/ 600
661

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 388

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Minh Tuệ

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 01.05.2011

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong


Chư vị Pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quí vị xem Đại thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 479, bắt đầu xem từ hàng thứ sáu.

“Tổng quan chư kinh luận, Sớ sao nói: Tín tức tâm tịnh. Kinh Cổ Âm nói: Người có thể tin những chuyện như thế là không thể nghĩ bàn. Yếu giải nói: Tín là đại trí. An lạc tập nói: Đầy đủ ba tâm, ba tâm bao gồm tín tâm, không được vãng sanh là chuyện không có, đều nói rõ việc tịnh tín là điều đáng quí.

Trước đây, Hoàng Niệm Lão đã đưa ra nhiều thí dụ trong các kinh luận, tổng hợp từ các kinh luận, ta thấy giống như câu đại sư Liên Trì nói, tin là tâm địa thanh tịnh. Nói cách khác, khi hoài nghi thì tâm tán loạn ngay, phần trước chúng ta đã nói rất nhiều. Lòng tin mang đến cho chúng ta nhiều điều hay, tức là những lợi ích cho bản thân, đó là thân tâm được thanh tịnh, mạnh khoẻ sống lâu, thông minh trí tuệ, đó là những lợi ích từ niềm tin mang lại. Người có tín tâm thanh tịnh, hiện tại chúng ta đã thấy rõ, trong kinh, đức Phật dạy chúng ta “cảnh do tâm hiện”, môi trường xung quanh có liên quan mật thiết với tâm của chúng ta. Bởi thế, đức Phật chỉ dùng một câu để nói tịnh độ: Tâm tịnh thì nước Phật tịnh.

Tại sai lại đặt niềm tin lên hàng đầu trong ba điều kiện vãng sanh thế giới Cực lạc? Ba điều kiện để vãng sanh: Tín, nguyện, hạnh. Hạnh tức niệm Phật, tín nguyện là phát tâm Bồ đề. Kinh này đã nói cho chúng ta: Phát tâm Bồ đề, nhất hướng chuyên niệm. Phát tâm Bồ đề tức tín nguyện, nhất hướng chuyên niệm tức chân thành niệm Phật, không ai là không vãng sanh. Những người vãng sanh thế giới Cực lạc đều đầy đủ lòng tin sâu sắc, bởi thế môi trường cư trú của thế giới Cực lạc cực kì đẹp đẽ, thanh tịnh trang nghiêm. Nhìn lại quả địa cầu chúng ta đang sống ở đây, thiên tai lạ thường, lịch sử chưa bao giờ chứng kiến những việc như thế này, ở đâu cũng có thiên tai, nguyên nhân từ đâu? Là do lòng tin đã không còn. Không có niềm tin, chúng ta đã biết, sơn hà đại địa đều bị lung lay không kiên cố, cho nên núi sẽ đổ, quả đất sẽ bị biển nước nhấn chìm. Nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng này do đâu? Nguyên nhân chủ yếu là hoài nghi. Hoài nghi tự tánh, hoài nghi tánh đức. Nói cụ thể là hoài nghi tánh con người vốn thiện, hoài nghi lời dạy tất cả chúng sinh vốn là Phật mà trong kinh đức Phật đã nói, hoài nghi luân lí, đạo đức, nhân quả, hoài nghi kinh điển tôn giáo, tạo thành sự lung lay của quả địa cầu ngày nay.

Phật dạy, năm thứ độc: Tham, sân, si, mạn, nghi là nguồn gốc địa ngục, phạm một trong những điều đó là rơi vào dịa ngục. Nếu phạm cả năm điều thì không cần nói cũng biết. Chúng ta muốn cứu thân tâm của mình, cứu môi trường sống, nhất định phải tin tưởng sâu sắc lời dạy này của Phật Thích Ca Mâu Ni, dứt khoát phải buông bỏ năm thứ phiền não căn bản này. Buông bỏ 100%, thì địa cầu nơi chúng ta đang cư trú ở đây không thua kém gì thế giới Cực lạc. Tất cả đạo lí và chân tướng sự thật đều phơi bày trước mắt chúng ta. Tin là tâm địa thanh tịnh, tâm địa thanh tịnh từ lòng tin mà có được, nếu không có niềm tin thì tâm địa lung lay. Ngày nay chúng ta nói đến những người xốc nổi không có lòng tin.

Kinh Cổ âm nói: Người có thể tin những chuyện như thế là không thể nghĩ bàn. Phật Bồ tát đã dạy chúng ta, những bậc cổ Thánh tiên Hiền đã dạy chúng ta, quí vị có thể hoàn toàn tin tưởng được. Thật không thể nghĩ bàn, Phật dạy những lời này cách đây ba ngàn năm, nói những lời như thế, mọi người có thể tin. Nhưng trong thời đại chúng ta, mọi người có thể tin được những lời dạy của chư Phật, Bồ tát, thì đó là điều kì diệu, vì sao vậy? Vì chúng ta chắc chắn biết rằng thiện căn phước đức của người đó rất sâu dày, nếu không có thiện căn phước đức sâu dày thì họ làm sao tin được? Bởi thế chúng ta dâng một nỗi cảm xúc đặc biệt khi nghe câu kinh này.

Trong Di đà kinh yếu giải, đại sư Ngẫu Ích nói: Tin là đại trí. Đúng, hoàn toàn chính xác, nếu không có trí tuệ lớn, nghe rồi quí vị sẽ không tin. Người có nghiệp chướng nặng nghe rồi hoài nghi, vì vậy nghe rồi tin được đó là người đại trí, nghe rồi tin đó là người có thiện căn lớn.

An lạc tập nói: Đủ cả ba tâm. Ba tâm: thuần tâm, nhất tâm và tương tục tâm, trong Luận chú đã nói đến. Đầy đủ cả ba tâm này, “nếu không vãng sanh, quyết không có chuyện đó”. Quí vị chắc chắn sẽ thành tựu khi muốn vãng sanh đến thế giới Cực lạc, không một mảy may hoài nghi, chắc chắn quí vị sẽ được vãng sanh.

Trong cuộc sống của chúng ta ngày nay, đặc biệt những người lớn tuổi, đã kinh qua vài chục năm, chúng ta mới nhận ra một điều, có nhân duyên thù thắng mới gặp được tịnh độ, mới gặp được bộ chú giải kinh Vô Lượng Thọ này, có nhân duyên với Phật, có duyên với Hạ Lão, Hoàng Niệm Lão. Đây là hai nhân vật sống gần đây, cuộc đời họ đã tạo nên một sự nghiệp vĩ đại, hội tập Kinh Vô lượng thọ, chú giải chi tiết kinh Vô lượng thọ, họ đã dẫn dắt tất cả những người có nhân duyên cùng về tịnh độ. Sanh về tịnh độ tức đã thành Phật, chưa sanh tịnh độ, có lẽ đang tìm đến ba đường ác. Chúng ta cần phải có sự tỉnh giác cao độ, buông bỏ tất cả, một lòng một dạ cầu sanh tịnh độ, chỉ nhớ nghĩ một chỗ đó thôi, không được sơ sài, không được quên mất, tốt nhất là ngay bây giờ liền được vãng sanh, ngày mai liền được vãng sanh, không nên chờ đến ngày sau. Luôn luôn suy nghĩ như vậy thì ích lợi không thể kể hết, vì sao vậy? Đừng nên lưu luyến thế giới Ta bà này nữa, buông bỏ hết, ngoài tín nguyện niệm Phật của bản thân, nếu gặp những người có nhân duyên với Tịnh tông nên giúp đỡ họ, khuyên họ tinh tấn, dẫn dắt họ đến ngày thành công, đó là việc lợi tha, sau khi tự lợi mới đến lợi tha, bản thân mình không đạt đến lợi ích chân thực, cho dù có muốn làm lợi ích cho người khác thì hiệu quả cũng không cao. Với những người chưa có lòng tin, phải dùng mọi phương pháp để giúp họ xây dựng niềm tin, nếu gặp những người đã có niềm tin, ta nên giúp họ thêm lớn niềm tin, khuyến khích họ phát nguyện cầu sinh. Sự nghiệp ngài Di đà, chúng ta phải tận tâm tận lực, tận tâm tận lực là công đức viên mãn. Bởi vậy, việc tịnh tín trong thời đại ngày nay cực kì đáng quí.

