Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 412
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Liên Hải
Biên tập: Bình Minh
Thời gian: 14.05.2011
Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 515, hàng thứ ba, bắt đầu xem hai chữ cuối cùng.
“Thiêu hương, thiêu hương dĩ vi cúng dường. Vãng Sanh Yếu Tập viết: tùy lực biện ư hoa hương cúng cụ.”
Chúng ta xem đến đoạn này. Đây là thắp hương trong hoa hương cúng dường. Hương ý nghĩa biểu pháp là “tín”, tín hương. Cũng là giới định chân hương thể hiện trong Phật Pháp Đại Thừa. Những thứ cúng Phật đều có ý nghĩa biểu pháp, nhất định phải hiểu. Trước đây chúng ta đọc đến cúng đèn, thắp đèn. Đèn tượng trưng cho ánh sáng, tượng trưng cho trí huệ, ý nghĩa sâu hơn nữa là tượng trưng cho thắp lên chính mình để chiếu sáng người khác. Nó có ý nghĩa sâu sắc như vậy ở trong đó. Đèn nến, đèn dầu đặc biệt rõ nét, ý nghĩa này rất rõ ràng. Đệ tử Phật từng phát nguyện, “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”, đệ tử Phật tu tập, thực hành, hết thảy công đức đều hồi hướng cho tất cả chúng sanh, không vì bản thân. Trong những đồ cúng dường đều biểu thị ý nghĩa này. Hương là phổ biến nhất, cúng hoa, cúng đèn, cúng hương, những thứ này phổ biến nhất. Nhưng trong đó quan trọng nhất là cúng nước. Thứ gì cũng không có, nhưng nước thì không thể thiếu. Nước phải sạch sẽ, không được cúng trà, cúng trà là sai rồi. Trà có màu sắc, không trong sạch. Nước tượng trưng cho cái gì? Nước tượng trưng cho tâm địa. Tâm phải trong sạch như nước vậy, tâm thanh tịnh. Phải bất động như nước vậy, không nổi gợn sóng. Cho nên nhìn thấy nước, trên thực tế đều là cho chúng ta thấy, Phật không cần, Bồ Tát cũng không cần, để cho chúng ta thấy. Chúng ta nhìn thấy nước liền nghĩ đến tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng. Nước bình đẳng thanh tịnh, giống như mặt gương vậy, nó có thể chiếu soi vật tướng bên ngoài, đó chính là giác. Trên thực tế, nó tượng trưng cho điều chúng ta nói trong đề kinh này là “thanh tịnh, bình đẳng, giác”. “Thanh tịnh, bình đẳng, giác” là tâm của chính mình. Cho nên nói, nước quan trọng như thế nào. Để cho nó thời thời khắc khắc nhắc nhở mình, tâm phải thanh tịnh, tâm phải bình đẳng, tâm phải giác ngộ. Cúng hoa tượng trưng cho nhân, hoa là thực vật, sau khi hoa nở sẽ kết quả, hoa tốt quả nhất định tốt. Đây chính là tượng trưng cho thiện nhân thiện quả, ác nhân thì có ác báo. Nên hoa tượng trưng cho sáu ba la mật, lục độ nhân hoa. Bồ Tát tu sáu ba la mật, đắc trên quả địa là sáu loại quả báo thù thắng.
Hương tượng trưng cho giới định. Ngửi đến hương, nhìn thấy hương, liền nghĩ đến giới, định, huệ. Nhờ giới đắc định, nhờ định khai huệ. Nó tượng trưng cho những ý này. Hương tượng trưng cho tín. Người Trung Quốc rất coi trọng tín. Cổ nhân nói “nhân vô tín tắc bất lập”, người nếu như không có chữ tín, trong xã hội sẽ không có chỗ cho anh ta. Coi chữ tín vô cùng quan trọng. Nhưng hiện tại nhân, nghĩa, lễ, trí, tín mọi người đều không cần nữa. Xã hội này loạn rồi, nói nghiêm trọng hơn tí nữa, người hiện tại bỏ mất nhân tính. Nhân tính là gì? Cổ nhân Trung Quốc nói rất hay “nhân chi sơ, tánh bổn thiện”. Chúng ta làm cho bổn thiện mất tiêu rồi. Khởi tâm động niệm đều là bất thiện, trái ngược với bổn thiện. Bổn thiện là gì? Bổn thiện là ngũ luân, ngũ thường. Ngũ luân là điều người Trung Quốc mấy ngàn năm nay, ngay phụ nữ ở nông thôn cũng hiểu được, đều dùng điều này để dạy trẻ con.
“Phụ tử hữu thân”, thân ái. Thân ái từ nơi này mà phát sanh, làm như thế nào để phát huy phần thân ái này lớn lao thêm. Yêu thương anh chị em quí vị, thương yêu bạn bè thân thích quí vị, yêu thương bà con xóm làng, mở rộng đến yêu thương xã hội, yêu thương dân tộc, yêu thương nước nhà, yêu thương nhân loại. “Phàm là người đều nên yêu thương”. Giáo dục của Trung Quốc từ đây mà bén rễ, từ nơi gốc này mà sinh ra.
“Phu phụ hữu biệt”. “biệt” này nghĩa là gì? vợ chồng hợp thành một gia đình, hai người có nhiệm vụ khác nhau. Trong gia đình điều này quan trọng nhất là: một là cuộc sống vật chất, hai là cuộc sống tinh thần. Ngày xưa cuộc sống vật chất do người đàn ông gánh vác, họ mưu sinh nuôi gia đình. Cuộc sống tinh thần do người phụ nữ đảm nhiệm. Tương phu giáo tử, trong nhà quí vị có đời sau hay không, đời sau không phải nói con cái nhiều, đời sau là nói trong số con cháu đó có người kế thừa gia đạo, kế thừa gia nghiệp hay không. Nếu như không có người kế thừa thì nhà này một đời là hết. Đời đời đều có người hiền, gia đạo này sẽ không suy!