/ 600
504

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 399

Chủ giảng: Pháp Sư Tịnh Không

Chuyển ngữ: Minh Tuệ

Biên Tập: Nguyên Tâm

Thời gian: 06.05.2011

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong

 

Chư vị Pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi. Mời xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 498. Niệm Lão đã dẫn tập An lạc và luận Tịnh Độ để nói chúng ta cần tránh ba thứ trái ngược với cửa Bồ đề. Ba thứ đó, chúng ta cần phải rời xa.

Ba loại này, quí vị xem câu đầu, hàng thứ ba trang 498: “Ngã tâm tham trước tự thân”. Đây là câu thứ nhất, vấn đề trong câu này đó là chấp chặt quá, không thể buông bỏ, đây là chướng ngại đầu tiên của những người niệm Phật cầu vãng sinh Tịnh độ. Không thể phủ nhận sự có mặt của thân thể, song chúng ta không nên quá chiều chuộng nó, đã quá chiều chuộng chắc chắn sẽ sinh tham đắm, tham đắm hình thức. Khi đã tham đắm đương nhiên tìm mọi cách phục vụ cho thân thể, làm sao để cách ăn uống, đi đứng đều tương thích với cơ thể để nó được thoải mái, những việc như vậy tất nhiên sẽ phương hại đến đạo nghiệp.

Khi còn tại thế, đức Thế Tôn đã dạy chúng ta, không phải ngài không biết quí trọng thân thể mình, nhưng thân đó phải chịu vất vả để học tập, để giáo hoá chúng sinh. Sau khi diệt độ, để dẫn dắt những đệ tử sau này, Phật dạy: lấy giới làm thầy, lấy khổ làm thầy. Nếu không trì giới, không chịu khổ thì quý vị không cách nào thoát khỏi luân hồi lục đạo, nghĩ như thế là sai lầm, cách nghĩ như thế trong Phật giáo gọi là tâm luân hồi, tất cả những gì tâm luân hồi tạo ra gọi là nghiệp luân hồi. Quý vị học Phật, làm việc thiện, đó gọi là nghiệp thiện của luân hồi, quả báo là sinh vào cõi trời, người, vẫn không ra khỏi luân hồi lục đạo, không thể vãng sinh Tịnh độ, điều này chúng ta phải nắm rõ.

Vậy chúng ta nên cưng dưỡng tấm thân này hay chăng? Không, cách nghĩ như thế cũng không đúng, mà nên nuôi dưỡng nó đúng lí, đúng pháp. Giáo lí Đại thừa cho biết vạn pháp duy tâm, tất cả mọi hiện tượng đều do tâm tạo, thân thể là do tâm hiện, thức biến. Cách nuôi dưỡng nó, đó là cách dưỡng sinh theo như cách nói ngày nay. Muốn dưỡng sinh thì trước hết phải biết dưỡng tâm, vì sao? Thân thể sẽ chuyển biến theo tâm tư, không một thứ gì có thể sánh bằng một tinh thần khoẻ mạnh, khi tinh thần thoải mái thì làm gì có chuyện thân thể không mạnh khoẻ? Làm gì có chuyện đó! Tinh thần không thoải mái mà mong một thân thể khoẻ mạnh là điều không thể, người học kinh Đại thừa phải nắm được tất cả những vấn đề này.

Tinh thần mạnh khoẻ là gì? Đó là tâm thanh tịnh, tâm không phiền não, không có tạp niệm, không ưu tư, không sợ hãi. Tâm địa thanh tịnh, tâm địa bình đẳng, giác ngộ không mê lầm, tâm như thế là tâm mạnh khoẻ nhất. Tâm khoẻ mạnh sẽ kéo theo thân thể mạnh khoẻ, cho dù thân chỉ là hiện tượng vật chất, nhưng nền tảng của hiện tượng vật chất là tâm niệm. Vì thế một tâm niệm tốt thì dù cho thân thể đang nhiễm những độc tố đi nữa, thì tự nó vẫn có thể khôi phục như ban đầu, khôi phục như ban đầu chính là khoẻ mạnh. Bởi thế nhà Phật gọi là tu tâm, bỏ ác làm lành thì bạn kháng cự được tất cả những độc tố. Cải tà qui chánh, thì dù có độc tố nó vẫn khôi phục trở lại bình thường, cải ác tu thiện. Tâm niệm đứng đắn, trạng thái tâm lí tốt nhất, thân tâm mạnh khoẻ, không thể không biết vấn đề này. Bởi thế tham đắm thân thể là một sai lầm, kiểu cưng dưỡng nào cũng không đúng, thân tâm lúc đó trở thành bệnh tật.

Thứ hai: Không an tâm cho chúng sanh, suy nghĩ như vậy cũng không tốt, cần có sự hài hoà, an ổn cho tất cả mọi người trong xã hội. Khi xã hội phát sinh những xung đột, thì những cư dân trong đó sẽ có cảm giác bất an, đây là một xã hội không lành mạnh. Mọi người có sự lo lắng, phiền não, sợ hãi, bất an thì những người đó không lành mạnh. Ta đang khoẻ mạnh, người tu học theo giáo lí Đại thừa vẫn lành mạnh, ta có cần lo lắng cho một xã hội và con người không lành mạnh chăng? Có cần giúp đỡ họ trở lại an toàn? Rất nên. Tại sao? Vì tâm từ bi. Chúng sinh cùng một thể với ta, nếu ta chỉ lo cho thân thể của ta, không quan tâm đến tất cả mọi người, không ngó ngàng đến xã hội, một người như thế cho dù có niệm Phật cũng không thể vãng sinh. Vì sao? Vì họ không có tâm từ bi. Bởi thế người có tâm từ bi là khi gặp người có hoàn cảnh khó khăn, nhất định họ liền chìa tay cứu giúp.

/ 600