Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 404
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên Tập: Minh Tâm
Thời gian: 10.05.2011
Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 503 hàng thứ tư từ dưới đếm lên, bắt đầu xem từ U Khê đại sư. Bắt đầu xem U khê đại sư trong câu thứ nhất.
“U Khê đại sư nhất sanh tu Pháp Hoa, Đại Bi, Quang Minh, Di Đà, Lăng Nghiêm đẳng sám hối vô hư nhật, lâm chung dự tri thời chí, thủ thư Diệu Pháp Liên Hoa Kinh ngũ tự, phục cao xướng kinh đề giả tái, phách nhiên nhi tịch. Như thị tắc tu sám trì kinh, quân thị Tịnh độ hành dã”.
Đây là nói rõ người niệm Phật có thể kiêm tu kiêm trì. U Khê đại sư vãng sanh Tịnh độ. Di Đà Kinh Viên Trung Sao là chú giải của ngài. Học tiểu bổn Kinh Di Đà, có ba loại chú giải quan trọng nhất thời cổ đại, hầu như người tu Tịnh độ chẳng có ai không đọc, đó chính là Sớ Sao của Liên Trì đại sư, Yếu Giải của Ngẫu Ích đại sư, Viên Trung Sao của U Khê đại sư. Hai ngài Ngẫu Ích và Liên Trì chuyên tu Tịnh độ, còn U Khê đại sư ngài kiêm tu sám pháp.
Ngài mỗi ngày lạy Pháp Hoa Sám, Đại Bi Sám, Quang Minh Sám, Di Đà Sám. Lăng Nghiêm Sám, ngài chuyên tu sám pháp khi lâm chung biết trước giờ chết. Tuy tu nhiều sám pháp như vậy nhưng cuối cùng ngài hồi hướng đều là cầu sanh thế giới tây phương Cực Lạc, niệm niệm không quên tây phương, tất cả công đức đều hồi hướng cầu sanh Tịnh độ, đây cũng được xem là nhất hướng chuyên niệm. Vị tổ sư này làm tấm gương sáng cho chúng ta noi theo. Lâm chung biết trước giờ đi. Tự mình không phải viết về A Di Đà Phật, mà viết về Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, còn đọc to đề kinh, lớn tiếng niệm Phật. Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh. Người xuất gia người Nhật Bản, chúng ta thường nghe thấy. Vì chư vị tổ sư Nhật Bản này trong thời nhà Đường đa phần đều là học trò của Thiện Đạo đại sư, và học trò của Trí Giả đại sư. Trí Giả đại sư chuyên tu Pháp Hoa nên tông phái của họ chính là niệm đề kinh. Quý vị đến chùa nghe niệm Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh. Ngài niệm như vậy không phải niệm A Di Đà Phật. Thiện Đạo đại sư truyền lại là niệm Nam Mô A Di Đà Phật. Điều này ở Nhật Bản rất phổ biến, được, chứ chẳng phải là không được. Chỉ cần đem tất cả công đức hồi hướng Tịnh độ.
Phẩm này của chúng ta là tam bối vãng sanh, tất cả có bốn đoạn. Ba đoạn trước là nói về thượng bối, trung bối, hạ bối. Đoạn cuối cùng tu tất cả kinh điển đại thừa, tất cả đều được. Cuối cùng đem tất cả công đức tu học hồi hướng cầu sanh Tịnh độ, tất cả đều được sanh. Đây là pháp môn Di Đà vô cùng thù thắng, vô cùng rộng lớn. Thực tế mà nói chẳng những tu học bất cứ pháp môn nào của Phật giáo có thể sanh thế giới Cực Lạc, mà trong sự tưởng tượng của tôi thì các tôn giáo khác, tức là quý vị đọc Thánh Kinh, đọc Tâm Cựu Ước, đọc Cổ Lan Kinh. Nếu đem công đức sở học một đời của họ hồi hướng cầu sanh Tịnh độ nhất định cũng có thể được sanh. Đây mới là công đức nguyện lực không thể nghĩ bàn của Phật A Di Đà, ngài không phân chia bất cứ tôn giáo nào. Cho nên điều kiện tuyệt đối để vãng sanh, chúng ta nên nhớ: tâm tịnh tức Phật độ tịnh. Bất luận tu pháp môn nào, bất luận tu pháp môn nào chỉ cần tu đến tâm thanh tịnh liền có thể vãng sanh. Tâm tịnh tức Phật độ tịnh, không nhất định phải niệm Phật A Di Đà, không nhất định phải đọc Kinh Vô Lượng Thọ. Pháp môn thù thắng vô cùng, rộng lớn vô biên. Quý vị xem nó bao dung, không có phân biệt, không có chấp trước. Chỉ cần tâm địa thiện lương thanh tịnh, quý vị muốn đến thế giới Cực Lạc ở đó đều thu nhận, đối đãi bình đẳng, không có phân biệt cao thấp. Cho nên tất cả Chư Phật tán thán, điều này chúng ta liên tưởng đến tất cả thiên thần tán thán. Chư Phật tán thán Phật A Di Đà là “quang trung cực tôn, Phật trung chi vương”, tôi tin rằng chư Phật cũng sẽ tán thán ngài là quang trung cực tôn, chư thần chi vương. Tịnh tông thật không thể nghĩ bàn.
Từ đó cho thấy, “phát tâm bồ đề trì danh hiệu Phật. Tuy kiêm tu dư pháp diệc đắc danh vi nhất hướng chuyên niệm”. Nhất hướng chuyên niệm này, hiện tại chúng ta lãnh hội được một cách sâu sắc, chính là một phương hướng chuyên cầu Tịnh độ, đây chính là nhất hướng chuyên niệm. Bất luận tu pháp môn gì tôi chỉ nhất tâm cầu sanh tây phương Cực Lạc, pháp môn nào cũng được, đều có thể thành tựu tâm thanh tịnh và thiện tâm thiện nguyện của chúng ta.