/ 600
591

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 423

Chủ giảng: Pháp Sư Tịnh Không

Chuyển ngữ: Nguyên Thanh

Biên tập: Minh Tâm

Giảng ngày: 25.5.2011

Địa Điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_Hong Kong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 532, bắt đầu xem đoạn thứ hai, từ chỗ “trú đại thừa giả”.

Trú đại thừa giả, Pháp Hoa Kinh Thí Dụ Phẩm viết, nhược hữu chúng sanh, tùng Phật Thế Tôn, văn pháp tín thọ, cần tu tinh tấn, cầu nhất thiết trí, Phật trí, tự nhiên trí, vô sư trí, Như Lai tri kiến, lực vô sở úy. Mẫn niệm an lạc vô lượng chúng sanh, lợi ích thiên nhơn, độ thoát nhất thiết, thị danh đại thừa.

Hôm trước chúng ta học đến chỗ này. Đoạn cuối cùng của phẩm này là chú trọng vào câu “trú đại thừa giả”, tức là những người này không phải chỉ chuyên tu pháp môn Tịnh Độ, mà tu học tất cả pháp đại thừa. Đến khi lâm chung, họ hy vọng được vãng sanh Tịnh Độ. Họ có thể đem công đức tu học của họ, hồi hướng thế giới Tây Phương Cực Lạc, như vậy cũng có thể vãng sanh.

Trước hết giải thích đại thừa là gì? Trong kinh Pháp Hoa - phẩm Thí Dụ có một đoạn như thế này: “nhược hữu chúng sanh, tùng Phật Thế Tôn, văn pháp tín thọ. Phật Thế Tôn là chỉ cho Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, chúng sanh nghe Phật nói Phật pháp đại thừa, có thể tin tưởng, có thể tiếp nhận. Quý vị xem, họ tin tưởng, tiếp nhận lời Phật dạy lại thực hành được.

“Cần tu tinh tấn” tức là thực hành.

“Cầu nhất thiết trí”, phương hướng và mục tiêu của vị trú đại thừa này vô cùng chính xác. Học Phật không cầu thăng quan phát tài, không cầu phước báo trời người, mà là cầu nhất thiết trí, cầu Phật trí, tự nhiên trí, vô sư trí. Tất cả các trí trên đều là nói về trí huệ.

“Như Lai tri kiến, lực vô sở úy”. Trong kinh Pháp Hoa nói Phật tri Phật kiến. Phật có trí huệ, những gì Ngài biết, những gì Ngài thấy, chắc chắn là chân thật không hư vọng, tức là Ngài thấy được chân tướng của tất cả các pháp. Phật có mười lực, bốn loại vô úy, hai thứ này hợp lại gọi là trí huệ đức tướng của Như Lai, họ cầu là cầu điều này.

“Mẫn niệm an lạc vô lượng chúng sanh”, Như lai thành tựu trí huệ đức tướng, ý niệm khởi tác dụng là muốn hóa độ chúng sanh. Cho nên ở đây nói là “mẫn niệm”, mẫn là lân mẫn. Chúng sanh vốn là Phật, nhưng bổn tánh của họ hiện tại bị mê mờ, nên họ biến thành phàm phu, tuy biến thành phàm phu nhưng Phật tánh đó không mất đi, họ vẫn có Phật tánh, chỉ là họ bị mê mờ không giác ngộ mà thôi. Khi nào họ giác ngộ thì khi đó họ thành Phật. Cho nên Phật dạy “hết thảy chúng sanh vốn là Phật”, hết thảy chúng sanh này là chỉ cho lục đạo chúng sanh, thập pháp giới chúng sanh, những chúng sanh này đều là Phật. Những chúng sanh này với Phật Thích Ca Mâu Ni là một, với Phật A Di Đà không hai. Cho nên mục đích học Phật là để thành Phật, tức là tìm lại trí huệ đức tướng của Như Lai trong ta.

Đức Phật dạy rằng, chúng sanh sở dĩ mê mờ là vì 6 căn đối với cảnh giới 6 trần, khởi tâm động niệm là mê, là phân biệt chấp trước, là tạo nghiệp. Nghiệp có nghiệp thiện nghiệp ác, nghiệp thiện chiêu cảm ba đường lành trong lục đạo. Nghiệp ác nhất định chiêu cảm ba đường ác. Cho nên đời đời kiếp kiếp không thể vượt thoát khổ đau. Đức Phật thấy được hiện trạng của chúng ta hôm nay, Ngài rất thương xót, niệm niệm đều muốn giúp chúng sanh lìa khổ được vui, muốn giúp chúng sanh đoạn phiền não thành Phật đạo, để lợi ích trời người, để độ thoát tất cả chúng sanh. Đây gọi là đại thừa.

Hựu Thập Nhị Môn Luận vân, ma ha diễn giả. Ma ha diễn là tiếng Phạn, chữ hán dịch là đại thừa. Ma ha diễn tức là đại thừa.

Ư nhị thừa vi thượng, cố danh đại thừa. Nhị thừa là Thanh Văn, A La hán, còn Bích Chi Phật thì cao hơn Thanh Văn và A La hán. Hai hạng này gọi là tiểu thừa. Hoặc là Thanh Văn Thừa và Duyên Giác thừa gọi là nhị thừa. Bồ Tát là đại thừa, cao hơn nhị thừa trên. Cho nên nói “ư nhị thừa vi thượng, cố danh đại thừa”.

“Chư Phật tối đại, thị thừa năng chí. Đại thừa có thể đạt được cảnh giới thành Phật, nên gọi là đại thừa.

Chư Phật đại nhân thừa thị thừa. Chữ thừa ở trước là động từ, tức chúng ta ngồi xe. Chữ thừa ở sau là danh từ, là tên của chiếc xe, ý nói là chư Phật đại nhân ngồi trên chiếc xe đại thừa này. Đây là ví dụ.

/ 600