“Kinh này cũng bao quát nhất niệm, mà lại nhất niệm tịnh tín, nên biết tín tâm này là bước một bước trên cây cọc vài thước, không thể suy lường hay tính đếm mà biết được”. Trên tịnh tín lại thêm nhất niệm, nhất niệm tịnh tín. Trong Tín tâm minh, tam tổ thiền tông, đại sư Tăng Xán nói: “Tín tâm bất nhị, bất nhị tín tâm, ngôn ngữ đạo đoạn, phi khứ lai kim”. Thật hợp với những lời trước đó, trong này có hai câu quan trọng “tín tâm bất nhị”, nói cách khác, hai lòng tức không phải tín tâm, tín tâm phải là nhất tâm, nhất tâm tức không hai.

Không hai tức nhất tâm, tức là tín tâm, đối tượng được nói là ai? Là Phật A di đà. Chỉ tin Phật A di đà, tạm thời buông bỏ những thứ khác, chuyên một hướng niệm, một lòng chuyên niệm, tín nguyện chuyên niệm. Không được hoài nghi, không được xen tạp, không có một niệm thứ hai. Trong cuộc đời này phải chắc chắn vãng sanh, phải hoàn thành Bồ đề vô thượng.

Câu sau trong Tín tâm minh nói: “ngôn ngữ đạo đoạn, phi khứ lai kim”, đây đúng là nhất niệm tịnh tín, lời nói hay suy nghĩ không thể duyên tới được, không phải quá khứ, không phải hiện tại, không phải tương lai, vậy đây là cái gì? Xưa nay vốn như vậy. Nói cách khác, nhất niệm tịnh tín tức là tự tánh của quí vị, tông môn gọi là minh tâm kiến tánh, nhất niệm thanh tịnh là tự tánh của quí vị, quí vị đã thấy rõ rồi, tự tánh tâm thanh tịnh nó vốn đã có, nó không lệ thuộc thời gian, quá khứ, hiện tại, vị lai là thời gian, gọi là ba đời. Không những không lệ thuộc thời gian mà còn không lệ thuộc vào không gian, không gian là cự li, xa gần. Thời gian là quá khứ, hiện tại, vị lai. Nó không thuộc về không gian mà cũng không thuộc về thời gian, xưa nay nó vốn như vậy.

Hội Sớ gọi đó là điều kiện chủ yếu để được vãng sanh. Cũng như nói, đây là điều kiện chủ yếu để phàm phu trong sáu đường cầu sanh thế giới Cực lạc. Nhân duyên thì có rất nhiều, nhưng đây là điều kiện đầu tiên. Giáo, hạnh, tín, chứng, là câu nói của một bậc tổ sư người Nhật, và được tôn xưng là “Nguyên nhân chính để sanh đến cõi thật báo thanh tịnh”. Những vị tổ sư người Nhật này đều là những vị lưu học sinh thời nhà Tuỳ Đường ở Trung Quốc. Phần nhiều họ là đệ tử của ngài Thiện Đạo, và của đại sư Trí Giả, họ là những người chân truyền của các bậc tổ sư. Khi về nước họ mang theo giáo lí Đại thừa truyền vào Nhật bản.

“Và nói nhất niệm tức nhất tâm”, trong tông Tịnh độ gọi là nhất tâm bất loạn. Nhất tâm ở đây là gì? Trong nhất tâm không có hoài nghi, là thanh tịnh, không có khởi tâm động niệm, phân biệt chấp trước. Buông bỏ tất cả nên nó là nhất tâm. “Trong nhất tâm không có hai niệm, trong nhất niệm không có hai tâm”.

Chỉ quán ngũ, tức quyển thứ năm luận Ma ha chỉ quán nói: Nhất tâm có đủ mười pháp giới. Mười pháp giới từ đâu mà có? Khi khai ngộ, câu sau cùng đại sư Huệ Năng nói: Đâu chờ tự tánh năng sanh vạn pháp. Vạn pháp tức mười pháp giới, mười pháp giới từ đâu mà có? Từ nhất niệm mà có. Được sanh ra từ nhất tâm, nhất tâm có đủ mười pháp giới, nhất niệm có thể sanh vạn pháp.

“Nên biết nhất tâm là thực thể của vạn hữu, cũng là chân như”, câu “thực thể của vạn hữu”, nói theo cách nói của triết học hiện đại là “bản thể của vạn hữu”, cũng có thể hiểu là cả vũ trụ, tất cả vạn pháp từ đó mà sanh ra, không có nó thì không có tất cả pháp, có tất cả pháp cho thấy nó có mặt. Vấn đề này chúng ta đã học rất nhiều ở phần trước, nhất là cuốn Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán của quốc sư Hiền Thủ, nói rất cụ thể, rõ ràng, thậm chí còn cụ thể hơn những nhà khoa học ngày nay. Đọc những báo cáo khoa học, chúng ta vẫn còn nghi ngờ, nhưng đọc giáo lí Đại thừa thì chúng ta không con nghi ngờ nữa. Vì vậy nhất tâm là bản thể của vạn pháp, trong Phật pháp gọi là chân như, nó là có thực, thực sự có hình thể. Hiện ra tất cả hình tướng nên gọi là như, giống như tánh của nó, sự giống lí của nó. Tánh tướng không hai, lí sự như nhất.

“Lại được gọi kim cương chân tâm”, kim cương là ví, ví như không sanh không diệt, ví cho sự vĩnh hằng không thay đổi, chân tâm. Vọng tâm là trong nháy mắt sẽ trôi qua, nó không thật. “Có thể khai mở mắt tâm cho người, ở đây không nói nhiều để khỏi bị cho vẽ rắn thêm chân”. Phần trước đã nói rất nhiều, không nói thêm nữa. Nếu dùng chân tâm thì rất dễ khai ngộ, sao mọi người lại chấp mê không ngộ? Thực tế mà nói, câu trả lời đã có trong đó rồi. Sao lại không ngộ, là do chấp mê. Quí vị cứ ôm chặt tình cảm mê mờ, vì thế mà không khai ngộ. Nếu quí vị buông bỏ mê tình thì sẽ khai ngộ ngay. Trong tình cảm mê mờ, quan trọng nhất là thân thể, quí vị cho thân thể này là của ta, không gì quan trọng hơn thân thể này, sai rồi. Thân này không phải là của ta! Vậy cái gì là của ta? Chân như mới là của ta, tự tánh mới là của ta, nhất tâm là của ta, nhất niệm là của ta, hai niệm là không phải. Chân tướng sự thật này được bao nhiêu người hiểu? Người đã kiến tánh hiểu, người đã giác ngộ hiểu, nhưng người giác ngộ, kiến tánh lại quá ít. Ngày nay nghe đến chúng ta cũng hiểu nhưng không thể nhận thức một cách chân thực, vì sao vậy? Vì sự hiểu biết của chúng ta là giải ngộ, trường thời huân tu trong kinh điển Đại thừa, chúng ta có thể hiểu được, có thể cảm nhận được, nhưng đó không phải là cảnh giới cả chính ta, vì sao vậy? Vì ta chưa thể buông bỏ khởi tâm động niệm, thậm chí chúng ta còn phân biệt chấp trước, tất cả những thứ này làm trở ngại tự tánh. Nghiệp chướng, sở tri chướng, nếu ta buông bỏ được hai thứ chướng ngại này, thì ta sẽ kiến tánh, thực sự đại ngộ, ngộ cái gì? Y chánh xưa nay không phải là ta, không còn chấp trước thân này là của ta, cũng không chấp trước pháp giới hư không này là của ta, tất cả đều buông bỏ hết, xin chúc mừng quí vị, quí vị đã thành Phật, quí vị đã chứng ngộ quả vị rốt ráo viên mãn. Bởi thế nên gọi nó đã là chân tâm kim cương. Dùng chân tâm như thế thì có thể giúp ta khai ngộ. Ai dùng thì người đó khai ngộ, khai mở mắt tâm để thấy được chân tâm, thấy được chân tướng. Mở mắt tâm là quí vị thấy được thực tướng của các pháp, vấn đề mở mắt tâm là nói về phương diện trí tuệ, khai mở mắt là nói về tướng.

