy đã học Phật nhưng cứ tạo nghiệp, vẫn chịu quả báo, không ra khỏi Lục đạo. Thực sự muốn vượt khỏi Lục đạo, Phật Di Đà từ bi. Phật biết rằng cắt đứt phiền não rất khó, cho nên Tịnh Tông không cần cắt phiền não, không đoạn phiền não nhưng phải khống chế phiền não, là có thể vãng sinh. Khống chế được chính là đè phiền não xuống. Đè nó xuống, tuy có nhưng không phát huy tác dụng, thuật ngữ Kinh điển gọi là “bất hiện hành”, chúng ta gọi là không phát huy tác dụng, là có thể vãng sinh. Nếu lúc nào phiền não cũng hiện hành thì niệm Phật cũng không vãng sinh, điều này phải hiểu rõ. Làm sao để hàng phục? Khi phiền não vừa khởi liền đổi thành A Di Đà Phật, đây gọi là đè xuống. Niệm đầu là phiền não, nhưng niệm thứ hai là A Di Đà Phật, đây là cách đè nén nó xuống, đây gọi là biết niệm Phật, đây gọi là công phu niệm Phật đắc lực. Khi gặp thuận cảnh, liền sinh tâm hoan hỉ, sanh tâm tham ái. Đây là phiền não khởi hiện hành, đó là tạo nghiệp. Hoan hỉ sẽ tạo nghiệp gì? Nghiệp trời, người. Nghịch cảnh trong tâm không vui, lúc bực bội lại nổi nóng. Đổi thành một câu A Di Đà Phật liền đè xuống. Bực bội tạo ra nghiệp gì? Tạo nghiệp địa ngục. Khởi niệm tham là tạo nghiệp quỉ đói, là loài quỉ.

Ngu si, là không có khả năng phân biệt đúng sai, thiện ác. Thực ra thì nhiều lắm, bao gồm cả chúng ta ở trong đó. Đây là ngu si, ngu si là loài súc sinh. Cho nên phải cẩn thận với tham, sân, si, vì nó là nhân tố dẫn đầu của ba ác đạo, quí vị xem đáng sợ biết bao! Ý niệm này vừa khởi, niệm thứ hai là câu A Di Đà Phật, vì thế cổ đức đã dạy: “Không sợ niệm khởi mà chỉ sợ giác chậm”. Giác chậm là sao? Quí vị tiếp tục tạo ác nghiệp, niệm ác liên tục nhau, điều này rất nguy hại, đấy là tạo nghiệp. Niệm ác vừa nổi lên, không liên tục, lập tức ngừng nó lại, dùng danh hiệu Phật thuận tiện hơn gì hết. Thực sự, trong tám vạn bốn nghìn pháp môn thì niệm Phật là pháp môn thuận tiện nhất, hơn nữa là pháp môn phương tiện thù thắng nhất, vậy không niệm Phật sao được? Bởi vậy, bản thân bình tĩnh suy ngẫm, nếu ta không niệm Phật, thì ý niệm của chúng ta từng niệm nối tiếp từng niệm? Quán sát những niệm này, thì rốt cục niệm thiện nhiều hơn hay niệm ác nhiều hơn? Quí vị nên nhớ kỹ niệm thiện thì ở nơi tam thiện đạo, niệm ác thì ở trong tam ác đạo. Tự tư, tự lợi, lợi mình hại người, thì chắc chắn đó đều là niệm ác, toàn ở trong ác đạo. Bản thân ta không có, mỗi tâm mỗi niệm đều vì nhân dân phục vụ. Đó là niệm thiện, tam thiện đạo, chưa ra khỏi luân hồi Lục đạo, điều này không thể không biết.

/ 600