/ 600
631

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 438

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên Tập: Bình Minh

Thời gian: 05.06.2011

Địa điểm: Cang Sơn Tịnh Tông Học Hội_Nhật Bản

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 550, hàng thứ 4, bắt đầu xem từ câu sau cùng.

“Kim chư Bồ Tát tán thán Di Đà, cùng tận chư pháp thật tướng chi bổn nguyên. Xuất nhập vô ngại, cố viết du nhập thâm pháp môn. Cùng tận nguyên để, thị vi thậm thâm, cố viết thâm pháp môn”.

Đoạn này Hoàng Niệm Tổ giải thích những gì trong Hội Sớ và Tịnh Ảnh Sớ nói. Hiện tiền những vị Bồ Tát này là từ mười phương thế giới, đến thế giới Cực Lạc để tham bái Phật A di Đà. Chư vị Bồ Tát này, ở trước chúng ta đã thấy họ cúng dường, ở đây thấy họ tán thán, chính là hai nguyện trước trong thập đại nguyện vương của Phổ Hiền Bồ Tát. “Lễ kính Chư Phật, xưng tán Như Lai”, những vị Bồ Tát này đều tu hạnh nguyện Phổ Hiền. Vì thế giới tây phương Cực Lạc đích thực là pháp giới của Phổ Hiền Bồ Tát, vì mỗi người đều “Hàm cộng tuân tu Phổ Hiền chi đức”, điều này trong phẩm thứ hai chúng ta đã thấy, vì thế nên biết nhân duyên của Phổ Hiền Bồ Tát và thế giới Cực lạc vô cùng thâm sâu.

“Tán thán Di Đà, cùng tận chư pháp thật tướng chi bổn nguyên”, chư pháp thật tướng chính là chân tướng của vũ trụ nhân sinh. Vì thế nếu có người hỏi trong kinh điển Phật giáo nói về điều gì? Hoặc là hỏi Đức Thế Tôn thuyết tất cả pháp trong 49 năm, ngài nói những gì? Bốn chữ: “chư pháp thật tướng” đã nói hết tất cả, là nói về chân tướng của tất cả pháp, đây là ý gì? Sở học của triết học và khoa học ngày nay là gì? Cũng đang thăm dò truy cầu chân tướng của vũ trụ vạn pháp. Trước đây thầy Đông Phương Mỹ giới thiệu Phật pháp cho tôi. Ông nói triết học trong kinh Phật là triết học đỉnh cao trên toàn thế giới. Những điều trong Kinh Phật và triết học nói đều cùng một việc, đều nói tận cùng thật tướng của các pháp. Nhưng khoa học và triết học chưa tìm thấy bổn nguyên của thật tướng các pháp. Đời này đến đời khác họ đều đang nỗ lực nghiên cứu. Hiện nay thành quả tìm kiếm, có thể nói là tương đối khiến người chấp nhận. Bất luận là nghiên cứu thảo luận hồng quan vũ trụ hay nghiên cứu lượng tử lực học. Ngày nay vật lý phân thành hai phương hướng. Hồng quan vũ trụ là vô cùng lớn. Lượng tử lực học thì ngược lại, nó là tìm cầu đến thế giới vi quan nhỏ nhất.

Hồng quan thế giới và vi quan thế giới đều có thành quả rất đáng nể, ngày càng gần với những gì Phật pháp nói, nhưng vẫn chưa tìm thấy bổn nguyên. Phật đã tìm thấy, trong kinh Phật tìm thấy, bổn nguyên chính là tự tánh chân như, có khi nói là tự tánh. Ở trước chúng ta nói đệ nhất nghĩa đế đều là nói về vấn đề này. Phật nói về điều này ngài dùng đến mấy mươi danh từ. Nếu chúng ta hỏi một vấn đề, vì sao Phật dùng nhiều danh từ thuật ngữ như vậy? Đây là phương tiện thiện xảo ngài dùng trong lúc giáo hóa, dạy chúng ta không nên chấp trước tướng danh tự, chỉ cần hiểu ý là được rồi, không chấp vào danh tướng. Hoàn toàn tương đồng với thái độ học tập Phật trong Khởi Tín Luận Mã Minh Bồ Tát nói.

Học Phật một bên là đọc tụng, một bên là nghe giảng. Đọc kinh điển của Phật không chấp trước tướng văn tự, không chấp vào tướng danh tự, không chấp trước tướng tâm duyên, như vậy là đúng. Nghe giảng cũng như vậy, nghe giảng không chấp vào tướng ngôn thuyết. Ngôn ngữ nói nhiều, nói ít, nói cạn, nói sâu đều không quan trọng. Không nên chấp trước ngôn ngữ, không nên chấp trước danh từ, không nên chấp trước tâm duyên, tâm duyên là gì? Khi nghe xong tôi cho rằng điều này có nghĩa như thế nào, như vậy là không được, đây gọi là tâm duyên. Quý vị cho rằng đây là ý gì, đó là ý của quý vị, không phải ý của Phật, nhất định phải hiểu điều này. Vì Phật Bồ Tát các ngài không có ý nào cả, quý vị nghe ra được ý nghĩa, như vậy mới lạ. Phật Bồ tát không có ý gì, quý vị làm sao có thể nghe ra được ý nghĩa trong đó? Nên điều này chỉ có thể dùng tâm lãnh hội, dùng tâm để ngộ, không thể dùng lời nói để truyền, không nói ra được, đây là điểm vi diệu của Phật pháp. Dần dần ta lãnh hội được nó, không cần nghĩ về nó. Nghĩa là không cần dùng phân biệt, không cần dùng chấp trước, không cần dùng tưởng tượng. Như vậy quý vị sẽ hoàn toàn sai, càng nghĩ càng sai. Không nghĩ là đúng, nghĩ đến là sai. Cho nên Phật pháp cần dùng trực giác. Không hiểu cũng không sao, không hiểu thì tiếp tục học, đây chính là điều cổ nhân nói, đọc sách nghìn biến nhưng chính mình phải hiểu được nghĩa của nó. Không nên nghĩ tôi đã lãnh hội được ý nghĩa, vì sao? Khi đọc được một ngàn biến, y theo phương pháp trong Khởi Tín Luận, tâm ta sẽ được định. Dùng phương pháp này tu định, nhập định. Định đến trì độ nhất định thì trí tuệ liền khai, trí tuệ tự nhiên khai mở nên người biết nghe kinh đi nghe kinh, người biết đọc kinh đi đọc kinh, là gì? Tu thiền định. Vì quý vị không chuyên tâm nghe, không chuyên tâm đọc, trong tâm sẽ có tạp niệm, có vọng tưởng. Dùng phương pháp này đoạn tận vọng tưởng và tạp niệm, khiến tâm định lại.

/ 600