/ 600
430

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 410

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 13.05.2011

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 511, hàng thứ sáu, bắt đầu xem từ nửa đoạn sau. Bắt đầu xem từ chữ “sao”, sao là Di Đà Sớ Sao do Liên Trì đại sư nói. Hôm qua vì hết giờ, hôm nay chúng ta bổ sung thêm đoạn cuối cùng này.

Ở trước Liên Trì đại sư nói “trước sự” tu học chấp trước sự chính là niệm Phật. “Nhi niệm năng tương tục”, tôi hành trì và thật niệm mới có thể vãng sanh Tịnh độ, cho nên nói: “bất hư nhập phẩm chi công”, sanh đến thế giới tây phương Cực Lạc, vì họ chưa ngộ lý, nhất định sanh vào hai độ dưới, chính là cõi đồng cư và cõi phương tiện. Nếu “chấp lý” chấp trước đệ nhất nghĩa đế mà đại thừa nói, nói về chân đế. Vạn pháp giai không, niệm mà không niệm, không niệm mà niệm. Họ sẽ không niệm, không niệm chính là niệm, không niệm. Như vậy “phản thọ lạc không chi họa”, họ tương lai không thể vãng sanh, chẳng những không thể vãng sanh, trong lục đạo họ còn phải vào địa ngục chịu khổ. Nguyên nhân gì? Họ làm sai lầm như vậy. Tự mình bị hại đó là đáng, nhưng còn ảnh hưởng đến người khác, người khác thấy được, học theo cách của họ, trách nhiệm này quý vị không thể không chịu. Hại mình tội nhẹ, hại người khác tội nặng. Ảnh hưởng càng lớn tội càng nặng, thời gian ảnh hưởng dài, thời gian quý vị ở trong địa ngục càng dài, đây là điều rất đáng sợ.

Trong Di Đà Sớ Sao lại nói người như vậy rất nhiều, không phải số ít. Họ chưa khai trí huệ chân thật, họ là thế trí biện thông. Thông thường chúng ta nói cưỡng từ đoạt lý, hạng người này nghe kinh điển đại thừa, kinh giáo nói về không, họ cho rằng cái gì cũng có thể không chấp trước, hoàn toàn ngộ nhận nghĩa kinh đại thừa. Kinh đại thừa rất thâm sâu, tuyệt đối không phải thế trí biện thông có thể ngộ nhập. Hạng người nào có thể hiểu? Người chân thành cung kính có thể ngộ nhập. Chư vị cổ đức, đến Ấn Quang đại sư cũng thường dặn dò phó chúc chúng ta: “một phần thành kính được một phần lợi ích”. Chí thành cung kính mới có thể đạt được lợi ích, không liên quan đến trí huệ sâu hay cạn. Thậm chí không liên quan đến việc quý vị biết chữ hay không. Ngài Huệ Năng không biết chữ, kinh chưa từng nghe qua lần nào. Trong Lục Tổ Đàn Kinh, quý vị xem ở trước một đoạn lịch sử của ngài. Ngài ở Hoàng Mai tám tháng, chưa một lần vào thiền đường, cũng chưa bước vào giảng đường. Ngũ tổ Hoằng Nhẫn chỉ chia công việc cho ngài là vào trong nhà củi để bửa củi giả gạo, ở trong chùa làm khổ công. Thời xưa khi vào chùa nhất định trước phải phục vụ cho chùa 5 năm, vì sao vậy? Vì tu phước, không phải quý vị đến chùa để hưởng phước, có người cúng dường quý vị, phước báo quý vị lớn chừng nào! Vì thế vào chùa gọi là 5 năm học giới. Học giới gì? Học quy củ, cần lao phục dịch, mỗi người khi vào chùa đều phải làm, tu phước.

Người có phước báo mới có thể khai trí huệ, ngạn ngữ xưa có câu: “phúc chí tâm linh”, phước báo của quý vị đến, tâm quý vị sẽ linh, đột nhiên thông minh, trí huệ khai mở. Từ đó cho thấy, người không có phước báo tâm tư u ám, nghĩa là hồ đồ, ngu si, không khai trí huệ, không có phước báo. Nhưng người có phước báo nếu không có thiện hữu dẫn dắt, họ trở thành thế trí biện thông, biến thành trí huệ cuồng vọng, như vậy là sai. Trí huệ của họ đã đi vào phương diện tà, biến thành tà tri tà kiến, thì tạo nghiệp càng sâu. Hạng người này đối với người khác không có tâm cung kính, cuồng vọng tự đại, chắc chắn là như vậy.

Vì thế bên dưới nói: “ư tự bổn tâm tằng vị khai ngộ”, về việc minh tâm kiến tánh, họ hoàn toàn không biết. “Nhi khinh đàm Tịnh độ, miệt thị vãng sanh, vi hại phi tế”. Sự việc này chính bản thân chúng tôi ngày xưa là như vậy, đối với Tịnh độ không hiểu rõ, cho rằng đây là Đức Thế Tôn phương tiện độ những người không có tri thức, các ông các bà già, người không có văn hóa Phật khai phương tiện cho họ, cho rằng là như vậy. Còn tự cho rằng chúng ta thật tin thật thấu triệt. Thầy Lý tận tình khuyên bảo tôi mười năm, thường thường khuyên tôi. Tôi không phản đối nhưng tôi không chịu tu. Không chịu tu, luôn cho rằng đây là Thế Tôn đối với chúng sanh hạ ngu, vận dụng pháp môn phương tiện, không phải đối với hàng thượng căn lợi trí. Ý niệm sai lầm này rất sâu, đến thầy Lý cũng không cách nào nhổ nó giúp tôi.

/ 600