Chúng ta xem dòng cuối: Chí tâm hồi hướng, nguyện sanh sang đó. Phần trước đã nói về đức năng trí tuệ. Việc thành công trong tu tập, bất luận thành công lớn hay nhỏ, bất luận công đức tu hành được bao nhiêu, tất cả đều hồi hướng, chí tâm hồi hướng, hồi hướng về thế giới Cực lạc, hồi hướng đến Phật A di đà, hồi hướng đến hải chúng thanh tịnh. Tôi chỉ có một mục tiêu đó là cầu sanh tịnh độ để được gần gũi Phật A di đà, đúng như thế.

“Chí tâm” được nói ở đây tức là tâm chí thành theo cách nói của Quán kinh.

Tứ Thiếp Sớ là cuốn sách chú giải Quán Vô Lượng Thọ Phật kinh, nói: Chí tức chân, thành là thật. Bây giờ chúng ta so sánh một chút về chí tâm, phần lớn chúng ta nói về chân thành, chân thành có nghĩa như chí tâm, “Muốn làm rõ tu giải hạnh nghiệp thân miệng ý của tất cả chúng sanh, cần phải bắt đầu từ tâm chân thật, không được bên ngoài thể hiện dáng vẻ tinh tấn hiền thiện, mà bên trong lại ôm tâm hư dối, tham sân si tà nguỵ, gian trá trăm điều. Tánh ác khó xâm nhập, chỉ tánh ác kiên cố, việc ấy giống như rắn rết, tuy khởi ba nghiệp gọi là cái thiện có lẩn độc tạp, còn gọi là hạnh hư dối, không phải nghiệp chân thật”.

Mấy câu nói trong Tứ Thiếp Sớ có ý nghĩa rất lớn, chúng ta phải luôn cảnh tỉnh, xem chúng ta có thường phạm vào những tội lỗi này không? Trước hết, chúng ta có dùng tâm chân thành không? Thế nào là chân? Chân tức là không giả dối. Cần dùng tâm chân thành để sống, cần dùng tâm chân thành trong công việc, cần dùng tâm chân thành trong việc đối nhân xử thế tiếp vật. Với xã hội hiện tại, chắc chắn có rất nhiều người nghi ngờ, thế giới này là thế giới giả tạm. Người khác khởi tâm, động niệm đều lừa dối ta, dùng tâm chân thành để đối xử với họ, há không phải quá thiệt thòi ư? Đúng, quá thiệt thòi. Nhưng thiệt thòi là chuyện nhỏ, quí vị được hưởng lợi ích sau này mới là chuyện lớn, sau này được lợi ích gì? Vãng sanh về nước Phật, gần gũi Di đà, lợi ích này của quí vị quá lớn! Thiệt thòi một chút đáng là bao, cần gì phải tính toán! Người không chịu thiệt thòi thì không thể hưởng được phúc báo lớn lao được. Người xưa có câu: Thiệt thòi là phước. Phước đến mà quí vị không đón nhận, đó không phải là người có trí. Phước báo lớn đang đến như thế mà quí vị từ chối, đúng là ngu si, bây giờ cầu mà không được. Tự nhiên khi không mà phải chịu người khác đổ tiếng oan, nhưng đó là phước báo lớn nhất. Mình có lỗi, người khác chê trách chúng ta, phỉ báng chúng ta, làm nhục chúng ta, là có nguyên nhân, thực sự có lỗi. Nhưng nếu ta không có lỗi, thì phước đức lại càng lớn hơn. Không có lỗi, sao ta lại gặp sự sỉ nhục này? Nếu đời này không có thì kiếp trước có, nhiều đời nhiều kiếp. Phật pháp dạy chúng ta, con người không phải chỉ có một đời, trong vô lượng kiếp quá khứ, trong tương lai cũng có vô lượng kiếp, khi quí vị chưa ra khỏi vòng luân hồi trong sáu đường, trong vô lượng kiếp đã lưu chuyển trong sáu đường, đó là khoảng thời gian rất dài, nếu kiếp này ta không tạo nghiệp thì kiếp trước hay trước đó nữa, đã tạo nghiệp. Cứ theo đó thì ai là người không tạo nghiệp? Không thể có chuyện đó, ai không kết oán với chúng sanh? Kiếp này ta được làm người, có cơ hội được nghe Phật pháp, nhận thức rõ những vấn đề này. Điều tốt nhất là gì? Những điều trái ý, ta đều đón nhận. Trong môi trường không thuận lợi, ta cũng vui vẻ cam tâm đón nhận để cho nghiệp chướng của ta được tiêu trừ, đức hạnh của ta được thành tựu, trí tuệ chúng ta được khai mở, đó là chuyện tốt. Không những không oán hận mà lại cảm ơn, trong giáo lí Đại thừa gọi đó là “tăng thượng duyên”, tức là nghịch cảnh cũng có thể giúp nâng cao đức hạnh mình, có thể giúp tăng trưởng trí tuệ của ta, giúp nghiệp chướng của ta được tiêu trừ và giúp chúng ta viên thành Phật đạo. Bởi vậy, người thực sự tu tập giáo lí Đại thừa, người thực sự tu tập pháp môn niệm Phật, tâm của họ như thế nào? Là lòng cảm ơn, lòng từ bi. Đây là điều có thực, không phải giả dối. Vì thực nên họ mới có thành công thật sự. Nếu là giả, thì đã sai lầm, họ đã đọa lạc, họ sẽ gây thù kết oán không bao giờ ngưng với tất cả chúng sanh, đó là nỗi khổ không thể kể hết. Người thông minh, người có chút trí tuệ, họ liền nắm bắt cơ hội ngay trong đời sống này, và nhất định phải siêu việt mười pháp giới. Có khả năng, có thể nắm vững để siêu việt, nói thật, đó là pháp môn tịnh độ, nương tựa vào Phật A di đà. Ngày nay chúng ta không một chút nghi ngờ pháp môn tịnh độ, được những thứ đó không phải đơn giản. Sáu mươi năm không rời tay, hết lòng tham cứu, càng thâm nhập càng thấy vui, càng thâm nhập càng thấy sáng tỏ. Phải thực sự thông đạt sáng tỏ, mới có thể buông bỏ tất cả. Thế nào là buông bỏ tất cả? Trong khi giảng bài luôn luôn nhắc nhở bản thân, và dẫn dắt những người cùng học, đó là chân thật, không phải giả, không phải giả thiết, đó là chân tướng sự thật. Tôi đã sống được đến ngày nay, ngay mai chưa chắc đã còn, không dám nghĩ đến ngày mai. Hôm nay là ngày cuối cung của tôi, tôi cần phải làm những công việc này, không phải rõ ràng đó sao? Ngày cuối cùng thì cái gì quí vị cũng không thể mang theo được, kể cả thân thể. Vì vậy tôi thường nói, ngày nào còn sống thì thân thể là của mình, tôi sở hữu, áo quần mặc trên người là của tôi, không mặc trên người là không phải của tôi, đừng nghĩ đến nó, không liên quan gì đến tôi. Trong túi quí vị có bao nhiêu tiền, đang trong túi thì đó là của quí vị, không còn trong túi thì không còn là của quí vị nữa. Quí vị đang ngồi trong phòng này, căn phòng quí vị đang ngồi hôm nay là của quí vị, khi ra khỏi phòng rồi thì không còn là của quí vị nữa. Lòng của quí vị tự tại biết bao, quí vị sanh trí tuệ, chứ không sanh phiền não. Tồn tại trong lòng quí vị là sự cảm ơn, từ bi, không tạo nghiệp chướng, không sinh tự tư tự lợi, không còn tự tư tự lợi, cả pháp giới hư không cùng một thể với ta. Trên thì cùng một thể với chư Phật Như lai, dưới thì cùng với các loại côn trùng sâu kiến, hoa lá cây cỏ, sơn hà đại địa, làm sao không tự tại được? Quí vị còn vọng niệm nào nữa? Hiển nhiên tâm thanh tịnh lộ ra, nhất tâm, nhất niệm lộ ra. Nếu còn một chút gì không buông bỏ được, nó liền trở ngại nhất tâm, nhất niệm, không thể hiện tiền.

