/ 600
461

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 406

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 11.05.2011

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 506, hàng thứ 6, bắt đầu xem từ hai chữ cuối cùng. Nguyện thứ 22 “Phát bồ đề tâm, yểm hoạn nữ thân, nguyện sanh ngã quốc” bắt đầu xem từ đây.

Ở trên đưa ra bốn nguyện, bốn nguyện trong 48 nguyện là nguyện 18, 19, 21, và 22, đều nói đến nguyện sanh về cõi nước tôi, đều là ý này. Nguyện này vô cùng quan trọng, dù tu có giỏi bao nhiêu, nếu không nguyện vãng sanh, thì nhất định không thể được vãng sanh. Vì thế nguyện sanh là điều kiện tiên quyết để vãng sanh. Trong nguyện này có “phát bồ đề tâm, yểm hoạn nữ thân”, đương nhiên chúng ta vừa xem là biết ngay đây là nói với nữ đồng tu, cũng có người thích nữ thân.

Chúng ta biết Chư Phật Như Lai, chư đại Bồ Tát vĩnh viễn là hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức, xưa nay chưa từng bức bách người nào. Nhưng thế giới Cực Lạc không có nữ thân, đây là nguyên nhân gì? Chắc chắn là Phật A Di Đà khi còn ở nơi nhân địa phát đại tâm như vậy. Ngài đã tham quan vô lượng vô biên quốc độ của Chư Phật, chắc là thấy được có nam nữ ở cùng nhau, hoàn cảnh này sẽ có địa ngục. Nếu không có nam nữ sống cùng nhau hoặc nước này tất cả là nữ giới hay tất cả nam giới thì nơi đây không có địa ngục. Hình như thấy được sự thật này, cho nên tỳ kheo Pháp Tạng liền có sự suy nghĩ, tương lai ngài kiến lập đạo tràng lớn, thế giới Cực Lạc là đạo tràng lớn, trong đó hoàn toàn là thế giới bình đẳng, có nam nữ là không bình đẳng. Cho nên thuần là thân người nam, người nữ vãng sanh về thế giới Cực Lạc đều trở thành thân người nam. Tướng tốt của thân hoàn toàn tương đồng với Phật A Di Đà. Như vậy là sao? Ngạo mạn sẽ không sanh khởi, tự ty cũng không sanh khởi. Đây là hai loại phiền não nghiêm trọng trong vô lượng thế giới, hai loại phiền não này rất khó tiêu trừ. Thế giới tây phương vì sao dễ được thanh tịnh bình đẳng giác, được tâm thanh tịnh, được tâm bình đẳng, giác mà không mê? Chính là ở thế giới đó tất cả đều bình đẳng, chẳng có pháp nào không phải tùy niệm mà sanh.

Thế giới này của chúng ta không biết giới khoa học đã nghĩ bao nhiêu năm, hy vọng giấc mộng này có thể thành hiện thực. Chính là vật chất biến hóa có thể phát sanh tùy theo ý niệm của chúng ta. Nghĩ điều gì liền biến ra điều đó, tự tại biết bao. Nguyện vọng này của các nhà khoa học ở thế giới tây phương Cực Lạc đã thành hiện thực từ lâu rồi. Thế giới tây phương tất cả pháp đều từ tâm tưởng sanh, thế giới này của chúng ta cũng vậy, nhưng thế giới tây phương Cực Lạc thù thắng hơn chúng ta, đích thực vừa nghĩ đến liền hiện tiền. Chúng ta so với thế giới tây phương Cực Lạc khoảng cách còn kém quá xa, nên đọc kinh văn này nhất định phải hiểu, đức Phật A Di Đà không có thiên lệch. Luôn hy vọng xã hội có thể hài hòa, luôn hy vọng tham sân si mạn trong căn bản phiền não có thể tự nhiên tiêu trừ. Trong hoàn cảnh của ngài, ý niệm này không sanh khởi được, tuy phiền não chưa đoạn nhưng không có duyên, không có duyên phiền não không khởi hiện hành, đây chính là điểm hay của ngài.

“Như thị chư nguyện trung”, bốn nguyện ở trước đưa ra. “Giai dĩ phát nguyện hồi hướng, cầu sanh Tịnh độ vi khuyến dã”. Khuyến ở đây tức là nguyện vãng sanh, là Phật Di Đà và Chư Phật vô tận từ bi. Chúng ta phải nên thể hội được ân đức lớn của Chư Phật Bồ Tát đối với chúng ta, chúng ta mới sanh khởi tâm báo ân. Ân đức của Chư Phật Bồ Tát đối với chúng ta, chúng ta hoàn toàn không biết, vô tình biến thành vong ân bội nghĩa, như vậy là có tội.

Ân đức Chư Phật Bồ Tát phổ biến thí cho tất cả chúng sanh trong biến pháp giới hư không giới, bình đẳng thí cho, không phân biệt, không chấp trước. Cảm thọ chúng sanh không giống nhau. Trong Phật pháp nói hàng thượng căn lợi trí, họ thấu triệt. Hàng trung hạ căn cần có người chỉ điểm nói rõ giải thích cho họ thì họ sẽ biết. Đối với hàng hạ ngu thì khó, người tà kiến khó vì họ không tin. Điều này trong nhà Phật có một danh từ gọi là xiển đề tức, đây là tiếng phạn, nghĩa là hạng không có thiện căn. Sao lại nói họ không có thiện căn? Họ không tin. Dù nói có rõ ràng đến đâu, mạch lạc đến đâu họ cũng không tin. Họ không nhìn thấy, nhìn thấy họ mới tin. Đến lúc lâm chung cảnh giới địa ngục hiện tiền họ mới tin, lúc này không còn kịp nữa.

/ 600