Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 385
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Lý Hương
Biên tập: Minh Tâm
Thời gian: 28.4.2011
Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quí vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 477, bắt đầu xem từ hàng thứ nhất.
“Hà dĩ cố, dục lệnh tha phương, sở hữu chúng sanh, văn bỉ Phật danh, phát thanh tịnh tâm, ức niệm thọ trì, quy y cúng dường, nãi chí năng phát, nhất niệm tịnh tín, sở hữu thiện căn, chí tâm hồi hướng, nguyện sanh bỉ quốc, tùy nguyện giai sanh, đắc bất thoái chuyển, nãi chí vô thượng, chánh đẳng bồ đề”.
Đoạn này Hoàng Niệm Lão giải thích là “hữu”. Hai dòng rưỡi kinh văn bên phải. “Biểu chư Phật tán thán chi bổn nhân”. Có nghĩa đâu là ý nghĩa việc chư Phật Như Lai tán thán Phật A Di Đà. Trong đây, thứ nhất: giúp chúng sanh khởi tín nguyện. Đoạn nhỏ thứ hai: giúp đại chúng chứng đắc chánh quả. Ý kinh văn rất rõ. Chú giải của Niệm Lão rất đặc sắc. “Cái dục chúng sanh văn danh sinh tín phát nguyện cầu sinh, tất chứng vô thượng Bồ Đề”. Đây là những gì trong đoạn này nói. Tịnh độ rõ ràng là pháp khó tin. Người nghe thì nhiều, người tin thì ít. Nhất là trong thời buổi hiện nay. Thuở xưa đỡ hơn vì mỗi người đều được gia đình giáo dục tốt. Ta biết trong các dân tộc trên thế giới, thì người xưa biết cách giáo dục nhất. Ngàn vạn năm trước cổ nhân của chúng ta đã biết điều này. Ta có thể tin như thế vì lúc đó không có chữ viết. Văn tự chỉ được phát minh vào thời Hoàng Đế, đến giờ chỉ mới 4500 năm. Nền văn hóa 5000 năm phải nhờ khảo cổ mới phát hiện.
Bà La Môn ở Ấn Độ xưa có truyền thuyết ít nhất là 13000 năm. Ta có lý do để tin truyền thống văn hóa xưa bắt nguồn chắc chắn không trễ hơn Ấn Độ. Chỉ tại lúc đó không có chữ viết ghi chép lại. Khổng Tử sinh vào thời Xuân Thu, Mạnh Tử thì trễ hơn 100 năm, vào thời Chiến Quốc. Khổng Tử nói rất hay. Cả đời ông “Thuật nhi bất tác, tín nhi háo cổ”. Thuật là tường thuật lại lời người khác, không phải của chính mình. Theo cách nói hiện nay thì Khổng Tử cả đời không sáng tạo phát minh gì. Nói cách khác, suốt đời sở học, sở tu, sở giáo, sở truyền của ông, đều là những thứ của cổ nhân, chẳng có gì của riêng ông. Ông đã nói rất thành thực. Tín nhi hiếu cổ. Điều này rất đáng nể: lòng tin. Tin sâu sắc không hoài nghi và tiếp nhận toàn bộ giáo huấn của thánh hiền xưa. Thái độ học hỏi tu luyện này hết sức hiếm có. Muốn đạt được thế xuất thế pháp cũng phải nhờ thái độ này, mới thật sự đạt được. Đạt được gì? Có được truyền thống của cổ nhân. Truyền thống của cổ nhân là gì? Là tự tánh. Nhà Phật nói tự tánh, truyền thống xưa cũng nói về tự tánh. Nhân tánh bổn thiện. “Nhân chi sơ tính bổn thiện” trong Tam tự kinh. Còn câu đầu tiên trong Đại Học là: “minh minh đức, thân dân, chỉ ư chí thiện”. Đều là nói về tự tánh, nói về tánh đức. Tánh đức là cứu cánh viên mãn, tròn vẹn tột cùng không thể thêm vào chút gì, cũng không thể để khuyết tí nào. Viên mãn vẹn tròn như thế.
Thứ Phật chứng đắc gọi là Đại Bát Niết Bàn, được gọi là Đại Viên Mãn. Thời xưa tuy không có những từ rõ rệt như trong kinh Phật. Chúng ta cẩn trọng quan sát, cảm nhận thì ý tứ là một, chẳng phải hai. Tự tánh là một, không có anh, tôi, hắn. Nên trong Kinh giáo Đại Thừa nói lý thể chỉ có một, hiện tượng thì khác biệt vô vàn. Vô lượng vô biên hiện tượng sai biệt cùng chung một lý thể. Còn cho ta biết tánh tướng là một, tánh tướng chẳng phải hai. Người Ấn độ, người Trung Quốc đều xem ngộ nhập vào tự tánh là mục tiêu tối thượng khi học hỏi. Khác với ở nước ngoài. Quả là người trung Quốc trong đồng có dị biệt. Mười pháp giới lại khác, trong dị biệt có đồng. Tuy có 10 pháp giới, y chánh trang nghiêm chẳng giống nhau nhưng là một tự tánh. Cho nên tôn trọng thánh hiền chính là tôn trọng tự tánh, phàm những thứ từ tự tánh lưu xuất ra chính là thật tướng. Kinh Đại Thừa nói thật tướng chư pháp chính là chân như, chính là tự tánh. Nên người xưa khi dạy trẻ con đều luôn nhớ dạy ngộ tánh. Trong Phật pháp ngộ tánh là giác tánh. Người có ngộ tánh cao, ta biết phiền não của họ sẽ ít, tạp niệm cũng ít, tâm thanh tịnh. Khi tâm thanh tịnh khởi tác dụng chính là ngộ tánh, là giác tánh. Vọng niệm nhiều, nhiều dục vọng, nhiều phiền não thì ngộ tánh ắt sẽ kém hơn, vì bị những thứ này chướng ngại, nhiễu loạn. Tuy bị chướng ngại, nhiễu loạn nhưng không hề mất đi. Như một chậu nước, bị vẩn đục, bị quấy đảo nhưng vẫn là chậu nước đó. Chờ một thời gian nó sẽ tự ổn định. Những thứ dơ bẩn sẽ lắng chìm xuống, động tướng sẽ dần ngừng.