/ 600
550

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 444

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Minh Tuệ

Biên tập: Liên Hải

Thời gian: 08.06.2011

Địa điểm: Cương Sơn Tịnh Tông Học Hội – Nhật Bản

 


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi.

Mời quý vị xem “Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải” trang 558, hàng thứ sáu, bắt đầu đọc từ câu thứ nhất.

Nhân duyên hợp thành, giả danh chư pháp”, bên dưới có một chú thích nhỏ. “Nhân duyên hoà hợp, mà hiện các pháp, thật đều hư vọng, chỉ là giả danh mà thôi. Tự tánh tịch diệt, không thể nắm được, nên gọi là không, vô ngã”. Lần trước chúng ta đã học đoạn này. Ở đây nói rõ, “thông đạt tánh các pháp, tất cả đều không, vô ngã”, bởi vì tất cả pháp đều do nhân duyên hợp thành.

Trong “Kinh Kim Cang” nói: “nhất hợp tướng”, nhất hợp tướng rất khó hiểu, ngày nay được khoa học chứng thực rồi, thực sự là nhất hợp tướng, cũng chính là nói tất cả hiện tượng vật chất, bất luận là động vật, thực vật hay khoáng vật. Dùng danh từ Phật pháp để nói, đó đều là những thứ cực nhỏ tổ hợp lại mà thành. Danh từ khoa học hiện nay gọi là lượng tử, tiểu quang tử, cũng có nơi gọi là vi trung tử, là những thứ này tổ chức mà thành. Đây là đơn vị nhỏ nhất của vật chất, không có thứ nào nhỏ hơn nữa, toàn là nó tổ thành. Vì thế nhân duyên hoà hợp, đây chính là hợp thành, mà hiện các pháp. Tất cả các pháp trong vũ trụ, hiện nay chúng ta chia tất nó thành ba loại: động vật, thực vật và khoáng vật. Giáo lý Đại thừa chia nó thành hai loại, một loại là khí thế gian, một loại là hữu tình thế gian, đây đều thuộc về “nhất hợp tướng”. Duyên tụ thì nó hiện tướng, duyên tan thì tướng không còn nữa. Nên “thực đều hư vọng”.

Nói thật với quí vị, đó toàn là hư vọng. Trong “Kinh Bát Nhã” nói: “Tất cả pháp đều không có, rốt cục không, không nắm được”. Đây là chân tướng sự thực.

Trong Kinh Đại thừa thường nói: “Đương thể tức không, liễu bất khả đắc”, nhưng là giả danh mà thôi. Đây là nói về tướng, tiếp theo nói về tánh.

Tự tánh tịch diệt, thể bất khả đắc”, tánh có, tánh là tướng tịch diệt; tịch là thanh tịnh, tịch tĩnh; diệt là diệt phiền não, diệt tập khí. Trong “Kinh Hoa Nghiêm” nói: vọng tưởng, phân biệt, chấp trước đều không tồn tại nữa thì gọi là diệt. Diệt là diệt tướng vọng của nó. Tướng hiện ra là vọng tướng, diệt vọng tướng của nó, chứ không phải diệt tánh. Tánh là thứ bất sinh bất diệt; tự tánh là bất sinh bất diệt. Thể của tự tánh không thể nắm bắt. Nó thật có, nhưng tại sao không nắm được? Vì nó không phải là hiện tượng, cho nên chúng ta không có cách gì để suy lường nó. Nó không phải là hiện tượng vật chất. Tiền ngũ căn của chúng ta không thể tiếp xúc được với nó. Nó không phải là hiện tượng tinh thần, nên thức thứ sáu, thức thứ bảy cũng không thể tưởng tượng ra nó, không thể tưởng tượng được. Nó không phải là hiện tượng tự nhiên nên a lại da cũng không duyên đến được. Thông thường chúng ta nói, tám thức 51 tâm sở đều không duyên đến được, nó vẫn tồn tại, nó tồn tại mọi lúc, tồn tại mọi nơi. Trong kinh Phật nói với chúng ta, vấn đề này “chỉ chứng mới biết”. Chứng ngộ bằng cách nào? Buông xả nó liền hiện tiền, quí vị liền chứng được. Buông bỏ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước liền chứng được. Vậy chúng ta biết được khoa học, triết học vĩnh viễn không thấy được nó. Vì sao vậy? Khoa học, triết học đều chưa buông bỏ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, cho nên không thể suy lường được. Nó là căn nguyên của vạn pháp, nó là bản thể của vạn pháp, nó có thể hiện, có thể sinh, a lại da năng biến, tức là bát thức năng biến. Tự thể của nó thật có, nhưng không thể nắm bắt, nên gọi là không, vô ngã.

“Ngã, có hai loại”, tức là hai loại ngã, “Một là nhân ngã”, cả hai loại này đều là không, đều là không, vô ngã. “Phàm phu bất liễu”, bất liễu là không hiểu rõ, “năm uẩn hoà hợp giả hiện mà có nghĩa của ngã”, thân hiện tại của chúng ta đây, thân này là thân năm uẩn. Năm uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Sắc là hiện tượng vật chất. Thọ, tưởng, hành, thức là hiện tượng tinh thần. Thọ là cảm thọ, chịu khổ, chịu vui. Không khổ không vui thì gọi là vô kí thọ, đó cũng là thọ. Tưởng là tư tưởng, hành là niệm niệm liên tục, sẽ không gián đoạn, không bị cắt đứt, hành là tướng liên tục. Thức tức là a lại da, trong a lại da có thể hàm chứa chủng tử của tất cả các pháp. Chủng tử không phải hiện tượng, không phải ba loại hiện tượng mà chúng ta đã học, nhưng đích thực có một thứ như vậy, chúng ta nói là ấn tượng. Chúng ta từ sáng đến tối, mắt thấy tai nghe đều đều lưu lại dấu ấn. Dấu ấn đó được lưu giữ lại trong a lại da, a lại da giống như kho tư liệu vậy. Đời đời kiếp kiếp vô lượng kiếp đến nay, những thứ do sáu căn, sáu thức tạo đều được lưu giữ trong a lại da. A lại da là một nhà kho lớn. Điều này trong kinh nói rất hay. Bởi vì trong kho tư liệu này, nó không phải hình tướng, không phải vật chất, nếu là vật chất thì e rằng nó có nhỏ hơn nữa, thì khắp cả pháp giới hư không giới cũng không dung nạp được. Quí vị liền biết A lại da không thể nghĩ bàn, do nó không phải là hiện tượng vật chất. Nó có thể hiện, vì thân chúng ta là thân năm uẩn, sắc thọ tưởng hành thức.

/ 600