/ 600
632

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 383

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Lý Hương

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 22.04.2011

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quí vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 474, hàng thứ hai đếm từ dưới lên, bắt đầu xem từ câu cuối cùng.

Quảng Trường Thiệt Tướng là một trong 32 tướng, lưỡi rộng và dài, mềm mại, đỏ mỏng, thè ra khỏi miệng, có thể che kín mặt đến chân tóc.

Đây là giải thích trong kinh văn, chư Phật nhiều như số cát sông Hằng đều có tướng lưỡi rộng dài. Giải thích câu này. Quảng Trường Thiệt Tướng là một trong 32 tướng, chú thích rất rõ, lưỡi rộng và dài. Trong kinh điển đại thừa ta thường đọc. Kim Cang Kinh Giảng Nghĩa của Giang Vị Nông cư sĩ. Trong nói rất rõ về 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp. Mỗi tướng tốt đều do thiện đức tích lũy tạo thành. Lưỡi rộng dài là do không nói láo. Dưới đây có đoạn nói đến việc đó. Trong kinh Phật thường bảo ta nếu như có kẻ 3 đời không nói láo, liên tục 3 đời như thế, đương nhiên người này tu rất khá và không tạo ác nghiệp, ba đời đều được thân người, ba đời đều được học giáo pháp của Phật. Không hề phạm bốn lỗi của miệng: không nói láo; không nói hai lưỡi; không nói lời thêu dệt, bay bướm; không nói lời ác ý. Thì người như thế lưỡi sẽ liếm được chóp mũi. Thè ra là có thể chạm được đầu mũi. Lưỡi của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni phủ che được gương mặt đến tận chân mép tóc của ngài. Điều đó chứng tỏ với chúng sanh Đức Phật trong vô lượng kiếp đời đời kiếp kiếp chưa từng nói láo, nên mới có tướng lành như vậy. Chứng minh lời Phật dạy đáng tin, ta tiếp nhận được. Không phải hiện giờ mọi người tán thán mà là mười phương thế giới, mỗi phương thế giới đều dùng số cát sông Hằng để tỉ dụ, thật ra thì số cát sông Hằng cũng không thể nào so sánh xác thực được. Mỗi vị Phật trong từng thế giới cũng y như số cát sông Hằng, cát sông Hằng lại nhân với cát sông Hằng, biết bao nhiêu chư Phật!

Vì sao nhiều Phật đến thế? Thật ra chúng ta có thể cảm nhận trên lý thuyết, trong Kinh hoa nghiêm Phật dạy rằng: “tất cả chúng sanh vốn là Phật”. Câu này hết sức quan trọng. Cho nên tâm bình đẳng của Phật, tâm của Bồ Tát luôn chứa chất cảm ơn, thành kính. Bởi vì ngài biết tất cả chúng sanh vốn là Phật. Tất cả chúng sanh tương lai đều sẽ thành Phật. Chỉ khác nhau ở sớm hay muộn thôi. Kinh cũng nói rất rõ về nguyên nhân của việc sớm và muộn đó. Luôn do gặp duyên khác nhau. Trong đời ta gặp nhân duyên này, nếu thật muốn thành Phật thì chẳng hề khó. Đây là con đường dễ đi duy nhất trong 84000 pháp môn. “Vạn người tu, vạn người đến được”. Trong bổn nguyện của Phật A Di Đà có nói rất rõ: tạo tội nghiệp nặng nề ngũ nghịch thập ác. Tội ngũ nghịch chắc chắn phải đọa xuống địa ngục A Tì. Nếu được nghe pháp môn này mà hồi tâm chuyển ý, chân thành sám hối, phát bồ đề tâm, một lòng chuyên niệm, thì đều có thể vãng sanh, chẳng sót ai cả. Quí vị muốn hỏi vì sao? Vì kẻ ác khi biết quay đầu lại, biết sám hối thì đã là người thiện. Họ vốn là người thiện. Ngay cả ở Trung Quốc, khi Phật giáo chưa truyền đến mà tổ tiên của người của chúng ta cũng bảo con cháu rằng: nhân tánh bổn thiện –“nhân chi sơ, tánh bổn thiện”. Bổn thiện chính là Phật tánh. Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, sao có thể không thành Phật được!

Cho nên việc trở thành Phật là trong phận sự của chúng ta. Phải nên làm như thế. Vì sao chứ? Vì chúng ta đã mê mất tự tánh, luân hồi trong sáu nẻo quá khổ sở! Nếu chúng ta may mắn sống vào đời thanh bình thịnh vượng, thì kiếp người cũng tạm được. Nếu không có phước báo gặp thời loạn lạc, nhất là như hiện nay trái đất quá nhiều thiên tai, biến loạn. Xưa nay lịch sử chưa từng ghi chép nhiều thế bao giờ, quá khổ sở. Không có thiên tai chiến nạn thì cũng sống rất khổ.

Đức Thế Tôn giới thiệu với chúng ta thế giới Cực Lạc Tây phương, ta đọc xong vô cùng ngưỡng mộ. Đấy là nơi ta nên đến. Và Phật nhắc đi nhắc lại với ta rằng: nếu con thật lòng muốn đến đó thì ngay trong đời này sẽ đến được đó, không sót kẻ nào cả. Kẻ phạm tội ngũ nghịch thập ác còn đến Cực Lạc được mà. Chỉ có một hạng người không đến cõi cực lạc được, đó là hạng không tin. Đã không tin thì bó tay. Không tin nghĩa là chẳng chịu vãng sanh. Qua đó có thể biết vãng sanh được hay không, có thể thành Phật trong kiếp này được hay không, tất cả đều nằm trong tay của chính ta. Chẳng liên quan gì đến bất kỳ ai. Tại sao chúng ta không chịu đi?

/ 600