Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 401
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Bình Minh
Thời gian: 08.05.2011
Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 501, bắt đầu xem đoạn giữa hàng thứ nhất.
“Hựu Đại Từ Kinh vân, nhất xưng Phật danh, dĩ thị thiện căn, nhập niết bàn giới, bất khả cùng tận”. Văn bên dưới còn rất dài, điều này chứng minh cho chúng ta thấy sự quan trọng của một lòng chuyên niệm Phật A Di Đà. Đây là phương pháp tu học Tịnh độ. Trước tiên phải phát nguyện, dạy chúng ta phát tâm bồ đề. Sau khi phát tâm cần phải niệm Phật, phải một lòng chuyên niệm. Ở đây đưa ra bốn câu kệ kinh văn của Kinh Đại Bi đều là tán tụng công đức niệm Phật vô cùng thù thắng.
Trong kinh nói nhất xưng Phật danh, đây là nói niệm một câu A Di Đà Phật. “Dĩ thị thiện căn, nhập niết bàn giới”, điều này tưởng chừng như rất dễ, trong kinh nói là thật sao? Nhất định là thật nhưng không phải hiện tại, vậy thì khi nào? Khi duyên vãng sanh đã thuần thục. Hiện tại niệm một câu Phật hiệu chính là trồng một chủng tử Phật A Di Đà trong A lại da, như vậy quý vị có duyên với Phật A Di Đà và thế giới Cực Lạc. Kinh điển đại thừa thường nói Phật không độ chúng sanh không có duyên. Khi nào duyên này thuần thục quý vị nhất định được vãng sanh. Sanh đến Tịnh độ là nhập niết bàn giới, niết bàn giới là gì? Chứng được quả Phật cứu cánh viên mãn gọi là niết bàn giới. Không nói là đại bát niết bàn, nhập đại bát niết bàn chỉ gọi niết bàn giới.
Trong Kinh Hoa Nghiêm, Hoa Nghiêm là Viên giáo, sơ trú Bồ Tát là nhập niết bàn giới. Sơ trú Bồ Tát minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật, họ không ở trong mười pháp giới, đương nhiên càng không ở trong lục đạo. Họ ở cõi thật báo trang nghiêm của Chư Phật Như Lai. Tu pháp môn thường đại khái đều đến thế giới Hoa Tạng của đức Phật Tỳ Lô Giá Na. Cõi báo của Chư Phật Như Lai cũng là cõi báo của chính họ. Tự mình chưa tu đến tầng lớp này thì không vào được cõi báo. Từ sơ trú đến đẳng giác đều là niết bàn giới. Cũng như trong Đại Tạng Kinh thường nói 41 vị pháp thân đại sĩ họ là Phật thật chứ không phải giả.
Trí Giả đại sư tông Thiên Thai nói Phật trong mười pháp giới không phải là Phật thật gọi là tương tợ tức Phật, vì sao vậy? Vì họ không dùng chân tâm, họ vẫn dùng tám thức và 51 tâm sở giống như chúng ta vậy, 8 thức và 51 tâm sở là vọng tâm không phải chân tâm. Chúng sanh trong lục đạo dùng 8 thức nhưng dùng sai, hoàn toàn là dùng mặt phụ không phải dùng mặt chánh. Ý muốn nói rằng họ tương ưng với phiền não tâm sở_26 loại phiền não, sáu căn bản phiền não, hai mươi tuỳ phiền não, họ tương ưng với những phiền não này nên họ ở trong luân hồi lục đạo.
Trong tứ thánh pháp giới họ đã buông bỏ phiền não, thông thường chúng ta nói là đã đoạn tận phiền não. Tuy dùng tám thức nhưng họ không tương ưng với 26 loại phiền não này họ tương ưng với 11 thiện pháp. Chúng ta thường nói thuần tịnh thuần thiện là tán thán họ, họ đã thoát ly luân hồi lục đạo không còn lục đạo. Phiền não biến hiện ra lục đạo nên phiền não không có thì lục đạo cũng không. Điều này chúng ta không thể không biết. Lục đạo từ đâu mà có cần phải biết, cần phải rõ ràng. Ngày nay chúng ta khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác, tạo đó là nghiệp gì? Tự mình rất rõ ràng minh bạch. Nếu tương ưng với phiền não tức là nghiệp luân hồi, chúng ta đang chế tạo luân hồi lục đạo, sự việc chính là như vậy. Lục đạo là nghiệp lực do chính mình biến hiện ra không liên quan đến người khác.
Họ thông minh trí tuệ nên buông bỏ những điều này. Sau khi buông bỏ liền tuỳ thuận giáo huấn của Chư Phật Bồ Tát, hành trì theo lời dạy của Chư Phật Bồ Tát. Những điều chư Phật Bồ Tát dạy, họ tin tưởng và lý giải và thật sự có thể thực hành. Thực hành trong sinh hoạt, thực hành trong công việc, thực hành trong việc xử sự đối nhân tiếp vật. Như vậy cảnh giới của họ được nâng cao, nâng cao ở tứ thánh pháp giới trong mười pháp giới như Thanh văn, Duyên giác, Bồ Tát, Phật. Thanh văn, Duyên giác là tiểu thừa. Bồ Tát và Phật là đại thừa. Tuy vẫn dùng bát thức nhưng họ dùng ngay thẳng. Tiêu chuẩn của ngay thẳng chánh trực này là tuỳ thuận giáo huấn của Phật, họ tương ưng với thập thiện nghiệp đạo, tương ưng với tam học lục độ ba la mật của Bồ Tát, nên họ là tịnh độ, còn lục đạo là uế độ, là nhiễm ô. Tứ thánh pháp giới thanh tịnh gọi là tịnh độ, Tịnh độ của Đức Thế Tôn cũng đi đến đây.