Tứ Thiếp Sớ nói rất cụ thể: “Tất cả nghiệp thân, miệng, ý của chúng sanh”, thân là những gì anh ta đã làm, miệng là những gì anh ta đã nói, ý là những gì anh ta suy nghĩ, giải và hành những gì anh ta tu tập. Giải là hiểu rõ lời dạy của chư Phật Bồ tát. Hành là gì? Theo đó để làm, thật tu.

“Cần dùng tâm chân thành để làm”, câu này rất cấp bách, thật tâm để làm. Thế nào là chân? Đưa ra một phương hướng ngược lại, quí vị đã hiểu rõ quí vị sẽ biết thế nào là chân. “Không được bên ngoài thì giả dạng hiền thiện tinh tấn”. Giả vờ, bên ngoài thì làm rất tốt, mạnh mẽ tinh tấn, nhưng bên trong thì thế nào? Không buông bỏ tự tư tự lợi, thị phi nhân ngã, tham, sân, si, mạn, nghi, tất cả những thứ này là giả. Bởi vậy nên giác ngộ, đừng mê lầm. Con người nên tự biết bản thân, những thứ như tham, sân, tà nguỵ, gian trá là những tánh ác, liệu đã buông bỏ được những tập tánh bất thiện chưa? Nếu chưa buông bỏ thì phải biết rằng, những tâm niệm như vậy đang chế tạo luân hồi trong sáu đường, luân hồi sáu đường vì thế mà hiện ra. Hư giả, tham sân tà nguỵ, gian trá trăm chiều là nguyên nhân để đưa đến luân hồi sáu đường. Nếu có những thứ này thì có sáu đường. Nếu không có niệm này thì quí vị đã vượt qua nó, quí vị đang dùng chân tâm, đó là vọng tâm, đó không phải là chân tâm. Những gì vọng tâm tạo ra đó là sáu đường, mười pháp giới. Chân tâm biến hiện ra, là cõi Thật báo trang nghiêm của chư Phật, Bồ tát, thế giới Cực lạc, thế giới Hoa tạng là chân tâm. Đại sư Huệ Năng minh tâm kiến tánh, vắt tắt chỉ bày nó ra. Hình dáng của chân tâm thế nào? Thanh tịnh. Đâu ngờ tự tánh vốn thanh tịnh, quí vị đã hiểu rồi, không thanh tịnh là vọng tâm. Thanh tịnh là chân tâm, chân tâm là không sanh không diệt. Niệm hiện tại của chúng ta, niệm trước vừa diệt, niệm sau liền sanh khởi, tâm sanh diệt như thế là giả, không phải chân, chân tâm là không sanh không diệt, chân tâm vốn không dao động. Dao động là gì? Chuyển động theo ngoại cảnh. Môi trường bên ngoài, nếu thuận theo ý mình thì nổi tâm tham, tham đắm. Nếu trái với ý muốn của mình thì ghét bỏ nó. Sáu căn của quí vị chạy theo môi trường bên ngoài sanh tham sân si mạn nghi, sanh ra thất tình ngũ dục, đây gọi là gì? Tâm chuyển theo cảnh, tâm như thế là vọng tâm. Chân tâm không chạy theo ngoại cảnh, chân tâm là biết được “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”. Bất luận là cảnh giới nào hiện ra, thì tâm ấy vẫn như như bất động, đó mới là chân tâm. Bởi thế chân tâm không phải tâm luân hồi, vọng tâm là tâm luân hồi. Khi vọng tâm làm chủ thì ba nghiệp thân khẩu ý đều là nghiệp luân hồi, quí vị không vượt ra khỏi luân hồi. Nếu quí vị thật sự chuyển được nó, tôi không còn chạy theo ngoại cảnh nữa, dùng tâm chân thành để làm việc. Chân thành với bản thân, chân thành với cuộc sống, công việc cũng phải chân thành, đối nhân tiếp vật chẳng điểu gì là không chân thành. Dùng tâm chân thành để niệm Phật cầu sanh tịnh độ, xin chúc mừng quí vị, quí vị đã thành công viên mãn trong đời sống này rồi, quí vị đã thành Phật rồi. Nếu ngoại hình quí vị làm ra vẻ không tệ, giống như một người Phật tử, nhưng tập khí phiền não bên trong không một chút thay đổi, đó là giả dối. Nói theo cách của Tứ Thiếp Sớ là “tánh ác khó đổi”. Hay nói theo Quát Hồ là “tánh ác kiên cố”. Nói trắng ra, anh ta đã sai lầm, anh ta cho đó là cách nhìn đúng đắn, làm rối loạn, làm sai lệch đi. Xã hội ngày nay, ai không giả dối? Nhưng quí vị nên dùng tâm chân thành đối đãi với họ, quí vị có thiệt thòi, có bị mắc lừa, kém cõi, người xưa có câu: Người ngốc có phước của người ngốc. Bị thiệt thòi là có phước. Ý của câu nói này rất sâu sắc, có học vấn cao, có nhiều lí thuyết. Nói thẳng là họ không bị thiệt thòi, quả là họ không bị mắc lừa, anh ta có nhiều điều kiện, vì thế kiểu ngộ nhận này, tất cả đều chạy theo tập khí phiền não, đó là sự sai lầm. “Làm như rắn rết”, đây là những loại rắn độc thú dữ, toàn làm hại, không có một chút lợi ích. “Tuy khởi ba nghiệp, nhưng đều là cái thiện độc hại”. Bên ngoài tựa như toàn làm những việc tốt như bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, nhưng bên trong thì thế nào? Bên trong không dứt trừ được tham, sân, si, mạn, nghi, đây gọi là cái thiện dính độc, hay còn gọi là việc làm giả dối. Ai biết được? Phật, Bồ tát, quỉ thần. Bởi thế nó không được gọi là nghiệp chân thật, nó không phải chân thật, nó thực sự không phải là nghiệp thiện, đích thực nó là giả. Những hành động như thế người thế gian không thể biết được, họ chỉ đánh lừa được người thế gian, nhưng Phật, Bồ tát biết rất rõ, trời cao sẽ bắt những người này. Đây là những phương tiện chỉ cho chúng ta thấy tâm chân thành là thứ đáng quí, mỗi niệm không được quên nó, nếu quên nó thì vấn đề trở nên nghiêm trọng. Dứt khoát không sợ thiệt thòi, không sợ mắc lừa, không sợ bị hãm hại.

