/ 600
550

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn nghĩa

Tập 440

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 06.06.2011

Địa điểm: Cang Sơn Tịnh Tông Học Hội_Nhật Bản


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 551, hàng thứ sáu từ dưới đếm lên.

“Tứ, tán cảm nhân phát tâm. Nhân phát tâm vô thượng, nguyện tốc thành Bồ đề”, chính là hai câu kệ này. “Thập phương Bồ Tát kiến bỉ độ trang nghiêm thanh tịnh, siêu du thập phương. Phật hiệu công đức phổ độ nhất thiết, nhân phát đại tâm. Nguyện dĩ thành Phật, diệc thành tựu như thị sát độ. Như Duy Ma Kinh vân, dĩ chư tịnh quốc nghiêm sức chi sự, thành kỷ Phật độ. Diệc năng như thị tế độ, tận vị lai tế”.

Đoạn này là hai câu của nửa bài kệ sau. Mười phương Bồ Tát là có cảm mà đến, Phật A Di Đà, thế giới tây phương Cực Lạc là ứng_cảm ứng đạo giao nên nói là: “tán thán cảm nhân phát tâm”. Cảm nhân chính là chư vị Bồ Tát trong mười phương đến. Họ đến thế giới Cực Lạc, nhìn thấy y báo thanh tịnh trang nghiêm. “Siêu du thập phương”_du cũng có nghĩa là vượt qua. Quốc độ chư Phật trong mười phương thế giới, nếu so với thế giới Cực Lạc thì sao? Đích thực là kém hơn rất nhiều.

Phương pháp độ chúng sanh của Phật A Di Đà rất khéo léo, chính là dùng một câu Phật hiệu, đã đơn giản lại khéo léo. Vì phương pháp này dễ, phương tiện. Bất luận khi nào, bất luận trong hoàn cảnh nào, đều có thể niệm. Không câu thúc bất cứ hình thức nào, đi đứng ngồi nằm đều có thể niệm. Chỉ là khi nằm niệm, không nên lớn tiếng, mặc niệm trong tâm, niệm ra tiếng tổn khí. Không có nguyên nhân gì khác, tổn thương đối với thân thể. Pháp môn này rất ổn định, nhanh chóng và còn thành tựu quả đức không thể nghĩ bàn.

Vãng sanh đến thế giới tây phương Cực Lạc, liền được bổn nguyện của Phật A Di Đà gia trì. Nói thông tục một chút thì bổn nguyện gia trì chính là phước báo, phước báu lớn vô lượng vô biên, quý vị đều hưởng thụ được. Phật A Di Đà phát nguyện ở nhân địa và công đức thành tựu của năm kiếp tu hành, quý vị đều được hưởng thụ hết. Thế nên Ngài Di Đà đối với chúng ta mà nói, đích thực là đại thí chủ, ngài bố thí cho chúng ta, bố thí là phước báu không thể nghĩ bàn. Thế gian này của chúng ta, nếu so với ở đó thì thua quá xa, không cách gì so sánh được, đây là điều chúng ta cần phải biết. Chúng ta đi không phải để hưởng phước, mục đích không phải đi hưởng phước. Mục đích là đi học trí tuệ, đi nghe ngài giảng kinh, không ngờ đến đó thân tướng tốt đẹp như vậy, đây là chánh báo trang nghiêm. Hoàn cảnh rất tốt, tất cả đều có thể tùy tâm như ý, thật là tâm tưởng sự thành, không dễ đạt được.

Nhất định phải nghĩ đến, lúc Phật A Di Đà phát nguyện, thành tựu công đức năm kiếp tu hành, chúng ta vãng sanh đến đó đều được thọ dụng. Ngài phát nguyện là vì chúng sanh, ngài tu hành năm kiếp là vì chúng sanh. Như ở trước, trong Phổ Hiền hạnh nguyện nói về cúng dường, đưa ra bảy loại cúng dường, Phật A Di Đà đều làm được cả, đều làm đến cứu cánh viên mãn. Điều này hoàn toàn thể hiện ở thế giới Cực Lạc, thể hiện tự tánh công đức. Không cần người thiết kế, cũng không cần người kiến tạo. Đạo lý này chúng ta hiểu, việc này chúng ta không chút hoài nghi. Sau đó tự mình quay đầu nghĩ lại, đời này đáng để cho mình vui mừng, vì mình thật may mắn gặp được pháp môn này.

Trong đời này có thể nói, thành tựu rất chắc chắn, chỉ cần mình siêng năng học. Phải buông bỏ, phải sám hối, phải tinh tấn. Chư vị Bồ Tát này, họ đến đó, nhìn thấy, đây là phát tâm_vì phát tâm vô thượng, nguyện mau thành bồ đề, mau thành bồ đề chính là mau thành Phật đạo. Đến thế giới Cực Lạc, nguyện này nhất định đạt được. Mười phương thế giới thành Phật thời gian phải dài phải chậm, đến đây lại rất nhanh. Thế nên công đức danh hiệu Phật phổ độ tất cả phát đại tâm. Chúng ta sẽ biết, họ tu pháp môn gì? Niệm Phật, nhất tâm chuyên niệm nên họ nhanh thành tựu.

Nhiếp công đức của Phật A Di Đà thành công đức của mình, nhiếp tu hành của Phật A Di Đà thành tu hành của mình. Tâm lượng Phật A Di Đà quá lớn, tất cả đều bố thí cho chúng sanh, hy vọng chúng sanh thành tựu như mình vậy. Nên nói nguyện khi đã thành Phật cũng thành tựu cõi nước như vậy. Cõi nước như vậy là thế giới tây phương Cực Lạc. Người ở thế giới Cực Lạc thành Phật, tương lai quốc độ của mình cũng giống như thế giới Cực Lạc, không có gì khác.

/ 600