/ 600
555

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 386

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Minh Tuệ

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 28.4.2011

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quí vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giảng, trang 478, hàng thứ hai, bắt đầu từ câu cuối cùng, xem từ hai chữ sau cùng.

Sớ sao nói rằng: “Vãng sanh tịnh độ, cần có lòng tin, nghìn người tin có nghìn người vãng sanh, vạn người tin có vạn người vãng sanh, tin danh hiệu Phật, chư Phật đến cứu, chư Phật hộ trì, tâm luôn nhớ Phật, miệng thường niệm Phật, thân thường kính Phật, mới gọi tin sâu, tuỳ ý sớm hôm, cuối cùng không còn ở cõi Diêm phù đề, chỉ có phát lòng tin là thiết yếu nhất.”

Trong Di Đà Kinh Sớ Sao, những lời này của đại sư Liên trì rất quan trọng, có thể nói hoàn toàn tương đồng với bản kinh Vô Lượng Thọ đang nói đây. Niệm Phật, thật sự cầu sanh Tịnh độ, dứt khoát phải có niềm tin vững chắc, có niềm tin như vậy rất khó, thực tế không dễ dàng chút nào. Muốn có lòng tin này, phải là một người có phước báo lớn nhất thế gian, vì sao vậy? Vì trong đời này quí vị đã làm Phật. Nói chuyện làm Phật, pháp thế gian hay xuất thế gian đâu có bảo dễ? Đến đỉnh điểm đấy. Phật là bậc đầy đủ phước huệ, khi ta tụng bài Tam qui: “Qui y Phật, nhị túc tôn”, thứ nhất là trí tuệ đầy đủ, thứ hai là phước báo đầy đủ, bậc đầy đủ phước và huệ, túc ở đây là đầy đủ, có nghĩa tròn đầy. Nếu không phải là bậc đại trí tuệ, đại phước đức, họ sẽ không tin. Thực sự tin tưởng, quí vị thử xem những người nông dân vất vả ở nông thôn, có khi mù chữ, nhưng họ có niềm tin vững chắc, quí vị nói là họ tin, họ thành thật niệm, cuối cùng khi quí vị thấy họ vãng sanh được tự tại, được thong dong, đi làm Phật, chúng ta không thể coi thường họ. Đó là những người có phước báo, có trí tuệ lớn nhất thế gian, nên pháp này gọi là pháp khó tin.

Ai là những người khó tin, là phần tử trí thức. Hàng thượng trí hạ ngu đều dễ dàng, hàng thượng trí chỉ nghe là họ hiểu và tin ngay. Hàng hạ ngu như bà lão chẳng hạn, bà không hiểu một thứ gì nhưng trong quá khứ bà đã có thiện căn phước đức, khi gặp nhân duyên, quí vị nói với họ, họ tin ngay. Người thợ hàn mù chữ, nhưng anh ta tin, anh ta kiên trì niệm trong ba năm liền được vãng sinh, đứng vãng sanh. Khi vãng sanh còn đứng ba ngày chờ hòa thượng đến lo hậu sự cho.

Việc vãng sanh của Pháp sư Tu Vô ở chùa Cực lạc, ngài xuất thân từ một người thợ hồ mù chữ, khi vãng sanh rất thong dong. Chùa Cực lạc vừa mới làm xong, pháp sư Đàm Hư là người có nhân duyên rất sâu sắc với Hongkong, những năm cuối đời ngài thường đến Hongkong. Như pháp sư Sướng Hoài, Đại Quang, đều là học trò của ngài, khi chùa vừa xây xong, ngài làm trụ trì, pháp sư Định Tây làm tri sự. Khi đạo tràng đã lập xong, việc đầu tiên ngài muốn thực hiện là mở giới đàn, thỉnh Lão hoà thượng Đế Nhàn làm hoà thượng đắc giới, tất nhiên việc mở giới đàn cần rất nhiều người góp sức, sư Tu Vô là người ngoài đến, thầy phát tâm làm công quả tại đạo tràng, thầy được cắt cử làm người coi sóc bệnh nhân. Lúc đó giới đàn kéo dài ba tháng, trong ba tháng đó, một số người khó tránh khỏi ốm đau lặt vặt, cần có người săn sóc, thầy bèn phát nguyện đảm đương công việc đó, làm rất chăm chỉ. Song không bao lâu, thầy thưa với hoà thượng xin nghỉ, thầy muốn ra đi. Pháp sư Đàm Hư là một người rất đức độ, việc đi hay ở của người xuất gia là tự do, không có ý kiến gì. Nhưng pháp sư Tây Định không có định tâm như lão hoà thượng, bèn trách cứ thầy: Thầy là người xuất gia mà không kiên nhẫn, giới đàn chỉ chín mươi ngày, sao thầy lại bỏ đi? Thầy Vô Tu trả lời: Tôi không phải đến nơi khác, mà tôi đến thế giới Cực lạc. Hai vị hoà thượng vừa nghe, hoảng hốt: Đến thế giới Cực lạc, lúc nào đi? Không quá mười ngày. Nói rồi thỉnh những vị thường trú tăng chuẩn bị cho thầy hai trăm cân củi để làm lễ trà tì. Đến hôm sau thầy lại đến tìm hoà thượng, bạch hoà thượng: Ngày mai con sẽ đi. Mọi người lại gấp rút giúp sư lo hậu sự. Quả thực đến hôm đó sư đi thật, mấy người niệm Phật giúp sư vãng sanh, những người niệm Phật thấy sư rất tự tại, vẫn cứ ngồi trên giường, họ thưa: Bạch thầy, thầy đến thế giới Cực lạc, xin để lại cho chúng con bài thơ hay vài câu kệ làm kỉ niệm. Sư nói với mọi người: Cả đời tôi vất vả, xuất gia cực khổ lắm, toàn làm việc nặng nhọc mà lại mù chữ, không biết làm thơ, không biết viết kệ, sau cùng tôi chỉ nói một câu rất chân thành với tất cả mọi người để quí vị làm kỉ niệm. Thầy đã nói gì? “Nói được mà không làm, đó không phải là chân trí huệ”. Chỉ để lại một câu như thế để mọi người làm kỉ niệm. Ngày giới đàn khai giới, pháp sư Đế Nhàn cũng có mặt, thấy thầy như thế, ngài hoan hỉ lắm, khen: Đây mới là tấm gương sáng nhất của người xuất gia, trong sáng như thế, tự tại như thế, cả đời không biết một thứ gì ngoài một câu A Di Đà Phật, kinh cũng không tụng, chỉ một câu A Di Đà Phật. Sau khi xuất gia, ở trong chùa, việc người khác không chịu làm sư vẫn làm, đó là tu khổ hạnh.

/ 600