Khi chưa thành Phật, Thích Ca Mâu Ni tu hạnh Bồ tát, gặp vua Ca lợi. Vua Ca lợi, Ca lợi là tiếng Phạn, dịch sang chữ Hán là bạo chúa, đây là một ông vua hôn dung vô đạo, nên có tên là Ca lợi. Ngài bị vua Ca lợi xử tử lăng trì, cắt hết thân thể, rất oan ức, nhưng ngài không hề oán hận mà lại cảm ơn vua. Vì sao vậy? Vì việc đó khiến cho ngài nhanh chóng thành Phật. Mỗi khi chúng ta gặp tai nạn, gặp ai hãm hại, ta nên cảm ơn họ, họ sẽ giúp ta vãng sanh, ta vãng sanh sớm hơn, thành Phật nhanh hơn, điều này đúng, không sai chút nào. Không giữ lòng ác với người làm hại mình, cho dù họ có hãm hại mình đi nữa cũng không ôm lòng oán hận, vì sao vậy? Vì ta biết rằng họ với với ta là một thể. Như răng cắn nhầm lưỡi, đầu lưỡi bị chảy máu, liệu có giận răng không? Tất nhiên không. Vì sao? Vì chúng cùng một cơ thể. Đời này được mấy người nhận ra điều này, biến pháp giới hư không giới cùng một thể với ta, chỉ có Phật, Bồ tát mới nhận ra. Khoa học và triết học vẫn chưa đạt đến cảnh giới này, chư Phật Bồ tát đã ở trong đó rồi. Chúng ta nên học theo để có thể thực sự nhập vào cảnh giới đó. Thật sự khế nhập được rồi, thì quí vị sẽ được lợi ích, biểu hiện ra bên ngoài là pháp hỷ sung mãn, thường sanh hoan hỷ tâm. Người thường cũng có thể nhận ra, nhận ra điều gì? Quí vị hoan hỉ, không còn phiền não, quí vị từ bi, không còn ý niệm hãm hại người khác. Tâm trạng này giống như trong kinh đã nói: “ban bố lợi ích chân thật”, quí vị đã ban bố lợi ích chân thật, trí tuệ chân thật cho mình, cho tất cả chúng sanh.

Dưới đây chúng ta sẽ nói về hồi hướng. “Hồi hướng tức là dùng tất cả những thiện căn mình tu tập được, hướng về chúng sanh, hướng về Phật đạo”. Hồi là chuyển lại, hồi chuyển. Hướng là hướng về một mục tiêu. Tôi dùng tất cả những công đức, thiện căn mà tôi tu tập được, không dành riêng cho mình, cũng như nói, bản thân tôi không hưởng thụ một mình mà dành cho ai? Dành cho tất cả chúng sanh, hướng về tất cả chúng sanh, hướng về đạo Phật. Hướng về Phật đạo là kì vọng chánh pháp được dài lâu, hướng về chúng sanh là hi vọng chúng sanh phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui. Đệ tử của nhà Phật, nên học được công đức trí tuệ trong ngôi nhà Phật pháp, khẳng định phải làm được như vậy. Họ không không hưởng thụ, học đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Năm ba mươi tuổi, Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo, đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, nhưng ngài không đến thế giới Hoa tạng, ngài không đến thế giới Cực lạc, ngài ở lại đây với chúng ta tám mươi năm. Người xưa nói ngài nhập Niết bàn năm tám mươi tuổi, những người ở các quốc gia khác nói ngài diệt độ năm bảy mươi chín. Thành đạo năm ba mươi tuổi, bắt đầu dạy dỗ, sống đời sống của nhà sư khổ hạnh, để làm tấm gương cho hậu thế chúng ta. Ngài có thể hưởng vinh hoa phú quí không? Ngài có điều kiện để thực hiện việc này. Quí vị xem kinh Đại thừa ghi: Lúc bấy giờ mười sáu vị vua các nước lớn ở Ấn độ đều lạy ngài làm thầy, giống những vị quốc sư hiện tại, ngài không phải quốc sư cho một nước mà là quốc sư đến mười sáu nước, đây là nước lớn, chưa kể nước nhỏ. Những vị đại thần, quốc vương, trưởng giả giàu có này đều đến cúng dường Phật Thích Ca Mâu Ni, thì còn thiếu thứ gì nữa! Quí vị xem Phật ứng xử thế nào? Phật không tiếp nhận, cung điện lầu các được dựng lên, ngài không nhận, ngài chỉ sống cuộc sống rày đây mai đó, đêm ngủ dưới gốc cây, ngày ăn một bữa, ngài sống như thế, không có nơi cư trú nhất định. Tăng đoàn khá đông, theo cách tính của tôi, ít nhất cũng hơn ba ngàn vị, một tập thể khá đông. Sau khi thời khoá buổi sáng xong, Phật dẫn đại chúng đi khất thực, buổi trưa sau khi ngọ trai xong đi kinh hành, sau khi kinh hành xong là lúc giảng kinh dạy học, bốn mươi chín năm như một ngày, chỉ dạy học mà thôi, ngoài ra không có hoạt động nào khác, không cùng nhau tu Phật thất, cũng không tu thiền thất. Ngày nay những hoạt động Phật sự như thế này hoàn toàn vắng mặt trong thời đại Phật Thích Ca Mâu Ni. Khi Phật còn tại thế, ngài chỉ giảng kinh và dạy học, mỗi ngày đều lên lớp cùng đại chúng, nghiên cứu, thảo luận, giải đáp những thắc mắc, họ là một đoàn thể như thế, chúng ta phải nhận thức về vấn đề này. Nói một cách nghiêm túc, họ không có những hoạt động tôn giáo, họ giáo dục xã hội, họ không phải một tổ chức tôn giáo. Mục tiêu của giáo dục tôn giáo là giúp tất cả chúng sanh lìa khổ được vui. Muốn thoát khổ được vui nên dùng phương pháp giáo dục để giải quyết. Phật biết được nỗi khổ của chúng sanh từ đâu mà có, từ mê hoặc mà có. Ngài cũng biết rất rõ chân tướng của nhân sinh vũ trụ.

Trong bốn mươi chín năm đức Thế Tôn giảng kinh thuyết pháp, ngài đã dạy điều gì?

Năm xưa, độ hơn ba mươi năm trước, ở Đài loan, tôi nhớ lúc bấy giờ là tết Âm lịch, có cặp vợ chồng trẻ, họ là những giáo sư đại học, đến thăm tôi ngày tết, họ nói với tôi: Chúng con đang giảng dạy ở đại học Phụ Nhân, những giờ ngoại khóa chúng con mở một lớp học, gọi là Phổ Hiền Bồ tát Hạnh Nguyện Phẩm, ở lớp học Đại Thiên Phật. Tốt! Tôi nói. Tôi đưa ra một vấn đề hỏi vợ chồng anh này: Phật Thích Ca Mâu Ni giảng kinh dạy học suốt bốn mươi chín năm, cuối cùng ngài dạy những gì? Anh dùng một câu để trả lời tôi, không dài dòng, một câu thôi. Trong bốn mươi chín năm Phật Thích Ca Mâu Ni đã giảng những gì? Suy nghĩ năm sáu phút vẫn không đưa ra được câu trả lời. Vì tôi giới hạn cho anh ấy chỉ một câu. Thật sự không nghĩ ra, cuối cùng anh ta hỏi tôi, tôi trả lời: Kinh Bát Nhã có một câu gồm bốn chữ, đó là “Thật tướng các pháp”, tôi nói dùng câu này trả lời đã được chưa? Ý của câu này là chân tướng các pháp của vũ trụ và nhân sinh, đó là điều Phật Thích Ca Mâu Ni nói trong suốt cuộc đời mình. Vợ chồng anh ta đồng ý. Khi quí vị hiểu rõ ràng minh bạch chân tướng của tất cả pháp, thì lúc đó quí vị mới khai ngộ, quí vị mới lìa khổ được vui. Vì vậy Phật giúp tất cả chúng sanh lìa khổ được vui bằng phương pháp giáo dục. Vì giáo dục có thể giúp tất cả chúng sanh lìa khổ được vui, giáo dục cũng có thể giúp đỡ xã hội thoát khổ được vui, cũng có thể giúp một đất nước thoát khổ được vui, cũng có thể giúp đỡ cả thế giới thoát khổ được vui, nó rất kì diệu.

