Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 398
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Nguyên Tâm
Thời gian: 06.05.2011
Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải trang 496, hàng thứ hai từ dưới lên. Đây là một đoạn, chúng ta đọc từ đây.
Tiếp theo là trích dẫn Tịnh Độ Luận, Tịnh Độ Luận chính là Vãng Sanh Luận. Tâm bồ đề, tức là tâm nguyện thành Phật độ sanh, nhiếp thọ chúng sanh vãng sanh Tịnh độ. Tâm này mới nhìn thì hình như là dễ phát khởi hơn tâm ở trước, nhưng thực ra không như vậy, pháp môn vãng sanh Tịnh độ, thật sự là pháp khó tin. Tín tâm chưa sanh, làm sao có thể phát tâm? Hôm qua chúng ta học đến đây, đây là một đoạn, mà còn vô cùng quan trọng. Tu Tịnh độ là hy vọng duy nhất trong đời này, chính là vãng sanh thế giới Cực Lạc. Nếu không hiểu rõ đạo lý và phương pháp vãng sanh, đời này không tránh khỏi sống uổng phí. Như cơ duyên này, chúng ta có lý do tin rằng, đã từng gặp qua trong vô lượng kiếp quá khứ, đã từng gặp nhưng như thế nào? Quá sơ ý nên đã lơ là, bỏ qua cơ hội này.
Trải qua vô lượng kiếp đến nay gặp lại, nếu như đời này bỏ qua, lại phải trải qua vô lượng kiếp, vô lượng kiếp chịu khổ trong luân hồi sanh tử, nói không bao giờ hết! Nếu chúng ta thấu hiểu chân tướng sự thật, không muốn tiếp tục chịu khổ báo trong luân hồi, chúng ta hạ quyết tâm ngay trong đời này, hy vọng thành tựu, không muốn đợi thêm nữa. Mấy câu này vô cùng quan trọng, nhất định phải phát nguyện thành Phật độ chúng sanh, phải phát tâm này. Tôi chắc chắn phải thành Phật, tôi nhất định phải giúp chúng sanh thoát đau khổ, đây chính là nói độ chúng sanh.
Nếu chúng ta phát nguyện độ sanh, quan trọng nhất là đem pháp môn Tịnh độ, giới thiệu cho những chúng sanh có nhân duyên, thì trong một đời họ có thể thành tựu. Nhân sinh đau khổ nhưng rất ngắn ngủi, mấy mươi năm thời gian trôi qua như một cái khảy móng tay, chỉ có đến lúc về già mới có cảnh giác sâu sắc. Tôi đã sống 85 năm, hồi ức chuyện ngày xưa giống như ngày hôm qua vậy, thật là một khảy móng tay thì hơn 80 năm trôi qua, con người còn có 80 năm ư? Không thể. Thấu hiểu những sự thật chân tướng này, quý vị sẽ thật sự nắm bắt thời gian, dõng mãnh tinh tấn. Cơ duyên thù thắng này không thể lại để mất đi.
Trong đoạn kinh văn này, nói đến phát nguyện thành Phật độ sanh, như ở trước Tịnh Độ Luận nói: ba loại tâm bồ đề đến rất dễ. Ở trước nói: trực tâm, thâm tâm, đại bi tâm. Ở đây chỉ nói: Tôi nguyện thành Phật, tôi nguyện độ chúng sanh. Thật ra nguyện thành Phật độ sanh chính là tâm vô thượng bồ đề, điều này không phải giả. Nên ông nói trên thực tế không như vậy. Vì sao? Tịnh độ vãng sanh, thực tế là pháp khó tin. Khó tin, tức là chưa có thể thật sự tin, vậy làm sao có thể phát tâm? Điều này chứng minh, phát tâm không phải là việc dễ, nhưng chúng ta nhìn thấy rất nhiều ông bà cụ ở nông thôn, vừa khuyên họ niệm Phật họ liền tin ngay. Nói thế giới tây phương tốt, họ thật sự muốn đi, liền phát tâm đi, khi vãng sanh đoan tướng hy hữu. Phật Di Đà đến tiếp dẫn, họ thật đã vãng sanh! Như vậy là sao?
Chúng ta phải hiểu, đây không phải ngẫu nhiên. Không phải mỗi ông bà cụ ở nông thôn đều có thể vãng sanh, cũng là trong ngàn vạn người được một người. Đây là trong quá khứ từng tu học pháp môn này, công phu đều không tệ, khi lâm mạng chung chỉ sai một niệm không được vãng sanh. Một niệm sai lệch này chính là tình chấp khó đoạn, không nỡ từ bỏ gia thân quyến thuộc. Chỉ cần có niệm này khởi lên, Phật A Di Đà đã ra đi, không tiếp dẫn quý vị, người tu Tịnh độ phải chú ý đến điều này, lúc nào buông bỏ? Bình thường rất lãnh đạm, khi lâm chúng không sợ hãi. Bình thường tình chấp rất nặng, khi lâm chung không bảo đảm, có yêu thương người nhà chăng? Rất yêu, vãng sanh đến thế giới Cực Lạc là thật sự yêu thương. Tạm thời buông bỏ thân tình, đến thế giới Cực Lạc, gia thân quyến thuộc của quý vị, bất luận luân lạc trong đường nào, quý vị đều thấy rất rõ ràng. Khi nào họ được độ, nhân duyên thành thục thì quý vị đến giúp họ. Được độ nhân duyên thành thục, chân tín, chân nguyện và thật sự buông bỏ, chính là ba điều kiện này. Thiếu một trong ba điều kiện này đều không được, nên nhớ sau cùng là thật sự buông bỏ.