Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn nghĩa
Tập 400
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Minh Tuệ
Biên tập: Nguyên Tâm
Thời gian: 07.05.2011
Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong
Chư vị Pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi. Mời xem Đại thừa Vô Lượng Thọ Kinh giải, trang 500. Chúng ta bắt đầu xem từ câu thứ hai, dòng thứ nhất. Nội dung đoạn này là: Chuyên tâm nhất niệm A di đà Phật.
Lại nữa, nếu chấp trì danh hiệu, không cứ rảnh hay bận, không kể động hay tịnh, đi đứng nằm ngồi, đều có thể tu được. Nên biết những điều kinh này dạy, đó là pháp môn ngắn nhất, nhanh nhất. Đọan này nói đến sự thù thắng của pháp môn niệm Phật, phần chú giải kinh này nói rất nhiều, rất sâu sắc, như chúng ta đã biết. Bây giờ chúng ta phải niệm danh hiệu Phật này như thế nào mới như pháp, mới thực sự có công hiệu, đây là điều tất cả cá nhân những người đồng tu niệm Phật muốn hiểu. Công dụng của việc niệm Phật là nhớ nghĩ chân tâm của chúng ta, vậy thế nào là chân tâm? Đó là bồ đề tâm như chúng ta đã giảng phần trước. Phần đề kinh đã nói rõ, đó là tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm giác mà không mê. Giác mà không mê là đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh. Nếu có thể niệm đến độ giác mà không mê, thì công phu đó, theo như Tịnh tông, đó là lý nhất tâm bất loạn. Niệm đến mức thanh tịnh, bình đẳng, đó là sự nhất tâm bất loạn.
Người thực hiện được như thế thì chắc chắn sẽ vãng sinh, nếu như không thể đạt đến mức độ như vậy, ít nhất chúng ta cũng niệm cho đến công phu thành phiến, thế nào là công phu thành phiến? Đó là công phu ở mức độ thấp nhất trong nhất tâm bất loạn, vẫn có hiệu quả, có nghĩa là vẫn được sinh Tịnh độ, khi sinh Tịnh độ thì sẽ thân cận Phật A di đà, ngay trong đời này chắc chắn chứng đắc vô thượng bồ đề, có nghĩa là đời này sẽ thành Phật, đây là mục đích của việc niệm Phật.
Làm sao để niệm đạt đến trình độ có thanh tịnh tâm trong hiện tiền? Một số người bình thường niệm Phật hay hấp tấp, vì trong lúc niệm Phật thấy có nhiều tạp niệm, công phu không sâu, nhiều vọng tưởng, nhiều suy nghĩ, cách rất xa tiêu chuẩn của việc niệm Phật, mà Bồ tát Đại Thế Chí đã dạy cho chúng ta trong kinh Lăng Nghiêm. Bồ tát Đại Thế Chí là vị Bồ tát nhờ niệm Phật mà thành Phật, ngài tu tập pháp môn niệm Phật. Như những gì trong kinh đã dạy cho chúng ta: Phát bồ đề tâm, nhất hướng chuyên niệm. Ngài đã tu tập thành công pháp môn này, thành tựu trong tám chữ đó, ngài đã dạy cho chúng ta: Nhiếp sáu căn, tịnh niệm liên tục, đây là nguyên tắc chỉ đạo cao nhất trong pháp môn niệm Phật.
Nhiếp cả sáu căn có nghĩa là thu hồi tất cả vọng niệm lại một chỗ, dứt khoát không có vọng niệm trong lúc niệm Phật, phải thu nhiếp tất cả sáu căn. Tịnh niệm liên tục, nghĩa là dùng tâm thanh tịnh để niệm Phật, mỗi tiếng, mỗi tiếng không gián đoạn, đó mới gọi là chân niệm Phật. Mới nghe qua ta thấy câu này rất dễ thực hiện, nhưng đến lúc bắt tay làm mới biết độ khó của nó. Vì thế Bồ tát Đại Thế Chí mới hiện thân thuyết pháp, đến thế giới chúng ta đang cư trú, ai biết? Rất nhiều người đồng học biết. Vị tổ thứ 13 Tịnh tông, lão pháp sư Ấn Quang ở núi Linh nhạc, là hiện thân Bồ tát Đại Thế Chí xuất hiện trong thời đại này, cách chúng ta độ sáu, bảy mươi năm, không thể xem là quá xa. Suốt đời ngài tu pháp môn niệm Phật, niệm bằng cách nào? Chúng ta có thể bắt chước được cách niệm Phật của ngài, như những gì Bồ tát Đại Thế Chí đã dạy, đó là “Đô nhiếp lục căn, tịnh niệm tương kế”. Cách làm rất đơn giản, chỉ cần có lòng kiên nhẫn, bền lòng để niệm.
Ở đây nói không kể bận hay rảnh, không cứ động hay tịnh, đi đứng nằm ngồi đều có thể tu được, lúc nào cũng có thể tu. Niệm Phật khi nằm trên giường, được, cũng có thể tu, nhưng khi ngủ ta không nên niệm thành tiếng, vì làm như thể sẽ tổn khí, ảnh hưởng đến sức khoẻ. Tốt hơn hết, khi nằm ta nên niệm thầm, không để thành tiếng, song nhất định phải tuân thủ phương pháp này, nghĩa là danh hiệu Phật có được từ trong tâm, trong tâm đã có Phật, có Phật A di đà. Tiếng niệm Phật phát ra từ miệng thì rõ ràng, vì vậy khi niệm Phật chúng ta không cần quá nhanh, cứ từ từ thì lúc đó bạn mới đạt đến niệm Phật tam muội.
Niệm nhanh quá thì tâm sẽ lan man, không định tĩnh được, mà phải định mới có trí tuệ. Tâm trí lan man chắc chắn là không thể được. Tổ Ấn Quang niệm Phật bằng cách từng chữ, từng chữ một. Chúng ta dùng bốn chữ A di đà Phật, A Di Đà Phật, mỗi chữ như vậy phải niệm cho rõ ràng, thật rõ ràng, rồi nghe lại thật rõ ràng, mình nghe tiếng niệm Phật của mình, nghe thật rõ ràng. Đến câu thứ ba thì không cần tràng hạt, vì dùng nó sẽ gây phân tâm, mà phải dùng tâm để ghi nhớ, tức là nhớ từ câu đầu tiên đến câu thứ mười. Khi niệm đến câu thứ mười bắt đầu niệm lại từ câu đầu tiên đến câu thứ mười, không cần niệm đến câu thứ hai mươi, ba mươi, không cần nhớ như vậy, khi còn sống tổ Ấn Quang đã dùng cách này, rất hiệu quả. Khi bạn niệm Phật sẽ không xen lẫn tạp niệm, không có những vọng niệm, càng niệm càng thấy vui, công phu sâu hơn, càng niệm thì tâm càng thanh tịnh.