Các bậc cổ Thánh tiên Hiền rất thông minh, khi Phật giáo chưa truyền đến đất nước này, chắc chắn là chưa đến, câu nói này không phải được nghe từ nhà Phật. Người xưa nói: “Xây dựng đất nước, lấy học làm đầu”, câu này trong Lễ ký, Học ký. Giới học thuật ngày nay đã chỉ ra thời gian bộ Lễ ký hình thành khoảng trước đời nhà Hán, thời đại Xuân thu chiến quốc, lúc bấy giờ Phật giáo chưa được truyền vào, người xưa rất coi trọng giáo dục, vì giáo dục có thể giải quyết tất cả mọi vấn đề. Phật đã rõ nên ngài dùng phương pháp giáo dục để giải quyết tất cả những vấn đề về thế gian và xuất thế, có thể đạt đến lợi ích công đức rốt ráo viên mãn, chúng ta không thể không biết vấn đề này. Bởi thế ý nghĩa của chữ hồi hướng cực kì sâu rộng, không vì bản thân, vì người khác. Những gì tôi tu tập được, học tập được, dạy dỗ được, truyền bá được, tất cả đều vì người khác, không có cái gì dành cho tôi cả. Thực hiện triệt để vô ngã, quên cái tôi. Vì sao phải vì mọi người? Vì mọi người tức là thực sự vì mình, là bởi ta và người không hai. Biết rằng biến pháp giới hư không với mình là một thể, nhất thể. Bởi thế, giáo lí Đại thừa nói: “vô duyên đại từ”, từ bi là thương yêu, vô duyên là không kèm theo điều kiện, yêu thương không điều kiện, như tình cảm cha con, cha mẹ yêu thương con cái, con cái yêu thương cha mẹ, đó là thiên bẩm, không kèm theo điều kiện nào nữa. “Đồng thể đại bi”, đại bi là thương xót chúng sanh đang chịu khổ, giúp họ giải quyết khổ nạn vì chúng sanh với ta là một thể, giúp đỡ chúng sanh là tự giúp đỡ mình. Chỉ có người hiểu tường tận thật tướng các pháp mới có thể thực hiện được việc này, mới có thể vui vẻ làm, không thấy mỏi mệt. Bởi vậy Phật Thích Ca không làm quốc vương, ngài buông bỏ hết mọi sự nghiệp của thế gian để làm một người giáo sư, làm nghề giáo, suốt đời dạy học. Xuất hiện tại thế gian với một thân phận như vậy chứ không phải tôn giáo.

Cuối đoạn hồi hướng nói: “Người nguyện sang nước kia nên quay về tín hạnh của tự thân để hướng đến chỗ vãng sanh”. Việc hồi hướng này đã nói cụ thể cho chúng ta. Hướng đến nơi nào? Dùng lòng tin bền chắc của mình, tất cả hạnh của bản thân. Hạnh ở đây là bỏ ác tu thiện, tự hành hóa tha, đem tất cả những thành tựu, nhà Phật gọi là công đức, tức là thành tựu, hướng đến chỗ vãng sanh, không có chỗ nào khác, chỉ có một phương hướng, mong được vãng sanh đến tịnh độ của Phật A di đà, hi vọng thân cận Phật A di đà. Việc tu tập của ta chưa được viên mãn, sanh đến thế giới Cực lạc để thân cận Phật A di đà. Thế giới Cực lạc là một trường học, vườn của ngôi trường này rất rộng, rộng gấp mấy lần cõi Ta bà của chúng ta, Phật A di đà chủ trì việc dạy học ở đây. Khi quí vị đến thế giới Cực lạc là thấy ngay Phật A di đà, Phật A di đà hiện vô lượng vô biên thân. Ở thế giới Cực lạc không chỉ có một Phật A di đà, một Phật A di đà được thấy ở chỗ này, nhưng không thấy ở chỗ kia. Nhưng ở thế giới Cực lạc, chỗ nào cũng có thể thấy Phật A di đà, chỗ nào cũng có giảng đường, đến đó quí vị sẽ thấy Phật A di đà đang giảng kinh ở giảng đường, quí vị có thể tham dự vào một trong những giảng đường đó. Đến thế giới Cực lạc quí vị cũng có thần thông, cũng có thể biến hoá, nếu dùng thần thông của quí vị để biến hoá, mỗi giảng đường ở thế giới Cực lạc đều có quí vị trong đó, mỗi giảng đường đều có Phật A di đà đang giảng pháp, mỗi giảng đường đều có quí vị đang nghe kinh, làm được hết, không phải không làm được. Không những có quí vị đang nghe kinh, mà đồng thời quí vị có thể biến thành vô lượng vô biên thân đi đến các tịnh độ của chư Phật trong mười phương, đi hỏi thăm, đi cúng dường Phật, đi nghe Phật thuyết pháp, quí vị có những năng lực lớn lao như thế. Phần lớn những năng lực đó đều do bốn mươi tám lời nguyện Phật A di đà gia trì cho quí vị, nếu không có Phật gia trì thì quí vị không thể có năng lực như thế, nhờ Phật gia trì quí vị mới có năng lực như thế.

Tham học mười phương tức là tu cả phước và tuệ, quí vị đi lạy Phật, đi cúng dường Phật, đó là tu phước. Nghe Phật giảng kinh thuyết pháp, là để mở trí tuệ, phước tuệ song tu. Mãi mãi xa rời luân hồi, mãi mãi thoát li khỏi mười pháp giới. Bởi vậy muốn bước vào cảnh giới tịnh độ, không thể không phát tâm này. Vì thế người tu tịnh độ hoàn toàn hiểu rõ, họ nhất tâm nhất ý muốn về thế giới Cực lạc, nhất tâm nhất ý là muốn thân cận Phật A di đà.

Phần tiếp theo, “Quán kinh cũng nói đến tâm phát nguyện hồi hướng trong tam tâm. Một là tâm chí thành, hai là thâm tâm, ba là tâm phát nguyện hồi hướng. Đủ cả ba tâm này có thể sanh sang nước đó”. Không thể thiếu được ba thứ tâm này. Thứ nhất là chí thành, chân thành đến cực độ gọi là chí thành. Thứ hai là thâm tâm, thâm tâm hơi khó hiểu, những vị đại đức ngày trước chú giải rất rõ ràng, nhưng người đời nay đọc vẫn không hiểu. Chú giải ngày xưa gọi là “hiếu thiện hiếu đức”, hiếu thiện hiếu đức gọi là thâm tâm.

