/ 600
859

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 376

Chủ giảng: Pháp Sư Tịnh Không

Chuyển ngữ: Nguyên Thanh

Biên tập: Bình Minh

Giảng ngày: 14.4.2011

Địa Điểm: TịnhTông Học viện -Úc Châu


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 454 hàng thứ 3 đếm từ dưới lên, bắt đầu xem “kinh văn”.

Nhược dục thực thời, thất bảo bát khí, tự nhiên tại tiền, bách vị ẩm thực, tự nhiên doanh mãn, tuy hữu thử thực, bảo vô thực giả, đãn kiến sắc thanh hương, dĩ ý vi thực, sắc lực tăng trưởng, nhi vô tiện uế, thân tâm nhu nhuyến, vô sở vị trước, sự dĩ hóa khứ, thời chí phục hiện. Đoạn kinh văn trên là nói về “ẩm thực tự tại”. Chúng ta xem chú giải. Chúng ta phải chú ý câu thứ nhất trong kinh văn: “nhược dục thực thời”, Chữ “nhược” này là giả định, giả thiết. Giả sử quý vị muốn ăn, thì cảnh giới thức ăn hiện tiền. Nếu quý vị không muốn ăn, thì nó không còn nữa. Từ đó cho thấy, ở thế giới Tây phương Cực Lạc, đại đa số người đều không muốn ăn, ăn là một việc rất phiền phức.

Ở trên thế gian này, người tu hành chân chánh, ngày chỉ ăn một bữa. Khi đức Phật còn tại thế, ở trong tăng đoàn, chỉ ăn vào giờ trưa, gọi là quá ngọ không ăn. Buổi sáng có công phu của buổi sáng, công phu xong thì ra ngoài khất thực, khất thực cũng là một thời công phu, ăn cơm cũng là công phu. Cho nên gọi là ngũ thời công phu. Bữa ăn của họ rất đơn giản. Trong kinh điển dạy rằng, A La Hán mỗi tuần đi khất thực một lần. Nói cách khác, là mỗi tuần chỉ ăn một bữa. Định công của Bích Chi Phật sâu hơn, nửa tháng chỉ đi khất thực một lần, tức là hai tuần ăn một bữa.

Chúng ta biết người ở cõi trời Sắc giới, đã đoạn hết ăn uống, không ăn uống, cũng không cần ngủ nghỉ. Lúc bấy giờ đức Phật Thích Ca Mâu Ni thị hiện ở thế gian của chúng ta, là hoàn toàn tùy tâm của chúng sanh mà ứng hiện. Tùy thế giới của chúng ta, tùy tập tánh của người trên trái đất này mà làm gương sáng cho chúng ta. Ngài thị hiện ăn uống đơn giản, khỏe mạnh sống lâu.

Bảo dưỡng thân thể, không nhất định phải ăn thật nhiều, nhưng trong đó ăn phải có khoa học. Thân thể con người, quả thực giống như một bộ cơ khí, cơ khí này nếu quý vị biết cánh dùng, biết cách bảo dưỡng, thì tuổi thọ của nó rất dài. Hồi xưa thầy Lý nói với tôi, thầy rất giỏi về đông y, thầy nói với tôi, thầy một đời khám bệnh cho mọi người, chưa một lần dùng thuốc bị sai. Thầy dám nói lời này, ý là rất cẩn thận, rất dè dặt. Thầy đã từng làm quan tư pháp. Thầy nói làm quan tư pháp phá án, chắc cũng có người bị xử oan, thầy dám bảo chứng rằng trong cuộc đời, thầy không dám nói là không xử oan một người nào. Nhưng dùng thuốc đông y, thì thấy dám nói. Thầy bảo tôi rằng, mục tiêu của y học Trung Quốc, không phải chủ yếu để trị bệnh, vậy chủ yếu để làm gì? Để trường sanh. Theo lý luận của đông y, tuổi thọ của con người, là phải bảo dưỡng bộ cơ khí này, tối thiếu có thể dùng được 200 năm, 200 năm là tuổi thọ bình thường của quý vị, đây là mục đích, mục đích hàng đầu của đông y. Mục đích thứ hai là phòng ngừa bệnh tật, làm sao có thể để con người không bệnh tật, đây là mục đích thứ hai của đông y. Mục đích thứ ba mới là trị bệnh, cho nên trị bệnh là mục đích thứ ba.

Trị bệnh lại có ba hạng, hạng thứ nhất là không cần nói, chỉ nhìn âm thanh, khí sắc của người bệnh, nghe tiếng nói của họ, nhìn động tác của họ, nhìn khí sắc của họ, thì biết được người đó bị bệnh gì. Đây là bác sĩ rất giỏi, xem qua là biết liền. Hạng thứ hai, xem còn chưa chắc chắn, họ phải hỏi, hỏi tình trạng thân thể của quý vị như thế nào, phải hỏi qua một chút, đây là hạng thứ hai. Hạng thứ ba là phải bắt mạch, hỏi rồi họ cũng chưa chắc chắn, nhất định phải bắt mạch, cho nên khi bắt mạch, chúng ta nghe bác sĩ nói những bệnh tình của mình. Gọi bác sĩ bắt mạch là bác sĩ hạng thứ ba. Trị bệnh là hạng thứ ba, trị bệnh đông y hạng thứ ba. Đông y hạng nhất là sống lâu, điều này Tây y không bì kịp. Nhưng đông y dần dần bị thất truyền, rất đáng tiếc.

Đông y là một ngành vô cùng quan trọng trong truyền thống văn hóa Trung Quốc, nhưng đông y không dễ học, bây giờ một số người muốn học đông y rất khó khăn. Điều này quý vị không thể không biết, tất cả pháp thế xuất thế gian muốn học cho thông suốt, muốn học cho viên mãn, thì nhất định là tâm thành kính. Người thời nay không biết cung kính, khó khăn là ở chỗ này. Tuy gặp được thầy giáo giỏi, nhưng quý vị không học được những thứ ở họ.

/ 600