490

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn nghĩa

Tập 439

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 06.06.2011

Địa điểm: Cang Sơn Tịnh Tông Học Hội_Nhật Bản

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 550, hàng thứ tư từ dưới đếm lên, bắt đầu xem ở đoạn giữa.

“Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm viết: Chư cúng dường trung, pháp cúng dường tối. Sở vị như thuyết tu hành cúng dường, lợi ích chúng sanh cúng dường, nhiếp thọ chúng sanh cúng dường, đại chúng sanh khổ cúng dường”.

Trong kinh đưa ra bảy ví dụ, chúng ta học đến chỗ này, bảy câu này vô cùng quan trọng. Hưng suy của Phật pháp, và chúng ta học Phật có thể thành tựu hay không, bảy câu này có thể nói đã bao quát tất cả. Nếu chúng ta có thể làm được, đó là thật sự thành tựu công đức tu học của chính mình, cũng là chân thật báo ân Phật, chánh pháp nhất định cửu trú. Nếu như bảy câu này hữu danh vô thực, thì tự chúng ta đang tạo nghiệp. Không thể vãng sanh, quả báo chắc chắn trong tam đồ, Phật pháp tất nhiên cũng dần dần suy diệt, thế nên sự liên quan này rất lớn. Không thể không coi trọng, không thể không nói thêm vài câu.

Nếu nói tu hành phải bắt đầu lại từ đầu, ở giữa không xen vào được. Thập Thiện Nghiệp Đạo là do Đức Phật nói, đây là nhập môn, là môn học cho người mới bắt đầu. Hiện nay người học Phật đã lãng quên, không tu từ Thập thiện, đây là điều thứ nhất trong Tịnh Nghiệp Tam Phước_Thập Thiện Nghiệp Đạo. Trong điều thứ nhất có bốn câu, câu thứ nhất là hiếu dưỡng cha mẹ, câu thứ hai là phụng sự sư trưởng, câu thứ ba là từ tâm bất sát, câu thứ tư là tu thập thiện nghiệp. Chúng ta đã lãng quên bốn câu này. Thế nên học Phật suốt mấy mươi năm nhưng công phu không đắc lực. Bình tĩnh cố gắng phản tỉnh, sẽ thấy mỗi ngày chúng ta đang tạo nghiệp, không phải đang học Phật. Nếu không nỗ lực phản tỉnh sẽ không biết, lại cho rằng mình tu không tệ.

Vì sao không thực hành được thập thiện nghiệp đạo? Ba câu trước không làm được, đầu tiên là hiếu dưỡng phụ mẫu không làm được, bất hiếu. Thứ hai phụng sự sư trưởng cũng chưa làm được, ngạn ngữ có câu: Không tôn sư trọng đạo. Vì sao bất kính với thầy? Vì không tôn trọng đạo. Vì không kính thầy giáo, đương nhiên cũng không coi trọng đạo mình học. Nếu coi trọng sở học, tự nhiên sẽ tôn trọng thầy, thầy là người chỉ đạo quý vị. Làm thế nào để thực hành hiếu thân tôn sư? Điều này cần phải làm. Nói với chư vị, tất cả đều ở trong Đệ Tử Quy.

Nếu thực hành được Đệ Tử Quy, hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, thì quí vị sẽ có nền tảng, nền tảng này là gì? Nền móng thành thánh thành hiền của pháp thế gian, là nền tảng thành Phật thành Bồ Tát của pháp xuất thế gian, có nền tảng này mới có thể thành tựu được. Nếu không có nền tảng này, thì thành tựu bằng cách nào?

Ngày nay chúng ta tu học, không cần gốc rễ. Cần đẹp mắt, hoa quả rất đẹp, đại thừa kinh luận là hoa quả, Tứ thư ngũ kinh là hoa quả_rất đẹp nhưng làm không được. Vì sao không làm được? Vì không có nền tảng. Có nền tảng những thứ này đều là trí tuệ, không có nền tảng thì những thứ này đều là tri thức. Tri thức và trí tuệ hoàn toàn khác nhau.

Tri thức giải quyết vấn đề có giới hạn, mà còn có hậu di chứng. Trí tuệ không có, trí tuệ là viên mãn, giải quyết vấn đề tuyệt đối không có hậu di chứng. Thế giới tây phương Cực Lạc là trí tuệ, xã hội chúng ta ngày nay là tri thức, điều này đệ tử Phật phải nhận thức rõ ràng. Người thế gian không hiểu nhưng người học đại thừa hiểu rất rõ ràng. Đệ Tử Quy, Thập Thiện Nghiệp, quý vị xem không học được chăng? Nhất định phải nỗ lực học tập!

“Phụ mẫu hô, ưng vật hoãn”. Đây là câu đầu tiên, cha mẹ gọi phải trả lời ngay. Suy rộng ra, bất cứ người nào gọi quý vị cũng phải trả lời ngay, đây là dùng cha mẹ để tượng trưng, vì sao vậy? Vì đây là lễ phép, là kiến lập quan hệ ban đầu giữa người với người. Quan hệ này tốt hay không, phần mở đầu là quan trọng nhất. Hai bên gặp mặt đầu tiên phải chào hỏi, như vậy mới có cảm giác thân thiết, người lạ trở thành người quen. Thế giới này mới có thân thiện, mới không có xung đột, không có hoài nghi. Quý vị xem, câu này quan trọng biết bao.

Trong Kinh Đại Thừa Bồ Tát Giới, Đức Phật dạy: Tất cả người nam là cha ta, tất cả người nữ là mẹ ta, tất cả chúng sanh vốn là Phật. Từ mấy câu này, chúng ta có thể lãnh hội được, Đức Phật dùng thái độ như thế nào để đối diện với tất cả chúng sanh. Phật là người như thế nào? Phật là bậc cứu cánh viên mãn, là bậc thuần tịnh thuần thiện, không có chút khiếm khuyết nào, chúng ta nên học tập thái độ của ngài. Thái độ của chúng ta vốn giống như ngài vậy, nhưng nay đã mê, mê muội. Cho nên tâm của Phật Bồ Tát là tâm bình thường, tâm của chúng ta ngày nay là phản thường, là tâm sai lầm. Chúng ta không học từ đây, không cắm rễ từ đây sao được?