/ 600
685

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 418

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Minh Tuệ

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 18.05.2011

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 526, bắt đầu từ câu thứ hai của hàng thứ nhất. Bát đầu từ đoạn “Cố bổn kinh viết”.

“Vì thế kinh này nói: Phát tâm nhất niệm, niệm đức Phật kia, chắc chắn sanh về cõi đó. Di Đà Yếu Giải nói: Mười niệm cho đến nhất niệm đều được vãng sanh, chỉ hẹn đến lúc lâm chung, không trái lời hẹn đó. Nếu thường ngày có thể phát một niệm tâm thanh tịnh thì hợp với đạo lý, nhập vào nhất niệm. Nhờ nhất niệm đó nên lúc lâm chung sẽ được nhất niệm hay thập niệm”.

Lần trước chúng ta đã học đến đoạn này, tính giáo hoá trong câu kinh giải này rất quan trọng, chúng ta nên dừng lại ở đoạn này lâu hơn một chút, khó nắm bắt nhất là mấy câu trong Yếu Giải của đại sư Ngẫu Ích: “Nếu thường ngày có thể phát nhất niệm tâm thanh tịnh, khế hợp đạo lý”. Câu này quan trọng, vì thế mới có thể nhập vào nhất niệm, nhất niệm thì tâm thanh tịnh mới hiện tiền. Công phu ở chỗ thường ngày, công phu thường ngày là gì? Quan trọng nhất là buông bỏ. Thật sự hiểu rõ câu trong kinh đức Phật thường nói: “phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng”. Không những mười pháp giới y chánh trang nghiêm là mộng huyễn bào ảnh, mà cõi Thật báo trang nghiêm của chư Phật Như lai cũng là giả. Đoạn tận những tập khí vô thỉ vô minh, thì nó không còn. Sau cùng hiển lộ ra cái gì? Thì đó là thứ chân thật. Cõi thường tịch quang tịnh, cõi Thường tịch quang không có các hiện tượng, nên Phật mới nói: “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng”. Cõi thường tịch quang không có vật chất, cũng không có hiện tựợng tinh thần, kể cả hiện tượng tự nhiên cũng không có. Chúng ta lấy màn hình vô tuyến làm ví dụ, màn hình được coi là Thường tịch quang, nó không có gì cả, nhưng các hình ảnh đều được hiện ra trên đó, tuy tất cả các hình ảnh được hiện lên nhưng không thấy thứ gì trên đó, điều này chúng ta nên nhớ. Thường tịch quang chính là tự tánh, tự tánh chính là màn hình chúng ta đã thí dụ. Làm thế nào để trong cuộc sống hàng ngày có thể giữ được chân tướng như màn hình, không bị nhiễm ô như màn hình kia. Quí vị xem sự khác biệt của hình ảnh trên màn hình, nhưng nó không hề ô nhiễm. Phật dạy rằng, chân tâm của chúng ta. Khi minh tâm kiến tánh, câu đầu tiên đại sư Huệ Năng, đã nói: “đâu ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh”, việc này cũng giống như chúng ta xem vô tuyến, bỗng nhiên thấy màn hình, trên màn hình không có gì, vốn tự thanh tịnh, hiện lên những hình ảnh, đó là nhiễm tịnh, thiện ác, tất cả đều không thật, màn hình gọi là Phật, chúng ta thấy được những hình ảnh trên các kênh, chẳng phải đều là Phật sao? Đức Thế Tôn từng nói: “Tất cả chúng sanh, vốn đã thành Phật”. Những thứ chúng ta thấy được trên màn hình, màn hình là Phật, tất cả những hình ảnh trên màn hình không thể tách khỏi màn hình. Thể là Phật, tướng cũng là Phật. Tánh tướng không hai, tánh tướng nhất như. Chỉ vì chúng ta mê lầm điên đảo, không biết bản thân mình cũng là Phật, đấy là nguyên nhân rơi vào trong sáu đường, không hiểu rõ nên biến thành chúng sanh trong sáu đường. Vì sao vậy? Vì chúng sanh trong sáu đường khởi tâm động niệm, phân biệt chấp trước. Tất cả những hình ảnh trên màn hình đều là khởi tâm động niệm, phân biệt chấp trước. Chỉ có bản thân màn hình không có khởi tâm động niệm, không có phân biệt chấp trước. Phân biệt chấp trước trộn lẩn với không phân biệt chấp trước, không tách rời nhau nhưng nó chắc chắn không giống nhau. Tự thể năng sanh năng hiện, nghĩa là tự tánh, nó không khởi tâm động niệm, không phân biệt chấp trước, tất cả những hình ảnh được hiện ra đó, nói theo cách nói của giới khoa học ngày nay, đó là hiện tượng vật chất, hiện tượng tinh thần và hiện tượng tự nhiên. Nó khởi phân biệt chấp trước trong cái không phân biệt chấp trước, khởi tâm động niệm trong cái không khởi tâm, không động niệm. Dùng thí dụ như thế để mọi người có thể hiểu được, đây chính là Phật pháp Đại thừa, đây gọi là nhất Phật thừa. Nhất Phật thừa nằm ở chỗ nào? Đó là cái máy vô tuyến, quí vị nhìn thấy hết. Nhận ra nó là đã giác ngộ, đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh. Không nhận ra được, bị nó che khuất, bị những hình ảnh làm mê mờ, sau khi bị mê mờ, quí vị bị cảnh giới chuyển. Khi giác ngộ thì quí vị chuyển cảnh giới. Phàm phu và Phật là gì khác nhau ở điểm nào? Giữa mê và ngộ, ngoài hai thứ đó ra không còn thứ gì khác.

/ 600