/ 600
785

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 421

Chủ giảng: Pháp Sư Tịnh Không

Chuyển ngữ: Nguyên Thanh

Biên tập: Bình Minh

Giảng ngày: 19.5.2011

Địa Điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_Hong Kong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải trang 529, hàng thứ tư đếm từ dưới lên, bắt đầu xem từ câu thứ hai.

Vân hà tại tâm? Vị bỉ nhân tạo tội thời, tự y chỉ hư vọng điên đảo tâm sanh, y vọng tâm nhi sanh. Thử thập niệm giả, y thiện tri thức phương tiện an ủi, văn thật tướng pháp sanh, y thật tướng nhi sanh, thật tướng thị chân tánh. Nhất thật nhất hư, khởi đắc tương bỉ dã.

Ý này ở trước đã học qua rồi. Chúng sanh trong lục đạo khởi tâm động niệm, đều dựa vào tâm, tâm sở, A lại da, đây là vọng tâm. Không những phàm phu trong lục đạo, mà Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát và Phật trong mười pháp giới cũng không ngoại lệ, cũng là dùng vọng tâm này. Vọng tâm không thể so sánh với chân tâm. Trong giáo lý đại thừa thường nói: “Một vọng tất cả vọng, một chân tất cả chân”, vì thế điều này không thể so sánh được.

Dưới đây đại sư đưa ra ví dụ: Hà giả? là vì sao? vì sao không thể so sánh? Thí như thiên tuế ám thất, quang nhược tạm chí, tức tiện minh lãng. “Thiên tuế ám thất” là nói về khoảng thời gian rất dài, nơi đây đã một ngàn năm không có ánh sáng. Tối lâu như vậy, mà có một ngọn đèn nhỏ nhỏ, thì trong đó cũng sáng lên, trong đó liền được chiếu sáng.

Khởi khả đắc ngôn, ám tại thất thiên tuế nhi bất khứ dã, trong phòng đã tối một ngàn năm rồi, sao chỉ có một ngọn đèn mà xua được bóng tối ấy, không còn bóng tối nữa?

Thị cố Di Nhật Ma Ni Bảo Kinh vân, Phật cáo Ca Diếp Bồ Tát, chúng sanh tuy phục số thiên cự ức vạn kiếp tại ái dục trung, thời gian rất dài. Vi tội sở phục. Đây là nói về một người phàm phu, một chúng sanh, từ vô lượng kiếp đến nay, bị đọa lạc trong luân hồi lục đạo. Trong luân hồi lục đạo nặng nhất là ái dục.

Nhược văn Phật kinh, nhất phản thiện niệm, tội tức tiêu tận dã. Nếu họ thật sự nghe kinh Phật, nghe và hiểu được. Cho nên nghe kinh là điều rất khó. Bây giờ nhiều người nghe kinh, nghe mấy chục năm, cũng không tiêu hết tội được. Nhưng quả thực có người chỉ nghe qua một lần liền khai ngộ, nghiệp của họ vô thỉ kiếp đến nay hoàn toàn tiêu diệt. Người đó là ai? là người như đại sư Huệ Năng vậy. Vì sao Ngài được như vậy, còn chúng ta thì không thể? Quý vị xem trong Pháp Bảo Đàn kinh ghi chép lại, hành nghi của đại sư Huệ Năng, tuy Ngài không biết chữ, không được đi học, chỉ là một tiều phu, tức là người đốn củi, dựa vào đồng tiền bán củi để sống qua ngày, là sự lao động rất vất vả. Vì sao Ngài chỉ nghe một lần liền đại triệt đại ngộ, thành Phật? Minh tâm kiến tánh, là tội nghiệp từ vô thỉ kiếp tiêu trừ hết, mới có thể kiến tánh. Nếu còn một chút tội nghiệp chưa tiêu trừ thì cũng không thể kiến tánh. Đây là thật, là sự thật, không phải giả. Vì sao vậy? Đại sư Ấn Quang nói rằng: “một phần thành kính, được một phần lợi ích”. Đại sư Huệ Năng dùng tâm chí thành cung kính nghe kinh, nhìn con người của Ngài thì biết. Ngài ở Hoàng Mai 8 tháng, chỉ ở trong nhà bếp làm những công việc nặng nhọc, bất luận thấy người nào, Ngài đều cung kính lễ lạy, không có một chút tập khí ngạo mạn. Cung kính người, cung kính việc, cung kính việc tức là có trách nhiệm với công việc. Cung kính tất cả vạn vật. Ngài có tâm cung kính, nên trời đất quỷ thần đều thích Ngài, đều bảo hộ ngài, hộ trì Ngài. Nếu Ngài ngạo mạn, thì trời đất quỷ thần sẽ tránh xa Ngài, nhưng yêu ma quỷ quái lại thân cận Ngài, không giống nhau.

Ngày nay chúng ta thiếu tâm thành kính. Tính cách biểu hiện của chúng ta ngạo mạn, nóng nảy. Chỉ cần quý vị lắng tâm lại một chút, thì quý vị sẽ thấy được. Bản thân họ không thấy được chính họ. Nếu như tập khí của họ vẫn còn, tập khí vẫn còn nặng, thì hiện tại họ rất tốt, nhưng sau này sẽ thay đổi, chắc chắn sẽ thay đổi, người này không đáng để tin cậy. Vậy họ phải dùng phương pháp gì để tiêu trừ tập khí này? là phải không ngừng huân tập kinh luận, sách hay. Chỉ cần họ không gián đoạn huân tập, thì tâm thành kính của họ dần dần được nâng cao, từ một phần nâng lên đến mười phần, từ mười phần nâng lên đến 100 phần, từ 100 phần nâng lên đến 1.000 phần, họ sẽ nâng cao như vậy. Nếu nâng cao đến vạn phần thành kính, thì người này chắc chắn đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật. Nếu lòng thành kính không thể nâng cao đến cảnh giới này, thì có thể đại ngộ, nhưng không thể đại triệt được. Đạo lý này chúng ta nhất định phải hiểu. Cho nên đại sư mới đưa ra ví dụ này.

/ 600