/ 600
462

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 411

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Liên Hải

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 13.05.2011

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 512, bắt đầu xem từ chữ “đệ tam” trong hàng thứ năm. “Đệ tam tùy kỉ tu hành chư thiện công đức”. Trong Lược Luận nói rằng: “trung bối vãng sanh có bảy loại nhân duyên.” Đoạn trước chúng ta cũng nói rất tường tận rồi, tôi chưa xem đến đoạn sau, Hoàng Niệm Lão có chú giải tỉ mỉ. Bảy loại nhân duyên này, chúng ta phải hiểu rõ ràng, phải học tập. Có lặp lại nhiều lần cũng là điều tốt.

Thứ nhất, phát bồ đề tâm.

Thứ hai, nhất hướng chuyên niệm.

Vậy là không thừa thãi, ngài không chú giải hai câu này. Vì trong thượng bối vãng sanh nói rất tường tận rồi. Từ “đệ tam tùy kỉ tu hành chư thiện công đức”. Ba là tu thiện nhiều ít, phụng trì trai giới, tức là chú thích của câu này. Nghĩa là trong các thiện công đức, tùy hết khả năng của mình, cố gắng để đạt được. Đó là tùy phận tùy sức, và còn tùy duyên. Bản thân tuy có khả năng này, nếu như duyên không thành thục vẫn không thể làm.

Phật dạy chúng ta “tùy duyên diệu dụng”. “ Diệu” là không chấp tướng, diệu là trí tuệ. Trí tuệ có thể khiến cho chúng ta biết được duyên này có thể tùy thuận hay không. Tùy duyên làm được đến mức nào, nhưng không theo cảm tính. Cảm tính luôn luôn có phiền não, tạp niệm bất thiện ở trong đó. Chẳng những sự việc làm không được viên mãn, có thể còn gây tạo rất nhiều ác nghiệp. Điều này không thể không biết.

Phụng trì trai giới, trong Đại Thừa Nghĩa Chương Thập Nhị nói rằng: “phòng cấm cố danh vi giới, khiết tịnh cố danh vi trai”. Phòng cấm cũng chính là phòng ác. Ngăn ngừa chúng ta gây tạo các nghiệp bất thiện. Những lời giáo giới của đức Thế Tôn như thế này, chúng ta gọi nó là “giới” hay là giới luật. Khiết tịnh nên gọi là “trai”. “Trai” là không ăn quá ngọ. Nên biết không ăn quá ngọ có những điều rất tốt đối với sức khỏe thân thể. Trong Tứ Phần Luật Âm Nghĩa, giới là “giới” cũng là nghĩa khác của “luật”, tiếng Phạn là Tam Ba La, tiếng Hán dịch là “cấm”, giới cũng có nghĩa là “cấm”. Ở đây từ chữ để giải thích chữ.

“Trai” nghĩa là không ăn quá ngọ. Chánh ngọ cho là chánh thời, sau đó gọi là phi thời. “Thời” là nên ăn, “phi thời” tức không nên ăn. Quá trưa thì không ăn, tức thường nói là không ăn quá ngọ, gọi là “trì trai”. Quá ngọ này, nhất định phải biết ngọ này tức là trung ngọ, vì giờ ngọ từ 11 giờ đến 1 giờ đều là giờ ngọ. Mà trong kinh Phật nói “quá trung bất thực”, không phải là “quá ngọ bất thực”. Quá ngọ là cách nói của người Trung Quốc. Nhất định phải biết ngọ này là “trung ngọ”, giờ ngọ sau buổi trưa cũng phi thời, tức không được ăn. Đó gọi là trì trai.

Lại trong Nam Sơn Nghiệp Sớ nói: “Trai nghĩa là tề, trai tịnh tâm này, hay nói là thanh tịnh, nên trì trai là làm thanh lọc tâm bất tịnh”. Thanh này là thanh trừ. Thanh trừ tất cả những bất tịnh ở trong tâm. Đó là nghĩa của chữ “trai”.

Lại nữa trong Hội Sớ nói: trai là giới, tức Bát trai giới, Bát quan trai giới, và “nhiếp các giới lớn nhỏ”, nghĩa này rất rộng. Hơn nữa giới là thầy của người, đạo đời đều phụng trì. Tâm là chủ của nghiệp, phàm thánh đều phải chế ngự, chánh pháp trụ, diệt, đều do đây cả. Mấy câu này rất quan trọng, vì sao giới là thầy của người? Vì nó là chuẩn mực của cuộc sống. Tiêu chuẩn qui phạm này là lấy Thánh hiền làm tiêu chuẩn. Học Phật là học Thánh, học Hiền. Phật là Thánh nhân, Bồ Tát là Hiền nhân. Cho nên bất luận là người tu đạo hay là tại gia, mọi người đều tôn trọng phụng trì giới. Đây hoàn toàn là nói về sự. Tâm là chủ của nghiệp, nghiệp là tạo nghiệp. Tịnh nghiệp, nhiễm nghiệp, thiện nghiệp, ác nghiệp, tâm là chủ. Đại Thừa kết tội hoàn toàn do nơi tâm, quí vị dùng tâm gì, giáo lý Đại Thừa bàn về tâm không bàn về sự. Giáo lý tiểu thừa bàn sự không bàn tâm. Trong đây có sự sai biệt rất lớn. Ví dụ nghiệp sát, Đại Thừa khởi niệm muốn giết họ, nhưng chưa thật sự giết họ, thì đã là phá giới rồi. Giới sát này tội đã được thành lập. Giới Tiểu thừa khởi tâm động niệm muốn giết người, chưa thực sự giết người, thì không tính, như vậy vẫn chưa phá giới. Cho nên giới tiểu thừa dễ trì, giới Đại Thừa Bồ Tát khó trì. Bồ Tát kết tội từ nơi tâm địa. Tiểu thừa gần giống với pháp luật của thế gian chúng ta. Chưa có hành động thì chưa kết tội. Cho nên bất luận là phàm phu hay là Phật Bồ Tát, tất cả đều phải tuân thủ. Chánh pháp có thể trú thế lâu dài hay không đều nhờ giới luật. Giới luật không còn nữa, chánh pháp sẽ không còn, sẽ bị diệt. Nên câu này rất quan trọng. Nếu như chúng ta muốn chánh pháp có thể phục hưng trở lại, trì giới là điều rất quan trọng.

/ 600