Khoảng hơn hai mươi mấy năm trở lại đây, tôi giảng về thâm tâm trong ba tâm, tôi không dùng lời chú giải của người xưa, mà nói đề kinh trong kinh Vô Lượng Thọ. Thế nào là thâm tâm? Thanh tịnh, bình đẳng, giác là thâm tâm, tự thọ dụng đấy. Tâm chí thành là chân tâm, chân tâm đối với chính mình là thanh tịnh, bình đẳng, giác, đó là thâm tâm. Đôi với người khác đại từ đại bi, tâm phát nguyện hồi hướng là đại từ đại bi, với mọi người. Hồi hướng cho tất cả chúng sanh, hồi hướng thế giới Cực lạc, hồi hướng cầu vãng sanh tịnh độ, cầu thân cận Phật Di đà. Bởi thế người đầy đủ ba tâm này chắc chắn sẽ sanh sang nước đó, nước đó chính là thế giới Cực lạc.

“Hội sớ viết: Phàm hồi hướng, có tự lực hồi hướng, có tha lực hồi hướng. Nếu tự mình làm, hướng đến quả báo sau này, đó là tự lực”. Hồi hướng có hai loại, tự lực và tha lực. Tha lực là nhờ Phật A di đà gia trì. “Chuyển những việc làm của mình”, nghĩa là công đức tu tập của mình như bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, bát nhã, tất cả những việc này đều tự mình làm, làm cho mình. Tu hạnh Bồ tát, hi vọng tương lai sẽ thành đạo Bồ tát, chứng thành quả vị Phật, tất cả những thứ này thuộc tự lực, quan trọng của việc này là không cầu phước báo của nhân gian, điều này rất quan trọng.

Đem tất cả những gì mình tu tập được để cầu phước báo nhân thiên là sai lầm, liệu đạt được không? Được. Tất cả những công đức tu học của quí vị sẽ đến ngay. Không cầu phước báo trời người là loại thứ nhất.

Loại thứ hai là chuyên nhờ vào nguyện của Phật, không tự khích lệ bản thân đó là tha lực. Đó không phải là hồi hướng của phàm tình nên còn gọi không hồi hướng. Ý của từ không hồi hướng là không dựa vào chính mình, chỉ nhờ năng lực người khác, cách hồi hướng như thế người phàm tình không thể biết được, nên gọi là không hồi hướng”. Đây là một pháp môn tịnh độ, nếu quí vị nghe pháp môn này gọi là pháp môn không hồi hướng thì đừng nên hiểu lầm về ý nghĩa của chữ này. Rất khó nói cụ thể đoạn này, tịnh tông gọi là pháp môn không hồi hướng, có người tu hay không? Có, là người nhất tâm niệm Phật, họ không hồi hướng theo nghi thức, vì sao? Mỗi câu niệm Phật đều cầu sanh tịnh độ, mỗi câu danh hiệu Phật đều mong muốn được thân cận Phật A di đà, vì thế việc hồi hướng của họ đã tan vào trong câu niệm Phật. Tôi niệm Phật không mong cầu gì khác, mỗi câu danh hiệu Phật đều để cầu sanh tịnh độ, thân cận Phật Di đà, nên không cần hình thức nữa, đây gọi là không hồi hướng. Nhất tâm chuyên niệm, không phân tâm, hồi hướng cũng buông bỏ luôn vì sợ lẩn tạp niệm, sợ gián đoạn, đó mới là sự hồi hướng đúng đắn.

Đại phẩm Bát nhã, tức là kinh Bát nhã nói: “Bồ tát hồi hướng như vậy thì không còn nghĩ lung tung, không còn thấy lung tung, không còn tâm loạn động”. Đây đang nói đến không hồi hướng, pháp môn không hồi hướng của Bồ tát tu tập, hồi hướng không hồi hướng, họ không còn rơi vào suy nghĩ lung tung, nghĩ về sự hồi hướng, nghĩ về một mục tiêu, một phương hướng, nghĩ như vậy, chỉ cần có nghĩ đã gọi là vọng tưởng. Thấy điên đảo, kiến ở đây là kiến giải, tưởng là suy nghĩ, vẫn còn những kiến giải sai lầm. Tâm điên đảo, tâm vẫn còn ý niệm, vẫn khởi tâm động niệm. Tôi nghĩ về tương lai sẽ đi về một nơi, một mục đích. “Vì sao vậy? Vì Bồ tát không còn tham đắm việc hồi hướng”. Bồ tát không còn tham muốn sanh về thế giới Cực lạc, không còn tham muốn thân cận Phật A di đà, nhưng vẫn quyết định đến thế giới Cực lạc, quyết định đến học tập với Phật A di đà. Tuy đến thế giới Cực lạc, nhưng không tham đắm thế giới Cực lạc. Tuy thấy Phật A di đà nhưng không quyến luyến Phật A di đà. Loại hồi hướng không hồi hướng này lại được tôn xưng “vô thượng hồi hướng”. Quát Hồ có cách lí giải: “Trong mắt phàm tình cho rằng đó là không hồi hướng”. Người phàm phu như chúng ta thấy họ như không hồi hướng, nhưng thực tế thì sao? Trên thực tế họ đã thực hiện vô thượng hồi hướng, vì sao vậy? Vì nó đã tương ứng với sự viên mãn của tánh đức, giống như trong tự tánh không có phân biệt, không có chấp trước, không có khởi tâm, không có động niệm. Tuy hàng ngày vẫn niệm Phật, nghe kinh, tụng đọc, nhưng niệm Phật mỗi ngày với tâm thanh tịnh, không vướng một hạt bụi trần, trong tâm họ có sự cầu nguyện không? Có. Nhưng không cần hình thức, có cầu nguyện nhưng chẳng khác không cầu nguyện, có niệm nhưng chẳng khác không niệm, con người này đã nhập vào cảnh giới tam muội, những người phàm phu không thể tưởng tượng được. Chẳng những phàm phu trong sáu đường không thể hiểu con người này, mà pháp giới tứ thánh cũng như vậy. Trong mười pháp giới có Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, Phật. Kiểu niệm Phật này gọi là thực tướng niệm Phật, một trong bốn loại niệm Phật, công đức chân thật.

Chúng ta xem tiếp phần dưới: “Nói chung Tịnh độ là pháp môn tha lực”. Là pháp môn cần nhờ oai thần bổn nguyện Phật A di đà gia trì. Sáu chữ danh hiệu Di đà và nguyện hải nhất thừa đều là tha lực, là Phật A di đà gia trì. Sáu chữ Nam mô A di đà Phật. Phật A di đà đã dùng phương pháp này, phương pháp chấp trì danh hiệu, tiếp dẫn mười phương chúng sanh. Những người có tín có nguyện muốn niệm một câu danh hiệu Phật là đã có duyên với Phật A di đà, vì Phật cứu độ người có duyên.

