Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn nghĩa
Tập 397
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Nguyên Tâm
Thời gian: 05.05.2011
Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi. Mời quý vị xem “Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải” trang 494, bắt đầu xem hàng thứ tư từ dưới lên, chữ cuối cùng.
Khi đại sư Huệ Năng còn chưa xuống tóc, chỉ là một người làm việc nặng nhọc trong chùa. Nhưng ngài vừa phát tâm này, liền đốn chứng địa vị tổ sư. Như trong Bồ Đề Tâm Luận nói: nếu tu chứng xuất hiện, sẽ làm đạo sư của tất cả trời người. Chưa rời khỏi tòa, nhưng đã viên thành tất cả Phật sự. Hoàng Niệm Tổ đưa ví dụ về lục tổ Huệ Năng để làm chứng minh. Do đây mà biết, buông bỏ khởi tâm động niệm, phân biệt chấp trước tức là chân thật phát tâm bồ đề. Tâm này vừa phát thì phàm phu liền trở thành Phật, vì sao? Ngài đã buông bỏ.
Phật là bổn lai Phật, vốn đã là Phật. Chúng ta chính là vì khởi tâm động niệm, phân biệt chấp trước chướng ngại. Phật vốn không mất đi, là Phật thật không phải Phật giả, sự lý này cần phải rõ ràng minh bạch, khẳng định mình vốn là Phật nhưng vì có chướng ngại, đây gọi là mê chướng. Phật không mất đi, đích thực vốn là Phật. Trong Kinh Hoa Nghiêm Đức Phật nói, do vì vọng tưởng chấp trước mà không thể chứng đắc. Vọng tưởng chính là khởi tâm động niệm, phân biệt chấp trước, chúng ta biến thành phàm phu, chúng ta buông bỏ hết những điều này liền được thành Phật.
Ngài Huệ Năng trong hội của Ngũ Tổ nhất thời đốn xả nên liền đốn ngộ, đốn chứng. Ngài khai ngộ chứng được quả vị, hoàn toàn tương đồng với những gì Đức Thế Tôn chứng được dưới cây bồ đề, đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh. Thế nên tâm này vừa phát, một người làm việc nặng trong chùa_Bây giờ chúng ta gọi là làm công quả_tâm này vừa phát lập tức thành Phật. Điều này lấy trong Bồ Đề Tâm Luận, đoạn này ở trước chúng ta đã đề cập đến. “Tu chứng xuất hiện”, tu_Ý của chữ tu này chính là chuyển đổi, ý niệm vừa chuyển, đây gọi là tu, ngài liền có thể chứng được. Xuất hiện điều gì? Tâm bồ đề xuất hiện, chân tâm xuất hiện, ngài liền có thể làm đạo sư của tất cả trời người.
“Bất khởi ư tọa” là nói ngài nhanh chóng có thể thành tựu tất cả Phật sự, Phật sự này chính là đại sự giáo hóa chúng sanh. Sau khi Đức Thế Tôn khai ngộ, ngài dạy học suốt một đời, nên dạy học là Phật sự, làm tấm gương tốt cho tất cả chúng sanh, tấm gương như thế nào? Tấm gương giác ngộ, không phải gương mê hoặc, gương giác ngộ là Phật sự, đây là đưa ra một chứng cứ rất tốt.
“Bồ đề tâm, hồi xuất phàm tình”, hồi là xa, siêu việt, vượt xa khỏi phàm tình. “Công dụng nan tư”, công đức và tác dụng của nó thật không thể nghĩ bàn. Tâm tánh như vậy, gọi là pháp thân, hay nói cách khác tâm bồ đề hiện tiền, chính là chứng được pháp thân. Đại sư Huệ Năng là pháp thân đại sĩ, pháp thân đại sĩ chính là Phật. Thế nên “thị Phật đạo chi bổn thể, danh vi bồ đề” đem thể của bồ đề, danh xưng của bồ đề nói ra, đây là pháp thân bồ đề. Bên dưới nói về báo thân.
Pháp thân vốn đầy đủ chính là tánh đức, không phải do tu thành, là tánh đức. “Tu đức hữu công, tánh đức phương hiển”, nên nhớ tu đức chính là buông bỏ nghiệp chướng chứ không có gì khác, tất cả đều đang buông bỏ, buông bỏ tánh đức liền hiện tiền. Nếu tu đủ vạn hạnh, công đức trang nghiêm, chứng được quả vị báo thân Phật. Tánh đức hiển lộ còn cần tu nữa chăng? Cần phải tu, ý nghĩa của tu là gì? Tu là làm gương cho người khác noi theo. Nếu không tu mà thành Phật, mọi người nghĩ quý vị không tu, tôi cũng có thể không tu, như vậy tôi cũng có thể thành Phật, nếu không quý vị thử xem.
Đức Thế Tôn đại triệt đại ngộ, ngài nói pháp môn Tứ Diệu Đế cho năm anh em Kiều Trần Như trong vườn Lộc Uyển_Pháp tiểu thừa, pháp thiên nhân, mà còn làm ra tấm gương của tiểu thừa. Một tỳ kheo của tiểu thừa, mỗi ngày đi khất thực, đi hành hóa, trì giới, tu định, giảng kinh, giáo hóa, làm ra tấm gương như vậy, oai nghi hữu tắc, làm tấm gương tốt cho mọi người.
Công đức trang nghiêm, chứng được quả vị báo thân Phật. Báo thân viên minh cụ đức, thông đạt vô ngại. Viên là viên mãn, minh là quang minh, đầy đủ vạn đức vạn năng. Thông đạt vô ngại là lý sự vô ngại, sự sự vô ngại, đây gọi là “Viên thông vô ngại”, gọi là “báo thân bồ đề”, đây là loại thứ hai. Loại thứ ba là từ báo thân xuất hiện hóa thân, đây là biến hóa. “Tùy cơ hóa hiện, diệu dụng vô cùng”, tác dụng này là đối với chúng sanh, vô lượng vô biên chúng sanh có duyên trong mười phương thế giới.