Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 387
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Minh Tuệ
Biên tập: Bình Minh
Thời gian: 30.4.2011
Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong
Chư vị Pháp sư, quí vị đồng học, mời ngồi. Mời xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 478, hàng thứ năm từ dưới đếm lên, bắt đầu từ xem từ câu thứ hai: “Phần trên nói rõ nhất niệm”, chúng ta đã học rồi. “Dưới đây sẽ nói về tịnh tín”, đây là câu đầu tiên giải thích kinh văn, từ “nhất niệm tịnh tín” đến “chí tâm nguyện sanh”. Chú giải của Hoàng Niệm Lão, chúng ta tiếp tục đọc đoạn dưới.
Di đà sớ sao viết: Tín tức tâm tịnh. Luận Thành Duy Thức viết: Tín, là nói đức năng chân thật, từ bỏ lạc dục, lấy tâm tịnh làm tánh.
Ý của đoạn này rất sâu sắc, những cuốn kinh luận lớn của Phật giáo thường nói: “Tín là mẹ của các thứ công đức, có thể nuôi lớn gốc thiện”. Vì vậy lòng tin rất quan trọng, nó là cội nguồn của đạo lớn, mẹ của các công đức. “Mẹ”, mang ý nghĩa có thể sinh sản, cả câu muốn nói: Lòng tin có thể sản sinh ra vô lượng vô biên công đức, nếu đánh mất niềm tin thì không còn gì để nói. Xã hội ngày nay, chúng ta thường nghe câu nói: Nguy cơ đổ vỡ niềm tin, con người đã đánh mất niềm tin của mình. Nói cách khác, con người đã đánh mất niềm tin. Nếu nói theo ngôn ngữ Phật pháp thì một khi con người đã đánh mất niềm tin của mình, thì địa cầu cũng tận diệt theo, vấn đề này đức Phật đã nói rất cụ thể. Ngày nay chỉ có một số người hiểu được đó là những nhà khoa học lượng tử. Nếu chúng ta đem kinh Phật ra để trình bày thì họ sẽ hiểu được, điều đó tôi khẳng định. Nếu lòng tin đã không còn thì địa cầu sẽ bị huỷ diệt.
Đức Phật đã nói với chúng ta về năm thứ độc, không những làm hại thân thể mà còn huỷ diệt quả địa cầu nữa. Năm thứ độc đó là: Tham, sân, si, mạn, nghi. Nghi tức là không tin, không có niềm tin. Những gì lòng tham mang lại đó là những thiên tai về nước, ngày nay ở đâu cũng có thiên tai về nước, nguyên nhân của vấn đề này là ở đâu? Nguồn gốc của nó chính là lòng tham, nó kéo theo những thiên tai về nước, nước biển dâng, sông hồ lũ lụt. Tính giận dữ mang lại những thiên tai về lửa, núi lửa tuôn trào, nhiệt độ địa cầu tăng lên, vấn đề này ngày nay được giới nghiên cứu cho là hiện tượng vật lí, nhưng Phật giáo lại cho đó là hiện tượng tâm lí. Rốt cuộc hai hiện tượng này thì hiện tượng nào quan trọng? Quan trọng là tâm lí, vì sao vậy? Vì có tâm lí rồi mới có vật chất. Vấn đề này, nhà triết học người Đức, Max Planck đã đề cập đến, bây giờ đã bước sang thế kỉ khác, Max Planck là thầy của Einstein. Trong số môn đệ của ông có một học trò kiệt xuất, suốt đời ông này nghiên cứu nguyên tử, lượng tử, ông ta có một phát biểu rất quan trọng và hoàn toàn tương đồng với kinh Phật, ông ta cho rằng căn cứ vào nghiên cứu nguyên tử trong suốt cuộc đời rằng: Về cơ bản, không có cái gọi là vật chất trên đời này. Vật chất từ đâu mà có? Suy cho cùng, vật chất từ đâu mà có? Nó được sinh ra bởi ý niệm, nền tảng của vật chất là ý niệm. Khái niệm này hoàn toàn tương đồng với Pháp tướng tông của Đại thừa.
Pháp tướng tông, pháp tướng là một môn tâm lí học, giống đại học.
Tôi học Phật, thầy Đông Phương Mỹ đã giảng cho tôi về Pháp tướng tông, ông bảo Pháp tướng thuần tuý là một môn triết học. Pháp tướng tông đề cập đến sự khởi nguyên của vũ trụ và khởi nguyên của bản ngã. Phật pháp nói y báo và chánh báo. Chánh báo không phải nói về động vật, chánh báo là gì? Chánh báo là ta, ta từ đâu mà có. Ngoài chánh báo là ta, tất cả những thứ xung quanh đều là y báo của ta, những thứ cần nương tựa khi ta sống, những thứ ta cần nương vào khi sống là thân thể, con người, môi trường. Giống như Phật, Bồ tát là y báo của ta, ta là chánh báo, Phật Bồ tát là một loại trong y báo của ta, tất cả các động vật, tất cả chúng sanh hữu tình là một bộ phận trong y báo của ta. Ngoài những thành phần đó ra còn một bộ phận vật chất, vật chất bao gồm cỏ cây hoa lá, sơn hà đại địa, một bộ phận hiện tượng tự nhiên nữa, chia môi trường sống chúng ta thành ba loại, ba bộ phận lớn. Quí vị nghe Hoàn Nguyên Quán nói: Hiển nhất thể, sinh mạng là một thể cộng đồng. Phật pháp cho rằng đó là tự tánh, chân như, bản tánh. Tổ tiên của chúng ta cũng nói là bổn tánh. Quí vị xem câu đầu tiên của Tam tự kinh: “Nhân chi sơ, tánh bổn thiện”. Tánh vốn thiện, tánh mới là cội nguồn của vạn sự vạn vật trong vũ trụ. Phật pháp nói rất cụ thể về tánh, ngày nay các nhà khoa học đã chứng minh điều này. Song nhà khoa học nói không cụ thể bằng Phật pháp, vì sao vậy? Vì họ chưa kiến tánh. Sở dĩ ngày nay họ phát hiện ra tánh, tức là khởi nguồn của thể tánh, giống như bản thể của nhà triết học nói, đã tìm ra được bản thể của vật chất. Vật chất từ đâu mà có? Từ ý niệm. Max Planck cho rằng ý niệm là cơ sở của vật chất.