/ 600
520

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn nghĩa

Tập 396

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Nguyên Tâm

Thời gian: 05.05.2011

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi. Mời quý vị xem “Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải”, trang 493, bắt đầu xem hai câu sau cùng hàng thứ năm từ dưới lên, hàng thứ năm từ dưới lên. “Nhược năng nhất phát thử tâm”, bắt đầu xem từ đây.

Nếu có thể phát tâm này, lập tức đoạn tận được sanh tử trầm luân của vô lượng kiếp đến nay. Đây là khuyên chúng ta tu học Tịnh độ, cầu nguyện vãng sanh, điều kiện đầu tiên chính là phát tâm bồ đề. Bồ đề là tiếng Phạn, dịch thành tiếng Trung quốc có nghĩa là giác ngộ, tức là tâm bình thường này của chúng ta mê hoặc điên đảo, mê mà không giác, chúng ta ngược lại phải cầu giác ngộ. Giác ngộ, ở trước nói rất hay, trong phần phát tâm nói rất hay. Đặc biệt là trong Quán Kinh, Thiện Đạo đại sư chú giải về hai loại tín tâm. Tín này chính là giác ngộ, nói vô cùng hay.

Điều giác ngộ thứ nhất, phải khẳng định mình là phàm phu, phải thừa nhận mình đã tạo rất nhiều tội nghiệp. Thừa nhận chúng ta mới có thể sám hối, mới có thể sửa đổi. Thứ hai phải thâm tín Phật A Di Đà phát 48 nguyện là để độ chúng ta, phải thừa nhận như vậy mới được, gọi là trực tiếp chịu trách nhiệm. Phật A Di Đà kiến lập thế giới tây phương Cực Lạc là vì chúng ta, vì chúng ta mà kiến lập một đào tràng tu học vô cùng lý tưởng. Không phải vì người khác, cần phải nghĩ như vậy, quan hệ của chúng ta với Phật A Di Đà và thế giới Cực Lạc sẽ vô cùng mật thiết. Chúng ta với Phật là người một nhà, chúng ta với thế giới Cực Lạc là một gia đình, như vậy thì làm gì có chuyện không vãng sanh, làm gì có đạo lý không thành công! Không được nghĩ lệch lạc, Phật A Di Đà kiến lập cho người khác, không có phần tôi. Như vậy đời này dù chúng ta tu như thế nào cũng không thể thành công, nên tín tâm rất quan trọng.

Tâm này vừa phát liền có thể khoảnh tận, khoảnh tận chính là đoạn tận, đoạn tận điều gì? Sanh tử từ vô thỉ đến nay. Chúng ta bị luân hồi sanh tử trong lục đạo không bao giờ dứt, khổ không sao nói hết.

Hai năm nay, ở Cam Túc xảy ra việc này, mọi người đều đã biết. Quý vị xem, ông Cao viết ra bộ sách này. 2100 năm trước, Khải Tát đại đế của đế quốc La Mã, phái đội quân đến xâm lược Trung quốc, muốn chiếm lĩnh Trung quốc, không ngờ đây cũng là kiêu binh tất bại, vì sao? Quân đội của đế quốc La Mã lúc đó vô cùng hùng mạnh, ở Âu Châu chưa từng bại trận, nên coi thường người Trung quốc. Đặc biệt thân người Trung quốc nhỏ bé, còn họ người cao ngựa lớn nên xem thường người Trung quốc. Khi đến Trung quốc đánh trận đầu tiên, họ bị chết hết 9000 người. Không ngờ người Trung quốc biết bố trận, người Trung quốc cũng có phương pháp đánh trận, kết quả toàn quân sa vào tay Trung quốc_rất đáng thương, chết ở Cam Túc. Khải Tát đại đế gặp một lần chính biến, ông bị ám sát. Thật ra bị ám sát không phải là ông, là vệ sĩ thân cận mang y phục ông bị giết, còn ông nhân lúc loạn lạc trốn đi và cũng chạy đến Trung quốc. Tìm được đứa con trai, thì cũng chết ở Cam Túc. Ông đến Trung quốc sống thêm 11 năm nữa thì mất.

Nên đứa con trai thứ ba của Khải Tát, còn có một cô công chúa, phu nhân của ông, đều chết ở Trung quốc. 2100 năm trước, nay hồn ma của họ vẫn còn nhập vào người khác, vẫn đang nói về câu chuyện này. Điều này nói lên điều gì? Chúng ta phải cảnh giác rằng con người không chết, chết chỉ là thân thể, linh hồn của quý vị không chết. Thế nên thân thể không quan trọng, linh hồn này mới quan trọng.

Thật ra mà nói linh hồn nó không linh, nếu linh thì dễ bàn luận. Nên Khổng tử không gọi nó là linh hồn, mà gọi nó là du hồn. Dịch Kinh, Hệ Từ Truyện là Khổng tử viết. Trong Hệ Từ Truyện nói “du hồn vi biến, tinh khí vi vật”. Hai câu này nói gì? Vật chính là vật chất, vật chất là điều gì biến ra? Tinh khí biến ra. Vật chất là vật lý, tinh khí là tâm lý. Lúc đó, thời đại của Khổng tử, Phật giáo chưa đến Trung quốc, nhưng ông nói đạo lý này hoàn toàn giống như trong kinh đại thừa. Đây là những gì cổ nhân nói, cái thấy biết của bậc anh hùng đa phần giống nhau. Họ đều là thánh nhân, không gặp mặt, không tiếp xúc nhưng những gì họ nói ra đều giống nhau. Đây là gì? Chân lý không bao giờ thay đổi.

/ 600