/ 600
544

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 402

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 09.05.2011

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 501, hàng thứ năm, bắt đầu xem từ câu thứ hai. “Tịnh Tu Tiệp Yếu”

“Hựu Tịnh Tu Tiệp Yếu tán niệm Phật pháp môn vân, lục tự thống nhiếp vạn pháp, nhất môn tức thị phổ môn. Toàn thị tức lý, toàn vọng quy chân, toàn tánh khởi tu, toàn tu tại tánh”.

Đây là cư sĩ Hạ Liên Cư tán thán pháp môn niệm Phật trong Tịnh Tu Tiệp Yếu. “Lục tự” chính là Nam mô A Di Đà Phật. “Thống nhiếp vạn pháp”, ở trước đã nói rất tường tận, tất cả pháp mà Đức Thế Tôn nói trong suốt 49 năm, cuối cùng đều quy về một câu danh hiệu này. Tất cả chư Phật Như Lai trong mười phương ba đời đã nói vô lượng vô biên vô tận vô số pháp môn, đến cuối cùng cũng quy về một câu danh hiệu này. Công đức danh hiệu không thể nghĩ bàn.

“Nhất môn” chính là pháp môn Tịnh độ, pháp môn Tịnh độ tức là phổ môn. Nhất môn này thống nhiếp cả tám vạn bốn ngàn pháp môn, vô lượng pháp môn. “Toàn sự tức lý”, sự là chỉ cho việc chúng ta phát tâm niệm Phật, lý là tự tánh, điều này tương ưng với tánh thể, vì câu danh hiệu này là đức hiệu là vô lượng giác của tánh đức, đức hiệu của tất cả chư Phật Như Lai. Như trong Kinh Hoa Nghiêm nói một tức là nhiều, nhiều cũng là một, một và nhiều không phải hai. “Toàn vọng quy chân”, vọng là chỉ cho A lại da, vạn sự vạn pháp đều do A lại da biến hiện ra. Mười pháp giới y chánh trang nghiêm là do A lại da biến ra. A lại da có rời tự tánh chăng? Không. Y chánh trang nghiêm mà A lại da biến ra đều không rời tự tánh, nên giáo môn thường nói “vạn pháp quy tâm”, ngoài tâm không có pháp, ngoài pháp không có tâm. Tâm tánh là lý thể của tất cả vạn pháp, không có lý thể là không có hiện tượng, nên hiện tượng từ trong lý thể hiển lộ ra.

“Toàn tánh khởi tu, toàn tu tại tánh”. Tánh và tu là một, tánh và tu không phải hai. Khi nào chúng ta có thể thấy được chân tướng sự thật này, đó chính là đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, kiến tánh tức là đã thành Phật. Đây là nói sự liên quan giữa danh hiệu Di Đà- pháp môn Tịnh độ và tánh tướng, là một không phải hai.

“Quảng học nguyên vi thâm nhập, chuyên tu tức thị tổng trì”. Hai câu này nói rất hay. Mục đích học rộng là gì? Mục đích là minh tâm kiến tánh, đây mới gọi là thâm nhập. Nếu mục đích học rộng không phải để minh tâm kiến tánh, thì việc học đã bị tạp loạn, càng học càng xa. Cho nên Phật pháp có tám vạn bốn ngàn pháp môn, vô lượng pháp môn, nhưng mục đích sau cùng chỉ có một, là vì minh tâm kiến tánh. Bao gồm chúng ta thành tâm niệm Phật, đây là một phương pháp, là một pháp môn. Mục tiêu sau cùng của pháp môn này cũng là kiến tánh. Nếu mục tiêu học tập sau cùng không phải là minh tâm kiến tánh thì đây không phải Phật pháp, nhất định không phải đại thừa. Điều này chúng ta nhất định phải biết.

Truyền thống học thuật của Trung Quốc gọi là thánh học. Mục đích sau cùng của thánh học là thành thánh nhân. Thấp hơn thánh nhân một bậc là hiền nhân, thấp hơn nữa là quân tử. Như trong Phật pháp gọi Phật Đà, Bồ Tát, A la hán, nó cùng một ý nghĩa. Nếu siêng năng nỗ lực học tập, nhưng vẫn không đạt được mục tiêu sau cùng, như vậy chúng ta đã tu sai. Ở trước nói về việc học Phật rất rõ ràng, mục tiêu học Phật chính là thành Phật. Không thành được Phật cũng phải thành Bồ Tát, như vậy là chúng ta thật sự đã học được. Học được thì như ở trước nói trí tuệ phước đức đã viên mãn. Đức Phật có trí tuệ viên mãn, đức tướng viên mãn, thật sự đã đạt được. Vì sao có thể đạt được? Vì trí tuệ viên mãn, đức tướng cứu cánh trong tự tánh vốn có.

Trong Kinh Hoa Nghiêm Đức Thế Tôn nói: tất cả chúng sanh đều có trí tuệ đức tướng của Như Lai. Đây là thật không phải giả, vì tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đều có pháp tánh. Trong pháp tánh viên mãn đầy đủ, nói Phật tánh là trong pháp tánh vốn đầy đủ trí tuệ bát nhã, không phải cầu bên ngoài, bên ngoài không có. Chúng ta nên tin tưởng sâu sắc không có chút hoài nghi nào. Đức Phật nói ngoài tâm không có pháp, ngoài pháp không có tâm, tâm này chính là tâm tánh, chính là tự tánh. Mục tiêu học Phật sau cùng là minh tâm kiến tánh.

/ 600