/ 600
665

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 416

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Liên Hải

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 17.05.2011

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 522, hàng thứ hai từ dưới đêm lên, bắt đầu xem từ kinh văn.

“Nhược hữu chúng sanh, trụ Đại Thừa giả, dĩ thanh tịnh tâm, hướng vô lượng thọ, nãi chí thập niệm, nguyện sanh kỳ quốc. Văn thậm thâm pháp, tức sanh tín giải, nãi chí hoạch đắc, nhất niệm tịnh tâm, phát nhất niệm tâm, niệm ư bỉ Phật. Thử nhân lâm mạng chung thời, như tại mộng trung, kiến A Di Đà Phật, định sanh bỉ quốc, đắc bất thối chuyển vô thượng bồ đề.”

Trong chú giải Niệm Lão nói: chương bên phải toàn là kinh văn của bản Đường Dịch. Ba hàng kinh văn này toàn là trích lục ra từ Đại Bảo Tích kinh, Vô Lượng Thọ Hội.

“Ngụy Đường lưỡng dịch”. Ngụy là bản dịch của Khương Tăng Khải. Tào Ngụy thời đại Tam Quốc. Hai bản dịch này dường như cùng một bản Phạn văn. Nguyên văn tiếng Phạn dường như là cùng một bản. Nhưng đoạn này kinh văn của bản Đường dịch, hệ thống rõ ràng, lời văn phong phú, ý nghĩa thâm sâu, hơn hẳn bản Ngụy dịch. So sánh trên bản dịch mà nói, bản dịch đời Đường hay hơn bản dịch đời Ngụy. Bản Ngụy dịch phân tán ở phần đầu và cuối của phẩm này. Ở trước đoạn “thượng bối” nói: chư hữu chúng sanh, văn kỳ danh hiệu, tín tâm hoan hỉ. Nãi chí nhất niệm, chí tâm hồi hướng, nguyện sanh kỳ quốc, tức đắc vãng sanh. Đản phục ư hạ bối văn trung viết: kỳ hữu chí tâm, dục sanh bỉ quốc. Giả sử bất năng tác chư công đức, đương phát vô thượng bồ đề chi tâm. Nhất hướng chuyên niệm, nãi chí thập niệm, niệm vô lượng thọ Phật, nguyện sanh kỳ quốc. Nhược văn thâm pháp hoan hỉ tín nhạo, bất sanh nghi hoặc. Nãi chí nhất niệm, niệm ư bỉ Phật, dĩ chí thành tâm, nguyện sanh kỳ quốc. Thử nhân lâm chung, mộng kiến bỉ Phật, diệc đắc vãng sanh, công đức trí tuệ, thứ như trung bối giả dã.”

Đây là so sánh bản Ngụy dịch và Đường dịch, chúng ta liền biết được. Đoạn kinh văn chúng ta vừa đọc, hoàn toàn là bản Đường dịch. Đem hai bản ra so sánh, chúng ta liền hiểu được. Bản Đường dịch vừa đơn giản vừa rõ ràng. Đây chính là điểm thù thắng của phiên dịch.

Chúng ta xem chú giải của Niệm Lão trước, Ông trích dẫn bản Ngụy dịch.

Trước “thượng bối” có mấy câu như thế này: “chư hữu chúng sanh, văn kỳ danh hiệu, tín tâm hoan hỉ”. Chư hữu chính là chỉ cho lục đạo chúng, lục đạo gọi là tam hữu. Dục giới hữu, họ có nhân quả của dục giới; có sắc giới hữu, có vô sắc giới hữu. Đó gọi là tam hữu. Có nhân đương nhiên có quả, quả chính là luân hồi lục đạo. Trong pháp giới nhân quả là thật. Chúng ta cùng nhau học tập kinh giáo Đại Thừa, vấn đề này giảng rất nhiều, cũng giảng rất thấu triệt. Nhân quả khởi từ lúc nào? Phật nói với chúng ta, khởi nguyên của vũ trụ, khởi nguyên này chỉ có trong kinh Đại Thừa nói rõ ràng. Chúng ta thấy rất nhiều thông tin học thuật không thể sánh với kinh giáo Đại Thừa.

Kinh giáo Đại Thừa, có thể dùng quốc sư Hiền Thủ nhà Đường viết Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán để làm ví dụ. Thiên này nói theo cách ngày nay là luận văn. Quyển luận văn của Hiền Thủ quốc sư văn tự không dài, nhưng nghĩa lý vô cùng sâu rộng. Tổng cộng có sáu đoạn, ba đoạn trước nói về vũ trụ, vạn pháp, sinh mệnh và ta từ đâu đến. Vũ trụ vạn pháp sinh mệnh thuộc về y báo, ta là chánh báo. Trong kinh giáo nói y báo, chánh báo chúng ta nhất định phải biết. Chánh báo là nói về bản thân, ngoài bản thân ra toàn bộ gọi là y báo. Y báo chính là môi trường sinh sống của chúng ta.

Trên từ chư Phật Bồ Tát dưới đến chúng sanh địa ngục, đó là y báo trên sự việc con người chúng ta. Tức là nói hoàn cảnh nhân sự của chúng ta đều là y báo của ta. Cỏ cây hoa lá, sơn hà đại địa, hư không pháp giới cũng là y báo của ta. Y báo và chánh báo đồng thời phát khởi, làm sao để sinh khởi? Trong kinh Đại Thừa Phật thường nói: “một niệm bất giác mà có vô minh”, một niệm bất giác này không có nhân. Nguyên nhân gì mà một niệm bất giác? Không có nhân. Nên Đức Phật gọi cái này là vô thỉ vô minh. Đây chính là một niệm thất chiếu. Kinh giáo Đại Thừa thường nói “chiếu kiến”, chiếu kiến là trí tuệ. Thất chiếu là “chiếu” mất rồi, mất rồi cho nên bị mê. Vừa mê thì vọng tâm liền xuất hiện. Từ chân tâm xuất hiện vọng tâm. Vọng tâm này là thực sự là tạo vật chủ, chính là A lại da xuất hiện. Trong A lại da có tam tế tướng, có thể nói đó là hiện tượng tự nhiên, cũng có thể nói là hiện tượng nhân quả.

/ 600