Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn nghĩa
Tập 395
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Nguyên Tâm
Thời gian: 04.05.2011
Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi. Mời quý vị xem “Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải” trang 491 hàng thứ hai từ dưới lên, bắt đầu xem từ chỗ phát tâm bồ đề.
Phát tâm bồ đề tâm, một lòng chuyên niệm, Phật A Di Đà. Câu kinh văn này vô cùng quan trọng, “thử vi toàn kinh chi cương tông” cương là cương lĩnh, tông là tông yếu, cũng chính là câu nói quan trọng nhất trong toàn bộ kinh. “Dĩ tường luận ư minh tông chương hỷ” trước đó khi nói về đại cương, có đề cập đến Kinh Di Đà Yếu Giải. Lấy tín nguyện trì danh làm tông chỉ của tiểu bổn kinh Di Đà, chú giải kinh này lấy phát tâm bồ đề, một lòng chuyên niệm làm tông chỉ. Ý nghĩa hoàn toàn tương đồng như trong tiểu bổn Kinh Di Đà nói, nên tôn chỉ của nó giống nhau.
“Tín nguyện tức Quán Kinh trung chi tam tâm” trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật nói ba loại tâm, ba loại tâm này chính là tâm bồ đề. Thứ nhất là chí thành tâm, thứ hai là thâm tâm, thứ ba hồi hướng phát nguyện tâm. Căn cứ ý nghĩa trong Tứ Thiếp Sớ, Tứ Thiếp Sớ là Thiện Đạo đại sư trước tác, cũng chính là căn cứ vào ý của Thiện Đạo đại sư nói. Thứ nhất, tâm chí thành, cũng chính là tâm chân thật, chính là chân tâm. Tâm mà người thế gian thường dùng là vọng tâm, hư ngụy, không thật. Chúng ta học Phật nhất định phải dùng chân tâm, vì sao? Phật pháp là từ trong chân tâm hiển lộ ra, không thông qua con đường tư duy. Tư tưởng của chúng ta là đệ lục ý thức, không phải chân tâm. Tình chấp của chúng ta như lo lắng, đây là tác dụng của đệ thất Mạt na thức, cũng không phải chân tâm, những thứ này đều là vọng tâm.
Dùng vọng tâm chính là luân hồi lục đạo, vọng tâm là tâm luân hồi lục đạo. Dùng chính đáng, hoàn toàn nghe theo giáo huấn của Phật, y giáo phụng hành, nhưng họ không phải chân tâm. Quả báo đạt được chính là tứ thánh pháp giới, phân bốn cấp: Thanh văn, Duyên giác, Bồ Tát, Phật, đều không phải dùng chân tâm. Cũng chính là nói, họ không có phát tâm bồ đề. Thật sự phát tâm bồ đề, chắc chắn sẽ vượt ra, vượt ra ngoài tứ thánh pháp giới. Cũng chính là vượt ra khỏi Thanh văn, Duyên giác, Bồ Tát, Phật, hạng người nào? Trong các bậc cổ đức, như Đàm Loan, Thiện Đạo, Vĩnh Minh, Trí Giả, những vị này đều đã siêu việt. Thiền tông như lịch đại chư vị tổ sư, họ đều dùng chân tâm, chân tâm vượt ra mười pháp giới, không phải chỉ siêu việt lục đạo.
Chúng ta có chân tâm, nhưng không phát khởi, nếu thật sự phát khởi, chúng ta cũng có thể vượt ra khỏi như vậy. Thế nên trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta nên sống bằng tâm chân thành, dùng tâm chân thành để xử sự đối nhân tiếp vật. Người khác dùng tâm hư vọng đối đãi chúng ta, chúng ta dùng chân tâm đối đãi người, vì sao? Chúng ta không muốn tiếp tục trôi lăn trong luân hồi lục đạo. Tâm hư ngụy chính là tám thức 51 tâm sở, nhất định phải biết đây là tâm luân hồi. Tùy thuận phiền não tập khí, tức là tạo nghiệp luân hồi. Chúng ta dùng tâm chân thành, không còn tạo nghiệp luân hồi nữa, hy vọng đời này vĩnh thoát luân hồi, ý chính là như vậy, điều này không thể không biết.
Thứ hai là thâm tâm, thứ ba là hồi hướng phát nguyện tâm. Chí thành tâm là thể, lý thể của chân tâm, hai loại sau là tác dụng của chân tâm, vì sao tác dụng là hai loại? Một cái là tự thọ dụng chính là chân thành tâm đối với chính mình gọi là thâm tâm. Chân thành tâm đối với người khác gọi là hồi hướng phát nguyện tâm. Đây là khởi dụng, từ thể khởi dụng.
Trong Tứ Thiếp Sớ nói: “Nhị thâm tâm giả, thâm tín tâm dã” điều này nói rất hay. Thâm tín, thâm tín có hai: Thứ nhất quyết định thâm tín, vì tự thân hiện là tội ác sanh tử phàm phu, điều này nhất định phải tin. Chúng ta khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác_Trong Kinh Địa Tạng nói rất hay: Chúng sanh trong cõi Diêm phù đề, là nói người trên địa cầu này, không có gì không phải nghiệp, không gì không phải là tội, nhưng tự mình không hay biết, vì sao là tôi nghiệp? Khởi tâm động niệm là sai. Chân tâm không những không có chấp trước, không có phân biệt, đến khởi tâm động niệm đều không có, đây là chân tâm. Khởi tâm động niệm là mê gọi là vô minh, như vậy là sai. Vô minh là hoàn toàn không biết gì về chân tướng của nhân sinh vũ trụ, nên nói là mê hoặc điên đảo. Chúng ta thấy sai và nghĩ sai đối với mọi hiện tượng, kiến giải và ý tưởng đã sai, do đó quý vị nói sai, làm cũng sai, gọi là tạo nghiệp. Thấy sai, nghĩ sai gọi là mê hoặc. Ngôn ngữ, hành vi gọi là tạo nghiệp, tạo nghiệp gì? Tạo nghiệp luân hồi lục đạo.