/ 600
817

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 382

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Lý Hương

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 22.04.2011

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 472, hàng thứ sáu. Phẩm này hội tập ba bản dịch Ngụy Đường Tống. “Văn viết nhược dĩ sanh nhược đương sanh. Nhược đương sanh xem 2 bản dịch Đường Tống. Giai tất trụ ư chánh định chi tụ. Dĩ sanh là đã vãng sanh. Đương sanh chỉ hiện giờ, bao gồm những kẻ về sau, tu học pháp môn này cũng sẽ được vãng sanh. Đấy đều là Tụ chánh định trong tam tụ, đều thuộc về chánh định. Thể hiện trọn vẹn sự sâu rộng của đại nguyện Di Đà, chẳng những kẻ đã vãng sanh Cực Lạc, trụ chánh định tụ, chắc chắn sẽ chứng đắc Bồ Đề, thậm chí tất cả chúng sanh hiện giờ và tương lai sanh về Cực Lạc, nhưng có thể phát tâm Bồ Đề, nhất hướng chuyên niệm, có thể tương ứng với bổn thệ của Đức Di Đà. Tuy ở uế độ, vẫn là phàm phu bị trói buộc, nhưng cũng đã trụ ở chỗ tụ chánh định, tất nhiên chứng đắc Bồ Đề.

Đoạn này rất quan trọng, bảo chúng ta hiện vẫn ở thế giới Ta Bà, vẫn trong cõi ngũ trược ác thế. Hiện nay mức độ trược ác hết sức nghiêm trọng. Chư Phật và Bồ Tát không đành đứng nhìn, trời đất quỷ thần cũng chẳng nỡ thấy thế. Trong hoàn cảnh này mà tu học theo Tịnh độ tông liệu có thành tựu không? Đoạn khai thị này quan trọng. Không chỉ kẻ đã sanh vào thế giới Cực lạc, trụ vào chánh định tụ, chắc chắn chứng đắc Bồ Đề. Việc này chẳng còn phải nói. Ta đều tin, đều khẳng định. Còn hạng giờ đang tu học tịnh độ, vẫn chưa vãng sanh, bao gồm tương lai những người này. Hai câu sau cực kỳ quan trọng: “phát tâm Bồ Đề, nhất hướng chuyên niệm”. Đây là điều kiện mà ba hạng vãng sanh cần phải đầy đủ.

Tâm Bồ Đề là gì? Hơn 20 năm trước chúng tôi đã nêu ra. Để mọi người hiểu rõ, không phải nghi hoặc. Chúng tôi dùng ngay chính đề của bổn kinh, “Thanh tịnh bình đẳng giác”. Đấy chính là tâm Bồ Đề. Thể của tâm Bồ Đề là chân thành. Nhất định ta phải học tập cách sống chân thành. Mặt trái của chân thành là hư vọng. Xử sự đối nhân tiếp vật, ta quyết không sống giả dối. Điều này chúng ta chẳng thể không biết. Liệu ta có thể không giả dối sao? Rất khó. Vì sao vậy? Vọng tâm chính là giả dối. Thế nào gọi là vọng tâm? Tâm phân biệt là vọng tâm, tâm chấp trước là vọng tâm. Nó chẳng phải chân tâm. Mình không kiểm soát nổi chính mình. Cho nên nhất định phải học sống chân thành, chính là sống thật thà. Vậy bắt đầu từ đâu? Bắt đầu với chính mình. Ta mong người khác đối xử với ta ra sao, thì ta phải đối xử với họ như thế trước, phải bắt đầu từ đây. Những gì ta không thích, tin chắc là kẻ khác cũng không muốn. Cổ nhân có dạy: “Làm mà không được, phải tự trách mình”. Ngày nào cũng phải tự kiểm điểm, ngày nào cũng phải phát hiện lỗi lầm của chính mình. Việc này rất quan trọng. Những lời tán thán, khen ngợi của kẻ khác với ta chưa chắc đã thật. Những chỉ trích, phê phán của họ về ta thì lại không hề dối trá. Ta phải tự kiểm điểm nghiêm túc. Vậy cung kính, khen ngợi nhiều khả năng do khách sáo giả dối. Chỉ trích thì là vì họ không hài lòng về ta. Ta phải nghiêm túc kiểm điểm xem có chỗ nào gây mích lòng, có chỗ nào sai sót phải biết sửa lỗi, phải biết tự kiểm điểm, tự đổi mới chính mình. Điều đó sẽ giúp ta rất nhiều. Vì thế ta phải biết ơn, nhất là những kẻ chỉ trích ta, dù cố tình hay vô ý, thiện ý hay ác ý, ta đều phải biết ơn hết. Những người này sẽ giúp ích nhiều cho việc tu học của ta. Chư Phật Bồ Tát sở dĩ thành Vô thượng chánh đẳng chánh giác, không gì khác hơn do biết chân tướng của sự thật. Loại thứ ba trong ba loại chu biến của Hoàn Nguyên Quán là “Hàm dung không hữu”, biết sự thật này. Câu này nói gì? Câu này nói tâm lượng vốn có của chúng ta lớn biết bao. “Hàm” là bao hàm, bao hàm vũ trụ, bao hàm không gian. “Dung” là dung nạp, dung nạp vạn vật. Nhà Phật thường nói: “tâm bao thái hư lượng chu sa giới”. Đấy là tâm lượng vốn có của chúng ta. Vì sao giờ ta chẳng thể bao dung chút nào? Khổ sở của ta chính là ở đây. Mê cũng chính ở chỗ này. Tạo nghiệp cũng chính chỗ này. Chịu quả báo cũng do nó. Thế tại sao không mở lòng ra? Như Chư Phật Như Lai, pháp thân đại sĩ đều có tâm lượng bao trùm hư không, chứa đựng pháp giới. Phải học trong sinh hoạt thường ngày, học trong công việc, học trong đối nhân xử thế. Đấy là tu hành thực sự, là thực sự học theo Phật. Người như thế đương nhiên trụ vào chánh định tụ, nên chân thành phát Bồ Đề tâm và cũng là cái thành kính mà Ấn Quang đại sư hay nói. Đây là thể của tâm Bồ Đề, quan trọng hơn tất thảy.

/ 600