Nguyện hải nhất thừa là thế giới Cực lạc, thế giới Cực lạc là Phật A di đà làm nên thành công của nguyện hải Nhất thừa. Làm sao để thế giới Cực lạc được thành tựu? Là nhờ bốn mươi tám lời nguyện, là cảnh giới được biến hiện bởi bốn mươi tám lời nguyện, tất cả đó là tha lực. “Nay nương theo nguyện của Phật”, hoàn toàn nương nhờ vào Phật A di đà. Phật A di đà phát bốn mươi tám lời nguyện, bản thân chúng ta cũng phát bốn mươi tám lời nguyện, lời nguyện của chúng ta hoàn toàn tương ứng với lời nguyện Phật A di đà. Hồi hướng để vãng sanh, đó là vô thượng hồi hướng. Giống như tâm, nguyện, đức, hạnh của Phật A di đà, tất cả những hình thức hoàn toàn có thể buông bỏ, đây là những điều được nói trong Phật pháp. Phật pháp trọng thực chất, xem nhẹ hình thức, có thể hoàn toàn không cần đến hình thức. “Vì thế có thể có niệm tịnh tín, đem tất cả thiện căn chí thành hồi hướng thì tuỳ nguyện mà được vãng sanh”. Tất cả những điều này do Thế Tôn nói trong kinh điển. Điều quan trọng để sanh một niệm tịnh tín, then chốt là trong hai chữ “nhất niệm”, một niệm thanh tịnh một niệm Phật, niệm niệm thanh tịnh niệm niệm Phật. Đem tất cả những thiện căn đó, trong pháp thế gian thì thiện căn có ba loại, đó là không tham, không sân và không si. Đối lập với ba độc phiền não là ba thiện căn. Hiện tại chúng ta nói năm độc, đối lập với năm độc là năm thiện căn, không tham, không sân, không si, không mạn và không nghi. Vì sao? Vì ngày nay chúng ta có thể thấy được sự nghiêm trọng của thiên tai về nghi và mạn. Ngạo mạn kéo theo động đất, hệ quả của hoài nghi là sự lung lay của địa cầu, địa cầu lung lay thì đấy đai sẽ lún xuống đại dương, núi cao đổ xuống. Nguyên nhân của những hiện tượng đó là gì? Niềm tin của chúng ta bị đánh mất thì sẽ kéo theo những hiện tượng đó. Nếu niềm tin của chúng ta kiên định thì sông núi đất đai cũng kiên cố, không xảy ra những hiện tượng như vậy. Bởi vậy chúng ta phải thêm hai thứ thiện căn nữa vào ba thứ thiện căn đã có. Một người tu hành chân chánh, không ai là không tuỳ nguyện được vãng sanh. Như trong lời khai thị trong Hội Sớ: “Chỉ tại tin một niệm, không cần niệm nhiều ít”. Niệm Phật được bao nhiêu không quan trọng, cốt là tin ở một niệm, một niệm tịnh tín mới quan trọng! Tiếc là lòng tin của chúng ta không vững vàng, niệm đầu thì tin nhưng niệm thứ hai thì hết tin, giờ phải làm sao? Niệm bao nhiêu chi bằng phương pháp niệm tốt một thứ, chỉ tin ở một niệm, không cần niệm nhiều ít, điều này là dùng lí để nói.

Nếu nói về sự, chúng ta xem cư sĩ Hoàng Niệm Lão đã làm tấm gương cho chúng ta, trước khi vãng sanh độ sáu tháng, ông bỏ tất cả những ràng buộc, nhất tâm niệm Phật, mỗi ngày ông còn đếm được đã niệm mười bốn vạn tiếng, niệm nửa năm như thế ông mới mất. Ông đã để lại cho chúng ta một bài học, những người hiện đại chúng ta, hiện đại là thời gian nào? Trước kiếp nạn, chúng ta dùng cách nào để cứu chính mình? Chỉ có niệm Phật, ngoài niệm Phật ra, những pháp môn khác không cứu kịp, chỉ có niệm Phật mới cứu gấp được, chỉ có cầu sanh tịnh độ, thân cận Phật A di đà, chỉ một biện pháp duy nhất đó thôi, chỉ có biện pháp duy nhất rốt ráo viên mãn đó thôi, chính xác là người có niềm tin sẽ được độ. Nếu quí vị không tin tưởng, chắc chắn quí vị sẽ bị trôi lăn theo nghiệp. Chúng ta đã biết, trôi lăn theo nghiệp thì chịu khổ không thể tả! Chúng ta cần có trí tuệ, cần có niềm tin, chúng ta đã học Phật bao nhiêu năm nay, không thể bõ công. Nếu thiên tai xảy đến, chúng ta luống cuống, thì mọi việc đã quá muộn, những công lao từ trước đến nay đều đổ xuống sông. Chúng ta cần có niềm tin kiên định, chúng ta hiểu rõ thực tướng vạn pháp trong vũ trụ, chúng ta nắm rõ qui luật nhân quả. Kinh Hoa nghiêm đã nói cho chúng ta mười thứ như vậy: Nhân như vậy, quả như vậy, duyên như vậy, báo như vậy, nghiệp nhân quả báo đã quá rõ ràng. Nói về sự, gây nhân lành thì được quả ngọt, gây nhân ác thì nhận quả đắng. Chúng ta thử đối chiếu với sáu đường trong mười pháp giới, hoàn toàn rõ ràng. Hoá giải thiên, Bố Lai Đăng người Mỹ đã nói rất cụ thể và hoàn toàn tương đồng với giáo lí Đại thừa, chỉ có bỏ ác làm lành, nhà Phật gọi là đoạn ác tu thiện, cải tà qui chánh, tâm niệm ngay thẳng. Khởi tâm động niệm, chúng ta nghĩ đến những lời giáo huấn của các bậc thánh hiền trong truyền thống xưa, gồm mười hai chữ: Hiếu, để, trung, tín, lễ, nghi, liêm, sỉ, nhân, ái, hoà, bình, khởi tâm động niệm không trái ngược với mười hai chữ này, lúc nào cũng canh cánh mười hai chữ này trong lòng, tâm niện ngay thẳng. Quí vị thuộc tâm nào? Tôi giữ tâm hiếu, để, trung, tín, lễ, nghi, liêm, sỉ, nhân, ái, hoà, bình thì thiên tai liền được hoá giải. Bố Lai Đăng nói nếu toàn thế giới có thể làm được thì không những có thể hoá giải thiên tai trên địa cầu mà còn hướng địa cầu sang một hướng tốt đẹp hơn, ta có thể hiểu được những lời này của ông ấy, giống như những lời dạy của chư Phật, Bồ tát trong giáo lí Đại thừa. Tôi không biết Bố Lai Đăng đã có lần nào nghiên cứu Phật giáo chưa, đã có lần nào đọc kinh Đại thừa chưa, nhưng ba câu nói của ông ấy vẫn thường được nghe trong kinh điển Đại thừa do chư Phật, Bồ tát nói. Chúng ta có thể hiểu, hiểu rất rõ và chúng ta đang nỗ lực để thực hiện, để học tập, để tịnh tông ngày càng kì diệu, càng thù thắng, đưa tất cả những pháp thuần tịnh thuần thiện của thế gian, xuất thế dung nạp vào một câu danh hiệu A di đà Phật, để khi quí vị niệm một câu A di đà Phật thì tất cả đều được nhớ đến, tròn đầy như nhau, cực kì tuyệt diệu! Bởi thế xưng một danh hiệu Phật, những bậc đại đức xưa nay, mười phương chư Phật đều khen ngợi, vạn đức hồng danh đều có mặt trong một danh hiệu, bao gồm tất cả pháp thuần tịnh, thuần thiện của thế gian, xuất thế, đều gói gọn trong một danh hiệu Phật. Niệm một câu danh hiệu Phật tức là niệm vạn đức, vạn đức thuần tịnh, thuần thiện của thế gian, xuất thế. Bởi thế nên tại sao có rất nhiều người nói khi thiên tai đến thì nên niệm Phật, chỉ có niệm Phật, ngoài niệm Phật ra không có phương pháp nào tốt hơn.

Chúng ta đã trải một thời gian khá lâu học Tịnh tông học kinh Vô lượng thọ mới có thể hiểu được, khi đã hiểu được rồi bắt đầu tự thực hiện, nỗ lực để làm. Quí vị vẫn còn hoài nghi vì không thấu suốt, nhưng tôi đã không còn hoài nghi, tôi nỗ lực làm, sáu thời chỉ một câu danh hiệu Phật, niệm ở đâu biết đến đó, không được gián đoạn.

Hết giờ rồi, hôm nay chúng ta học đến đây.

Hết tập 388

/ 600