/ 600
508

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 408

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Minh Tâm

Thời Gian: 12.05.2011

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 509 hàng thứ tư, bắt đầu xem từ câu thứ hai.

“Hựu thượng phẩm hạ sanh giả, hành giả mạng dục chung thời, A Di Đà cập Quán Thế Âm, Đại Thế Chí dữ chư Bồ Tát, trì kim liên hoa, hóa tác ngũ bách Phật, lai nghinh thử nhân. Ngũ bách hóa Phật nhất thời thọ thủ, tán ngôn, pháp tử, nhữ kim thanh tịnh, phát vô thượng đạo tâm, ngã lai nghinh nhữ. Kiến thử sự thời, tức tự kiến thân tạo kim liên hoa. Tọa dĩ hoa hợp, tùy Thế Tôn hậu, tức đắc vãng sanh thất bảo trì trung”.

Đây là thượng bối vãng sanh hạ sanh, thượng bối hạ sanh. Trong Quán Kinh nói thượng phẩm hạ sanh, trong kinh này là thượng bối hạ sanh.

Người vãng sanh này khi họ mạng chung. “Mạng dục chung”, nói rõ họ vẫn chưa mạng chung, họ vẫn còn sống ở đây. Phật A Di Đà, Bồ Tát Quán Âm, Bồ Tát Đại Thế Chí và chư Bồ Tát cầm kim liên hoa, hóa thành 500 vị Phật, đến nghinh đón người này. Hoan nghênh họ, tiếp dẫn họ đến thế giới Cực Lạc. “Ngũ bách hóa Phật nhất thời thọ thủ”, những vị Phật này đều đưa tay ra biểu thị hoan nghênh. Thọ thủ giống như hiện nay chúng ta bắt tay vậy, hoan nghênh họ, tán thán họ. Gọi họ là pháp tử, có khi chữ này gọi là Phật tử. “Nhữ kim thanh tịnh”, câu này vô cùng quan trọng.

Trong kinh Đức Phật thường nói: “tâm tịnh tắc Phật độ tịnh”. Nói cách khác nguyên nhân chính vãng sanh thế giới tây phương Cực Lạc là tâm thanh tịnh. Trì danh niệm Phật là kỹ xảo. Quán tưởng, quán tượng vẫn là thuộc về kỹ xảo, mục đích là muốn tâm thanh tịnh hiện tiền. Đề kinh của bộ kinh này, nhân quả hiển thị một cách rõ ràng minh bạch. Nhân vãng sanh là thanh tịnh bình đẳng giác. Thượng bối vãng sanh là đại triệt đại ngộ, giác mà không mê. Trung bối vãng sanh là tâm bình đẳng hiện tiền. Hạ bối vãng sanh là tâm thanh tịnh hiện tiền, tâm không thanh tịnh không thể vãng sanh, dù niệm Phật có nhiều cũng không được. Đây là chúng ta tu Tịnh độ, hy vọng đời này vĩnh viễn thoát ly luân hồi, không còn trôi lăn trong vòng lục đạo. Thật sự cầu sanh Tịnh độ thì không thể không biết. Làm thế nào để được tâm thanh tịnh? Then chốt là buông bỏ. Trì danh niệm Phật là dùng câu Phật hiệu này, thay đổi toàn bộ tạp niệm của mình. Chư vị cổ đức nói: “không sợ niệm khởi chỉ sợ giác chậm”. Niệm là ý niệm, bất luận là thiện niệm hay ác niệm, nói tóm lại toàn là niệm luân hồi. Có niệm chính là luân hồi, vô niệm chính là Bồ Tát. Dùng câu Phật hiệu này thay thế tất cả các ý niệm.

Niệm thứ nhất bất luận là ý niệm gì, niệm thứ hai chính là Phật A Di Đà, đây chính là giác chậm, nhanh. Không cho ý niệm này tạo thêm ác nghiệp, ý nghiệp là tư tưởng. Bất luận là thiện niệm hay ác niệm, thiện niệm là ba đường lành, ác niệm là ba đường ác, vì thế tất cả đều là luân hồi. Ý niệm vừa chuyển niệm A Di Đà Phật. Phật A Di Đà không ở trong thiện đạo cũng không ở trong ác đạo. Cũng chính là nói ý niệm này, ý niệm A Di Đà Phật này không tương ưng với luân hồi lục đạo, nó tương ưng với ai? Tương ưng với thế giới tây phương Cực Lạc, tương ưng với Phật A Di Đà. Niệm Phật vãng sanh thấy Phật, chính là đạo lý này. Chúng ta đối với đạo lý này phải thâm tín không nghi.

Hiện nay trong cuộc sống hằng ngày là luyện công phu, luyện công phu gì? Thay đổi ý niệm. Thay tất cả ý niệm thành A Di Đà Phật là đúng, đây gọi là chân thực tu hành, đây gọi là y giáo phụng hành. A Di Đà Phật, ý niệm này hay, hay đến không cách gì nói được, nói không cùng!

Ở trước chúng tôi đã giảng 800 tiếng đồng hồ. Nói không cùng tận, đều nói về công đức danh hiệu không thể nghĩ bàn. Cũng chính là nói ưu điểm của ý niệm này không thể nghĩ bàn, vì sao không niệm? Vì sao không hành trì? Những ý niệm trong tám vạn bốn ngàn pháp môn đều không sánh được ý niệm A Di Đà Phật. Vì thế người dùng A Di Đà Phật làm ý niệm của chúng ta là chân thật đệ tử Phật Di Đà không phải giả. Người này nhất định được sanh Tịnh độ, chắc chắn thấy Phật A Di Đà, lâm chung có nhiều người như vậy đến tiếp dẫn. Kỳ lạ nhất những người này toàn người quen không phải người lạ. Thế nên đến thế giới Cực Lạc không nên sợ hãi rằng, tôi đi một mình nhân sự địa lý xa lạ, điều gì cũng không quen, như vậy quý vị hoàn toàn sai lầm. Quý vị đến đó sẽ thấy Bồ Tát và chúng Thanh văn đều quen biết hết, đều là người có nhân duyên với mình từ trong vô lượng kiếp đến nay. Không có nhân duyên sẽ không theo Phật đến tiếp dẫn quý vị.

/ 600